Chiến lược tranh cử khôn ngoan của tân thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, nữ chính trị gia quyền lực nhất Nhật Bản

05/08/2016 11:29 AM | Nhân vật

Một gương mặt mới, một ứng viên độc lập, cùng lới hứa với cử tri rằng sẽ xây dựng một chính quyền minh bạch và đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.

Ngày Chủ nhật tuần vừa rồi, Tokyo đã bầu ra nữ thị trưởng đầu tiên trong lịch sử, đó chính là bà Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và từng đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi ông lên nhậm chức lần đầu.

Bà đã nhận được hơn 1 triệu phiếu bầu của cử tri. Bà lên giữ chức vụ này thay cho ông Yoichi Masuzoe, người đã từ chức vào giữa tháng 6/2016 do bê bối chi tiêu lạm quyền.

Bà đã chính thức trở thành nữ chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử Nhật. Trong hạ viện Nhật hiện mới chỉ có 45 thành viên nữ trên tổng số 475 thành viên Hạ viện. Trong chính trường cũng như trong đời sống, phụ nữ ở Nhật vẫn còn chịu quá nhiều định kiến.

Tháng 6/2014, nữ chính trị gia Ayaka Shiomura trong khi đang phát biểu trước đám đông về nội dung hỗ trợ cho những bà mẹ đi làm đã bị một kẻ quá khích nói chen ngang: “Thôi bà hãy ngừng nói và về lấy chồng đi”. Sau đó hàng tràng cười lớn từ những người đàn ông đứng xung quanh đã khiến bà bối rối. Sau này, phải mất đến 5 ngày dưới áp lực từ nhiều phía, danh tính của kẻ gây rối mới được công bố.

Con đường để bà Koike trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Nhật không hề đơn giản. Ban đầu khi bà Koike thông báo ý định ra tranh cử chức thị trường Tokyo, bà đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi không có hồi kết trong nội bộ chính đảng LDP của bà.

Đảng LDP vốn có quyền lực rất lớn tại Tokyo. Rất nhiều chính trị gia đảng LDP lo sợ một ứng viên quá nổi tiếng sẽ lại vướng vào bê bối nào đó và rồi rời chức vụ trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Đảng LDP cũng đã bàn bạc và đưa ra một số ứng viên khác.

Sau này khi bà Koike tuyên bố bà sẽ vẫn quyết liệt tranh cử kể cả đảng LDP có ủng hộ hay không, lập tức giới chính trị gia cao cấp phản ứng rất tiêu cực. Trong đó nổi bật phải kể đến ông Nobuteru Ishihara, con trai cựu thị trưởng Shintaro Ishihara và chủ tịch đảng LDP. Ông này thậm chí còn tuyên bố: “Nếu bà Koike quyết tâm tranh cử thị trưởng Tokyo, bà sẽ không còn được coi là thành viên đảng LDP nữa.”

Công bằng mà nói, từ xưa đến nay bà Koike cũng chưa bao giờ được lòng nhiều chính trị gia đảng LDP. Ban đầu bà thuộc đảng Japan New Party khi mới tham gia vào chính trường năm 1992, sau đó bà chuyển sang 2 đảng khác và cuối cùng gia nhập đảng LDP vào năm 2002. Nhiều người gọi bà với cái tên “chim di cư”.

Và ngay cả sau khi đã vào đảng LDP, bà cũng hay thay đổi lập trường và phe cánh. Nói cách khác nếu bạn là một chính trị gia cần một phe nhóm ổn định thì bạn sẽ không thể tìm thấy điều đó ở bà Koike. Nhiều người hoài nghi về bà cũng là điều dễ hiểu.

Vậy cuối cùng bà đã chiến thắng như thế nào?

Rõ ràng sau những bê bối xảy đến với nhiều chính trị gia Nhật trong thời gian qua, trong đó nổi bật nhất là bê bối lạm dụng tiền công quỹ của ngài thị trưởng cũ được báo chí nói đến trong suốt nhiều tháng, công chúng đã quá mệt mỏi và họ cần một gương mặt mới.

Bà Koike đã vô cùng khôn ngoan khi chạy đua tranh cử vị trí thị trưởng trong vai trò của một ứng viên độc lập, bà hứa với cử tri rằng bà sẽ xây dựng một chính quyền minh bạch và đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.

Trong khi không thích bà Koike, đảng LDP cũng có lựa chọn của riêng mình. Đảng vận động cho ông Hiroya Masuda, cựu tỉnh trưởng tỉnh Iwate lên làm ứng viên chính thức của đảng ra tranh cử cho vị trí này. Ông Masuda rõ ràng có nhiều lợi thế hơn so với bà Koike bởi ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nhóm cử tri quyền lực tại Tokyo. Đối với họ, bà Koike chỉ là một gương mặt mới và “ngang bướng” không chịu tuân theo nguyên tắc của họ.

Cùng lúc này, Đảng Dân chủ đối lập với đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc thống nhất để đưa ra một ứng viên đại diện cho đảng. Họ cuối cùng cũng chọn ra được ông Shuntaro Torigoe, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, nhưng ông này cuối cùng lại bị đánh giá là quá thiếu năng lực.

Trong quá trình tranh cử, ông Shuntaro Torigoe nói đến những vấn đề kiểu như chống lại việc sửa đổi hiến pháp và chống vũ khí hạt nhân, thế nhưng đáng tiếc là những vấn đề đó lại không nằm trong nhóm vấn đề mà cử tri Tokyo quan tâm. Họ lo lắng về những vấn đề sát sườn với cuộc sống như việc làm, thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ em hay hơn hết là trách nhiệm quản lý của giới chức lãnh đạo thành phố. Ông Torigoe chẳng mang đến cho cử tri Tokyo điều gì thực tế.

Đó là còn chưa kể đến việc thời gian gần đây, báo chí Nhật liên tiếp đưa tin về những rắc rối mà ông đã vướng phải với phụ nữ. Nói tóm lại, việc các đảng phái đối lập bối rối không đưa ra nổi ứng viên nào đủ cá tính và trình độ để đối đầu khiến bà Koike càng có chiến thắng vang dội.

Trong ngày đầu tiên nhậm chức thị trường Tokyo, bà Koike đã tái khẳng định lại quyết tâm muốn đặt quyền lợi của cử tri Tokyo lên hàng đầu và ráo riết thực hiện các biện pháp cải cách hoạt động của chính quyền trung ương. Dù vậy, bà Koike sẽ đối đầu với rất nhiều thách thức. Bà Koike sẽ phải làm việc với chính quyền trung ương và đảng LDP, nơi bà không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Cùng lúc đó, chính đảng của Thủ tướng Abe cũng với nhiều chính trị gia sẽ theo dõi sát sao quá trình giữ chức thị trưởng của bà, thành công có thể chưa bàn đến nhưng sai sót sẽ phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhiệm kỳ của bà kéo dài 4 năm cho đến trước khi Tokyo tổ chức Thế Vận hội mùa hè 2020 tại Tokyo.

Dù muốn hay không, đảng LDP sẽ vẫn phải hợp tác với bà Koike bởi việc tổ chức thành công Thế Vận hội cũng chính là trách nhiệm của họ. Đối với bà Koike, việc bà tranh cử thị trưởng Tokyo đi kèm với rủi ro cực kỳ lớn: nếu bà thua cuộc, sự nghiệp chính trị của bà coi như đã kết thúc.

Và nay bà sẽ phải bắt tay vào canh bạc chính trị lớn nhất cuộc đời mình, chứng minh với cử tri Tokyo rằng bà xứng đáng với lá phiếu mà họ bầu ra bà.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM