Chính trường Đức: Gió đổi chiều, chính phủ quyền lực của bà Merkel gặp khó

21/09/2016 12:00 PM | Xã hội

Sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD sẽ khiến các đảng phái lớn ở nước Đức không thể tự do muốn làm gì thì làm như thời gian qua.

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận nếu có thể quay ngược lại thời gian, bà sẽ thay đổi chính sách nhập cư. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đảng CDU của bà thất bại tồi tệ trong cuộc bầu cử khu vực gần đây.

Sau nhiều tháng kiên quyết bảo vệ chính sách nhập cư, cuối cùng bà Merkel đã phải thay đổi quan điểm của mình sau khi đảng cánh hữu AfD với quan điểm chống nhập cư mạnh mẽ giành được 14,2% trong cuộc bỏ phiếu cấp vùng tại Đức. Rất nhiều cử tri trung thành của đảng CDU đã chuyển sang ủng hộ đảng AfD. Tại thủ đô Berlin, tỷ lệ ủng hộ đảng CDU của bà Merkel thấp nhất so với các vùng khác tại Đức.

Với tỷ lệ ủng hộ tăng vọt sau nhiều vòng bầu cử cấp vùng, đảng AfD đã trở thành đảng cánh hữu đầu tiên tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai sẽ ra tranh cử trong Nghị viện Đức vào năm sau. Đầu tháng này, đảng AfD đã chiến thắng đảng CDU ngay chính tại bang Mecklenburg Vorpommern vốn là quê hương của bà Merkel.

Từ khi chính thức công bố mở cửa đất nước đón người nhập cư đến từ các vùng chiến sự vào năm ngoái, đây là lần hiếm hoi bà Merkel thể hiện tâm trạng tiếc nuối về chính sách mà bà đã đưa ra.

“Nếu tôi có thể làm được, tôi sẽ quay ngược lại thời gian của nhiều năm trước để tôi và chính đảng của tôi có thể chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư cuối mùa hè năm 2015”, bà Merkel nói trong bài phát biểu ngày hôm qua.

Tuyên bố này của bà Merkel được đưa ra với mong muốn giành lại lá phiếu của rất nhiều cử tri đã rời bỏ đảng CDU của bà để ủng hộ đảng đối lập AfD. Trước cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, gần như chẳng mấy ai biết đến đảng AfD, thế nhưng những gì xảy ra sau đó đã khiến cho đảng AfD nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân Đức.

Các đại diện của đảng AfD đã rất nhiều lần công khai chỉ trích chính sách mở cửa của bà Merkel, họ khẳng định đó là nguyên nhân gây ra rất nhiều bất ổn trong xã hội Đức thời gian vừa qua.

Cùng trong ngày thứ Hai, bà Merkel khẳng định bà sẽ thắt chặt chính sách nhập cư trong thời gian tới tuy nhiên bà khẳng định bà cần đến sự phối hợp tốt hơn giữa các đảng đối lập.

Trong bài phỏng vấn đưa ra sau cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử, bà Merkel vẫn giữ quan điểm rằng chính sách nhập cư của bà là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, nó được đưa ra không đúng thời điểm bởi nó được đưa ra sau nhiều năm nước Đức không kiểm soát tốt vấn đề nhập cư.

Tại Đức, tuyên bố của bà được hiểu rằng bà đã hối tiếc về chính sách mình đưa ra và lần đầu tiên bà chấp nhận các quan điểm đối lập liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư. Bình luận về tuyên bố của bà Merkel, giáo sư chính trị tại đại học Gottingen, ông Andreas Busch, nhận xét: “Ngay khi thất bại xảy ra, bà đã đổi giọng cực kỳ khéo léo.”

Đã có nhiều chính trị gia trong đảng CDU muốn thay bà Merkel, tuy nhiên họ lại không thể đưa ra được ứng viên nào thay thế. Nhiều người đề xuất ông Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Tài chính Đức và hiện được coi như một trong những chính trị gia quyền lực nhất châu Âu. Tuy nhiên hiện ông đã 74 tuổi và được coi như quá già để đảm nhiệm vị trí quan trong như vậy.

Sự phẫn nộ của người Đức chống lại phong trào nhập cư thời gian gần đây không chỉ thể hiện ở kết quả bỏ phiếu của cuộc vòng bầu cử vùng vừa qua mà nó còn có thể được nhìn thấy ở việc đảng AfD đã thuyết phục được rất nhiều cử tri từng nhiều năm rời xa các cuộc bầu cử quay lại bỏ phiếu.

Kết quả các cuộc thống kê cho thấy tại bang Saxony-Anhalt, hơn 40% người đi bỏ phiếu từng chưa bao giờ bỏ phiếu trong đời họ trước đó. Còn trong nhóm những người ủng hộ đảng AfD, có đến 56% vô cùng tức giận với chính sách nhập cư gây nhiễu loạn xã hội của bà Merkel.

Nhiều người nhập cư đã sống tại Đức nhiều thập kỷ nhận xét về những người nhập cư Hồi Giáo như sau: “Bà Merkel chỉ làm theo ý mình khi cho người tị nạn vào nhưng giải quyết chậm chạp mà trại tị nạn đa số là thanh niên tuổi từ 16 tới 35, vốn đã quen cách sống ở nước họ thì làm sao họ chịu được quanh năm suốt tháng ở trong trại sống chung với nhiều người. Đó là chưa kể đến việc thành viên của IS gài người vào ngày đêm kích động gây rối xã hội.

Nhiều người từng có quan điểm rằng nước Đức cần người nhập cư nhưng trên thực tế, không phải người nhập cư nào cũng giống người nhập cư nào. Nhiều người được tạo công ăn việc làm với kèm theo ưu tiên của chính phủ Đức nhưng mới làm hai tuần đã bỏ không chịu làm lấy lý do là "khách quý" do bà thủ tướng mời đến nên không cần làm việc. Họ khẳng định vì Đức giàu lắm, có hàng tấn vàng dự trữ , quỹ trợ cấp giàu có, vì vậ nên cũng chẳng cần phải làm việc.

Ở các nước như Thụy Sỹ và Nauy, chính phủ các nước này chỉ muốn người tị nạn ở một nơi nào đó ổn định rồi cấp tiền viện trợ, chứ không chấp nhận cho vào nước họ mà mang nhiều nỗi lo như: tội phạm, khủng bố trà trộn, an ninh trật tự xã hội đảo lộn, an sinh ảnh hưởng. Chưa kể các tàu nhập cư đông nghẹt lại chẳng phải đến từ Syria mà chỉ toàn người đến từ các khu vực không hề có chiến sự, mua hộ chiếu Syria giả để nhập cảnh vào Đức.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia chính trị, sự trỗi dậy của đảng cực hữu và phong trào cực hữu dù ban đầu có thể làm hài lòng những người chống phong trào nhập cư, nhưng về lâu về dài, tác động của nó còn tồi tệ hơn rất nhiều những gì đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

Nó sẽ tạo ra một nước Đức cực đoan, thù hận, khác hẳn với hình ảnh nước Đức thân thiện, cởi mở đối với các sắc tộc tôn giáo suốt nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, nếu AfD có quyền lực lớn hơn, khả năng Đức rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) là điều không thể loại trừ.

Sự trỗi dậy của phong trào cực hữu tại châu Âu không phải chuyện xảy ra sau khi Đức vướng vào cuộc khủng hoảng di cư 2015 mà nó đã bắt đầu từ năm 2011. Tháng 8/2011, hai vụ thảm sát diễn ra liên tiếp trong 1 ngày tại Nauy khiến dư luận châu Âu bàng hoàng ngạc nhiên, họ tự hỏi phong trào đa sắc tộc tích cực tại châu Âu từ lúc nào đã dần bị thay thế bởi chủ nghĩa cực đoan.

Theo phân tích của nhà bình luận chính trị J.Forbirg, các nhóm cực hữu từng xuất hiện tại châu Âu thập niên 60 và 90 của thế kỷ trước, sau đó khi các xu thế đa sắc tộc tích cực xuất hiện, những băng nhóm này tan rã. Thế nhưng khi người nhập cư tràn vào châu Âu những năm gần đây, những băng nhóm đó lại có điều kiện để phát triển trở lại.

Từ năm 1995 tại Hà Lan, Đảng PTF theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã dần phát triển trở thành lực lượng chính trị có quyền lực lớn thứ 3 trong Quốc hội, đặc biệt nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2010.

Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã khiến các phong trào cực hữu như trên bùng phát. Cho đến năm nay khi Anh rời Liên minh châu Âu, nhiều chuyên gia khẳng định rằng đã đến lúc hình dung đến một châu Âu tan rã, đường biên giới siết chặt và chính sách vô cùng khắt khe với người nhập cư. Chính sách đó nếu được áp dụng không những bất lợi đối với người đạo Hồi – đối tượng bị người châu Âu tẩy chay mà còn bất lợi chung với tất cả các đối tượng nhập cư nói chung.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM