Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Đại học FLC

04/06/2019 10:19 AM | Kinh doanh

FLC dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với số lượng ban đầu là 600 sinh viên, sau đó tăng lên 6.100 vào năm 2024 và 10.000 vào năm 2035.

Trên cơ sở đánh giá và đệ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Văn phòng Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày 03/06/2019 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức ký văn bản số 664/TTg-KGVX đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC tại Tỉnh Quảng Ninh.

Theo đề án thành lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trường Đại học FLC được xây dựng với quy mô dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư ước tính gần 4.000 tỷ đồng.

Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN); xếp hạng AACSB đối với các chương trình quản trị kinh doanh trong thời gian ngắn nhất giúp học viên được học tập trong môi trường giáo dục bài bản, đẳng cấp quốc tế ngay tại Hạ Long mà không cần đi du học nước ngoài. Từ đó dần thay đổi quan niệm về "du học" truyền thống và đặt mục tiêu thu hút sinh viên ở các tỉnh, thành phố khác về Quảng Ninh "du học", kể cả sinh viên ở các quốc gia khác đến Việt Nam.

Với ba chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không, Trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Đại học FLC - Ảnh 1.

Theo TS. LS Vũ Đặng Hải Yến – Giám đốc Công ty Luật TNHH SmiC, người đại diện đứng tên thành lập Trường đại học FLC, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang "bùng nổ" trên phạm vi toàn cầu còn Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường du lịch, thị trường hàng không thuộc top đầu thế giới về tăng trưởng, việc đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng đặc biệt cho các ngành Công nghệ cao, Du lịch và Hàng không đang là yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, căn cứ trên thực tiễn tuyển dụng của Tập đoàn FLC và nhu cầu chung của doanh nghiệp, có thể thấy rằng nhân lực trong các ngành này vẫn chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng.

Tính riêng trong lĩnh vực Du lịch, theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Thực trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành Công nghệ cao và Hàng không với những thách thức chung về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng hành nghề cũng như kỹ năng mềm…

"Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một cơ sở giáo dục hệ đại học và sau đại học vượt trội trong phương pháp và chương trình giảng dạy, góp phần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nói riêng và góp phần phát triển các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung", bà Yến cho biết.

Hiện tại, Tập đoàn FLC đang nhanh chóng làm việc và thực hiện các thủ tục pháp lý với UBND Tỉnh Quảng Ninh để hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất và các thủ tục pháp lý khác cho việc khởi công xây dựng Trường Đại học FLC trong năm nay.

Bên cạnh đó, việc đặt quan hệ hợp tác, ký kết MOU với nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao, du lịch và hàng không trong nước và quốc tế cũng đã và đang được khẩn trương triển khai, hứa hẹn những chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế sẽ sớm được hình thành, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời đại Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

PV

Cùng chuyên mục
XEM