Chính quyền Mỹ khởi kiện Google: Vụ kiện thế kỷ hay "chuyện không có gì mới"

30/10/2020 14:30 PM | Công nghệ

Vụ kiện của Bộ Tư pháp không liên quan đến các thao tác dữ liệu cũng như các hoạt động chính trị của Google...

Google LLC - một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, cung cấp các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet, bao gồm quảng cáo trực tuyến, công cụ tìm kiếm, điện toán đám mây, phần mềm và phần cứng, trị giá 1.000 tỷ USD – luôn khiến người tiêu dùng, chính trị gia và các đối thủ cực kỳ khó chịu. 

Công ty này đang phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) khởi xướng.

Google sở hữu hoặc kiểm soát 80% thị trường kênh tìm kiếm; 90% tổng lệnh tìm kiếm; và 90% tổng lệnh tìm kiếm trên điện thoại di động. Công ty này hướng đến thống lĩnh thị trường dịch vụ dữ liệu chủ yếu trên "đám mây", một nền tảng lưu trữ dữ liệu, ứng dụng và phần mềm tại một trang web bên ngoài được người dùng truy cập theo yêu cầu. Google đang cạnh tranh với Web Services của Amazon và Azure của Microsoft.

Công ty này đã bị cáo buộc can thiệp vào chính trị và bầu cử, chủ yếu là về phe với các phong trào và tổ chức cánh tả. Hành vi can thiệp được thực hiện bằng cách kiểm soát những trang web mà người dùng truy cập thông qua các thuật toán cho phép ưu tiên một số trang web nhất định hơn những trang web khác. Các trang web có thể trả phí cho Google để tăng lượng truy cập.

Vụ kiện của Bộ Tư pháp không liên quan đến các thao tác dữ liệu cũng như các hoạt động chính trị của Google. Việc hai ông lớn khác là Twitter và Facebook có nhiều khả năng phải đối mặt với các vụ kiện trong một diễn biến khác có thể sẽ gây khó khăn hơn cho Google nếu các vụ kiện đó thực sự xảy ra.

GOOGLE SẼ ĐỐI MẶT VỚI DOJ TẠI TÒA

Hai trong số các cáo buộc của DOJ nhằm vào Google rất dễ chứng minh. Thứ nhất, dựa trên bất kỳ tiêu chí nào thì Google cũng là một công ty độc quyền.

Thứ hai, Google kìm hãm sự cạnh tranh. Google Search được sử dụng trên hệ điều hành Android được gắn sẵn trong các thiết bị có màn hình cảm ứng, máy tính bảng và điện thoại di động. Google cũng trả tiền cho Apple, Samsung và nhiều hãng khác để đặt Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các dịch vụ hoặc thiết bị  của các hãng này.

Cáo buộc thứ ba mơ hồ hơn nhiều so với hai cáo buộc trên. DOJ phải chứng minh rằng Google đang gây thiệt hại cho người dùng của mình. Trong các vụ kiện chống độc quyền trước đây, thiệt hại thường được xác định bằng giá cả: người dùng bị tính phí quá cao. Tuy nhiên, trình duyệt và công cụ tìm kiếm của Google lại được cung cấp miễn phí cho người dùng.

Vì không thể xác định được thiệt hại gây ra cho người sử dụng theo cách thông thường nên DOJ đã tuyên bố trong đơn khởi kiện rằng Google có tính phí người dùng dưới hình thức yêu cầu người dùng phải (1) cung cấp thông tin cá nhân có giá trị để sau đó Google sử dụng và bán lại các thông tin này, và (2) xem các quảng cáo do Google kiểm soát. Sẽ rất khó khăn cho DOJ khi phải thuyết phục tòa án về tính pháp lý của cáo buộc này.

Phản bác lại cáo buộc này, Google khẳng định họ đang cung cấp cho người dùng rất nhiều tiện ích miễn phí; người dùng có quyền lựa chọn công cụ tìm kiếm; và các công cụ tìm kiếm khác như Bing, Yahoo, DuckDuckGo, Baidu cùng nhiều công cụ khác nữa có thể thay thế Google Search chỉ với một "cú nhấp chuột". Google cũng tuyên bố rằng thực tế là trong trường hợp các công cụ tìm kiếm thay thế được thiết lập mặc định trên thiết bị thì nhiều người dùng đã tải lại Google Search.

DOJ thì cho rằng các công cụ tìm kiếm thay thế cho Google Search rất khó tìm thấy và khó tải xuống, đồng thời nhiều người dùng không có những kỹ năng này. Đáp lại, Google khẳng định người dùng không gặp khó khăn gì khi tải Facebook, Twitter, YouTube và hàng nghìn ứng dụng khác.

DOJ cũng tuyên bố Google kìm hãm sự đổi mới trong mảng công cụ tìm kiếm bằng cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. DOJ khẳng định sự hiện diện rộng lớn của Google trên thị trường đã khiến các đối thủ cạnh tranh không còn chỗ để phát triển. Google thì cho rằng lý do là vì các công cụ tìm kiếm khác không ưu việt bằng của họ. Bởi vì Google cung cấp Google Search miễn phí cho người dùng nên việc cho phép các đối thủ cạnh tranh khác tham gia thị trường với số lượng lớn sẽ làm tăng giá thành của thiết bị, đặc biệt là mặt hàng điện thoại di động.

Những người ủng hộ Google cho rằng lời bào chữa tốt nhất chính là con số khoảng 4 tỷ người đang sử dụng Google Search.

LẶP LẠI VỤ KIỆN NHẰM VÀO MICROSOFT 

Thay vì tạo tiền lệ mới trong án lệ độc quyền, có vẻ như DOJ đang lặp lại y hệt cách xử lý vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Microsoft năm 1998. DOJ khi đó khởi kiện Microsoft vì công ty này đã tạo ra thế độc quyền bằng cách thiết lập các rào cản pháp lý và kỹ thuật trả đũa những người dùng cố dỡ cài đặt trình duyệt Internet Explorer. Vấn đề cốt lõi của vụ kiện là đưa ra phán quyết về việc Microsoft có quyền áp đặt mặc định chạy trình duyệt Internet Explorer trên tất cả các bản của hệ điều hành Windows hay không.

DOJ đã thắng kiện và dự tính chia tách Microsoft thành hai công ty riêng biệt. Cuối cùng quyết định đưa ra là không chia tách và đổi lại thì Microsoft đồng ý chia sẻ công nghệ của mình. Việc thực thi được giám sát bởi một hội đồng chuyên gia để đảm bảo tuân thủ.

Theo các nhà phê bình, ở nhiều phương diện, Microsoft vẫn duy trì thế độc quyền, vì vậy phán quyết này của tòa ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của ông lớn này.

NHỮNG HÀM Ý TỪ VỤ KIỆN GOOGLE

Nếu DOJ thắng thì vụ kiện này sẽ để lại những tác động rất lớn cho Google và thế giới công nghệ.

Một thẩm phán liên bang có thể đưa ra phán quyết yêu cầu Google chia tách thành hai công ty nhỏ chuyên về hai mảng: phát triển phần mềm và quảng cáo trên Internet. Về cơ bản, điều này sẽ gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của công ty khi công cụ tìm kiếm bị tách khỏi kênh thu nhập từ quảng cáo. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người dùng.

Sáng kiến đám mây của Google có thể bị ảnh hưởng xấu. Công ty sẽ khó mà tuyển dụng được các kỹ sư phần mềm hàng đầu trong giai đoạn khủng hoảng.

Sự chia tách có thể tác động đến toàn bộ lĩnh vực công nghệ. Hàng ngàn công ty đang cung cấp các nền tảng, ứng dụng và có các mối hợp tác sẽ phải lo lắng về những thiệt hại mà họ có thể gây ra cho người dùng, nhiều người trong số đó có thể đang sử dụng dịch vụ miễn phí. Các công ty này cũng có thể rơi vào tình huống bị quản lý và buộc phải chia sẻ công nghệ và nền tảng của mình với các đối thủ cạnh tranh. Họ cũng có thể bị buộc phải hoạt động trong một "hệ sinh thái mở" hơn.

Bất kể vụ việc diễn ra như thế nào thì cũng phải mất nhiều năm toà mới đưa ra được phán quyết cuối cùng. Vụ việc của Microsoft bắt đầu bằng một cuộc điều tra sơ bộ năm 1992, được đưa ra xét xử năm 1998, sau đó kháng cáo lên toà cấp cao hơn, và cuối cùng được giải quyết vào năm 2001. Việc này đặt gánh nặng lớn lên các công ty công nghệ khi họ phải tìm mọi cách né tránh các vấn đề pháp lý trong quá trình vụ việc đang chờ xét xử.

Nhiều luật sư đang kêu gọi điều chỉnh luật liên quan đến độc quyền. Hiện tại, các thẩm phán nắm giữ nhiều thẩm quyền quyết định trong khi chính sách công nghệ mới có thể không phù hợp với luật cũ được ban hành từ năm 1890.

Đồng thời, có vẻ như có một thực tế là các thẩm phán áp dụng luật trong phạm vi rất hẹp gây khó khăn cho việc khiếu nại, khởi kiện các công ty công nghệ. Một số luật sư cảm thấy lợi ích công có thể bị thỏa hiệp.

Vì vậy, vụ kiện Google có thể có những tác động lớn, tuy nhiên công ty này có khả năng sẽ thắng khi tòa yêu cầu bên nguyên phải chứng minh được những tổn hại mà Google đã gây ra cho người dùng. Vụ việc này sẽ còn nhiều diễn biến mới.

TS. Terry F.Buss (Chuyển ngữ: Đào Thúy)

Cùng chuyên mục
XEM