Chính phủ dự kiến huy động vốn vay 571.014 tỷ đồng năm tới, có thể phát hành trái phiếu quốc tế

16/10/2021 08:38 AM | Xã hội

Phần lớn nguồn vay này sẽ huy động trong nước, nếu có khó khăn có thể phát hành trái phiếu quốc tế để đa dạng nguồn và phương thức.

Như BizLIVE đề cập ở bài viết trước , với điều kiện lãi suất giảm sâu trên thị trường thế giới, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại Việt Nam đã “tranh thủ” đẩy mạnh hoạt động đi vay nước ngoài trong năm nay, với tốc độ có khả năng vượt hạn mức mà Thủ tướng đã xác định.

Tốc độ đó dự báo sẽ tiếp tục nối sang năm 2022, mà báo cáo về nợ công Bộ Tài chính vừa gửi đến Quốc hội tính toán: dự báo mức vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao; dự kiến mức rút vốn ròng trung dài hạn khoảng 7.500 triệu USD, dự kiến tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với cuối năm 2021.

Báo cáo trên cũng nêu chi tiết kế hoạch huy động vốn dự kiến của Chính phủ trong năm tới.

Theo đó, Chính phủ dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2022 ở mức 571.014 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) 347.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.965 tỷ đồng.

Về nguồn huy động, Chính phủ dự kiến huy động vay nước ngoài khoảng 68.088 tỷ đồng từ các thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết; số còn lại 502.926 tỷ đồng vay trong nước, chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), tập trung phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên; trường hợp cần thiết có thể kết hợp phát hành kỳ hạn dưới 5 năm để đảm bảo đủ nguồn huy động của Chính phủ.

Dự kiến rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2022 khoảng 68.088 tỷ đồng, trong đó sử dụng cho đầu tư công khoảng 40.000 tỷ đồng; vay cho hành chính sự nghiệp đối với các hiệp định ký từ năm 2017 về trước khoảng 1.123 tỷ đồng; cho vay lại khoảng 26.965 tỷ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ theo tính toán là khoảng 299.818 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 196.149 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 103.668 tỷ đồng; bằng khoảng 21,2% so với thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 36.370 tỷ đồng (trả gốc khoảng 27.208 tỷ đồng, trả lãi khoảng 9.162 tỷ đồng).

Về bảo lãnh Chính phủ, tính toán được đưa ra là mức bảo lãnh phát hành tối đa với Ngân hàng Phát triển là 9.250 tỷ đồng, với Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.400 tỷ đồng, bằng mức trả nợ gốc đến hạn trong năm theo chủ trương tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, số rút vốn trong năm 2022 không vượt quá số trả nợ gốc trong năm.

Cụ thể, dự kiến giải ngân trong năm 2022 của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp khoảng 2.482 tỷ đồng; trả nợ gốc khoảng 31.918 tỷ đồng; dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh dự kiến ở mức 159.825 tỷ đồng, trong đó bảo lãnh vay trong nước 9.836 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài 149.989 tỷ đồng.

Tại thời điểm hiện nay, dự kiến trong năm 2022 Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo.

Dự kiến vay, trả nợ của chính quyền địa phương (CQĐP) trong năm 2022 cũng được tính với tổng mức vay trong năm khoảng 28.637 tỷ đồng (dự kiến từ nguồn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và nguồn vay trong nước khác); tổng trả nợ khoảng 5.914 tỷ đồng, trong đó trả gốc 3.637 tỷ đồng; trả lãi, phí khoảng 2.277 tỷ đồng. Tổng dư nợ cuối năm khoảng 100.165 tỷ đồng.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của CQĐP và nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả như trên, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 21-22% - Bộ trưởng gút lại các con số chính.

Bên cạnh hướng gợi mở nói trên về khả năng có thể kết hợp phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm để đảm bảo đủ nguồn huy động của Chính phủ, báo cáo cũng đề cập một hướng khác nữa đáng chú ý.

Cụ thể, với nguồn vay chủ yếu dựa vào trong nước, trường hợp nguồn lực trong nước vẫn thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển, trả nợ gốc và cơ cấu lại danh mục nợ, Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế khi điều kiện thị trường thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Trung Chính

Cùng chuyên mục
XEM