Chính phủ ban hành gói hỗ trợ tài khóa 115.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế

23/04/2021 09:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Nghị định 52 vừa được Chính phủ ban hành là gói hỗ trợ lần thứ 3 được đưa ra nhằm chung sức cùng cộng đồng doanh nghiệp ứng phó với Covid-19. Cụ thể gồm 115.000 tỷ đồng tiền gia hạn thuế và tiền thuê đất với thời gian gia hạn từ 3-6 tháng tùy từng sắc thuế.

Cụ thể gia hạn 3 tháng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II năm nay. Gia hạn 6 tháng tiền thuê đất với số phải nộp đầu năm. Và gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng. So với chính sách hỗ trợ đã ban hành năm ngoái thì chính sách lần này vẫn bổ sung thêm một số đối tượng khác có bị ảnh hưởng bởi bởi Covid-19 như lĩnh vực xuất bản, truyền hình, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc thiết bị và một số lĩnh vực khác.

Đây là chính sách được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tại thời điểm này bởi tính riêng hết quý I năm nay hơn 40.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường. Điều này cho thấy sức lực của cộng đồng doanh nghiệp đã suy yếu rất nhiều. Những hỗ trợ đối với doanh nghiệp thời điểm này có thể là yếu tố quyết định giữa ranh giới tồn tại hay đóng cửa.

Trước đây với mỗi máy phát điện có giá khoảng 1 tỷ đồng của CTCP Sáng Ban Mai, sau khi khấu trừ 70 triệu đồng thuế nguyên liệu đầu vào thì doanh nghiệp này phải nộp cho cơ quan thuế là 30 triệu đồng thuế giá trị gia tăng. Do đó với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế thì doanh nghiệp có thể giữ lại số tiền này để tái sản xuất.

"Giá trị mà chúng tôi được giảm rất cao, bằng số tiền phải đi vay ngân hàng giờ chúng tôi không phải vay nữa. Khi Chính phủ áp dụng Nghị định này thì chúng tôi không cần phải dùng tiền của mình để nộp thuế ngay mà chúng tôi có thể dùng tiền đó để tiếp tục tái đầu tư, trả lương cán bộ công nhân viên, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong năm 2021. ", ông Trần Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Sáng Ban Mai trả lời phỏng vấn VTV.   

Trong bối cảnh thị trường đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải biển tăng cao đã làm giá nguyên liệu đầu vào như nhựa, thép, inox đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phải tăng thêm vốn để nhập nguyên liệu. Do đó khoản thuế được gia hạn giúp doanh nghiệp có thêm vốn để trả chi phí đầu vào.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá đây là liều thuốc trợ lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để giúp họ chủ động được tài chính cũng như dùng dòng tiền này giữ vững sản xuất, đảm bảo kế hoạch đưa ra.

"Chính phủ đã hy sinh cái thuận lợi của mình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ dùng tiền thuế thay vì phải nộp ngân sách nhà nước thì giờ sẽ chiếm dụng lại trong 5 tháng và qua đó có thể dùng tiền đó để trả lương, đầu tư mua thiết bị sẩn xuấ kinh doanh. Chúng tôi thấy rằng đây là một giải pháp rất tốt ", Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.

Để thụ hưởng chính sách này, người nộp thuế chỉ phải nộp 1 lần duy nhất giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trước 30/7/2021. Hiện thủ tục này đã được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế.

"Gói hỗ trợ lần này chúng ta thấy nó có thể hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Nó không chỉ tạo ra dòng tiền mà còn là niềm tin về mặt Chính sách", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM