Chính phủ Trung Quốc kích cầu BĐS: Hạ lãi suất, hỗ trợ dân thành thị mua chung cư, phát triển thị trường cho thuê nhà dài hạn

27/05/2022 09:08 AM | Kinh doanh

Sau một thời gian siết chặt đầu cơ, siết mạnh trái phiếu doanh nghiệp để lành mạnh thị trường BĐS thì chính quyền Bắc Kinh đã dần dần nới lỏng, bởi thị trường BĐS đang ảm đạm và ngày càng tuột dốc. Thị trường BĐS và xây dựng chiếm đến 1/4 tăng trưởng GDP của Trung Quốc nên không phải muốn siết là siết, nhất là trong thời buổi tăng trưởng GDP thấp như hiện nay.

Tỷ lệ dân thành thị ở Trung Quốc hiện nay đã chiếm tỷ lệ 63,9% dân số cả nước.
Tỷ lệ dân thành thị ở Trung Quốc hiện nay đã chiếm tỷ lệ 63,9% dân số cả nước.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thị trường BĐS Trung Quốc từ sau vụ vỡ nợ của nhà phát triển BĐS hàng đầu Trung Quốc – Evergrande là một trong những thách thức rất lớn của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022.

Giá nhà ở Trung Quốc đã giảm liên tục từ tháng 6/2021, thời điểm "bom nợ" của Tập đoàn Evergrande phát nổ. Với khối nợ hơn 300 tỷ USD, việc Evergrande vỡ nợ không chỉ gây tổn thất cho các nhà đầu tư đang nắm giữ 1,2 tỷ USD trái phiếu niêm yết bằng đồng USD của hãng, mà còn kéo theo tác động xấu lên cả ngành BĐS, vốn tạo ra 25% giá trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc Wang Menghui nói với Tân Hoa xã: "Trung Quốc sẽ không sử dụng lĩnh vực BĐS như một công cụ để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn".

Sau phát biểu của Bộ trưởng Wang, các quan chức và chuyên gia Trung Quốc nhận định: Nước này sẽ không chuyển sang lĩnh vực BĐS vì động lực ngắn hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Chính phủ Trung Quốc kích cầu BĐS: Hạ lãi suất, hỗ trợ dân thành thị mua chung cư, phát triển thị trường cho thuê nhà dài hạn - Ảnh 1.

Nhiều dự án đang bị đình trệ trong khi người dân lại thiếu nhà ở.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh từ Chính phủ Trung Quốc bằng cách nới lỏng một số hạn chế nhằm thúc đẩy thị trường vào những tháng cuối năm 2021, song xu hướng siết chặt quản lý thị trường cho thấy chính phủ nước này đã sẵn sàng đối mặt những tổn thất kinh tế trước mắt để "thanh lọc" thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ tập trung tháo gỡ và nỗ lực giải quyết những khó khăn về nhà ở mà người dân đô thị mới và người trẻ phải đối mặt.

Tuy nhiên, trong 2 năm Covid, các đợt phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại Trung Quốc đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, hạn chế nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân và khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hồi đầu năm nay: doanh số bán, đầu tư và các hoạt động mua bán cũng như tài trợ của các công ty BĐS đều giảm sút trong giai đoạn cuối năm 2021.

Trong tháng 4/2022, doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt hơn 442 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 4 của Trung Quốc cũng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản cho khoản vay kỳ hạn 5 năm từ mức 4,6% xuống còn 4,45%, khoản vay kỳ hạn 1 năm dành cho các doanh nghiệp là 3,7%.

Hàng loạt các biện pháp kích thích thị trường BĐS được triển khai như giảm lãi suất cho người vay mua căn nhà đầu tiên còn 5,15%/năm. Nhiều thành phố lớn không còn gây khó khăn khi cho dân ngoại tỉnh mua nhà. Chính quyền một số địa phương cũng đã bỏ quy định mua nhà 3-4 năm mới được bán lại…

Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động mua bán nhà ở, cũng như giảm tải sức ép cho các nhà đầu tư vốn đang phải đối mặt với gánh nặng nợ chồng chất.

Tại các đô thị lớn ở Trung Quốc, người dân chỉ được mua chung cư với thời hạn 50 đến 70 năm. Ai muốn mua biệt thự, nhà vườn thì phải về nông thôn hoặc vùng ngoại ô xa các đô thị lớn.

Quỹ đất trong vùng nội đô xây chung cư sẽ được để dành làm công viên, đường giao thông và các công trình công cộng. Ngoài ra, việc quy hoạch tàu điện ngầm, trung tâm thương mại, bệnh viện... cũng dễ dàng hơn nếu tất cả người dân nội đô đều ở chung cư.

Cư dân thành thị thường trú hiện nay chiếm 63,9% dân số Trung Quốc và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên nhanh chóng. Với sự gia tăng hàng năm hơn 11 triệu người dân thành thị có việc làm, nhu cầu nhà ở mới trong nước đang là một áp lực rất lớn dành cho chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh việc đẩy nhanh nỗ lực phát triển thị trường nhà cho thuê dài hạn, Trung Quốc sẽ nỗ lực khởi động nhiều dự án nhà ở giá rẻ được chính phủ trợ cấp. Đồng thời sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường BĐS để nó đáp ứng tốt hơn nhu cầu hợp lý của người mua nhà trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn hơn.

Thị trường BĐS Trung Quốc trong năm 2022 được nhận định vẫn còn nhiều sóng gió, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có những đối sách linh hoạt, vừa ngăn đà lao dốc của thị trường nhưng cũng cần loại bỏ những yếu tố rủi ro trong dài hạn.

Hoa Vinh

Cùng chuyên mục
XEM