Chiến lược quản trị của HLV Park Hang-seo: Bóng đá nếu dùng sức thì châu Phi luôn vô địch! Trên sân bóng là cuộc đấu trí của hai bên, người biết thay đổi, đối pháp linh hoạt thì mới có thể tồn tại

23/01/2019 09:01 AM | Kinh doanh

Ông Park luôn yêu cầu mọi người phải tư duy khi chơi bóng, trước và sau khi nhận bóng.

HLV Park Hang-seo đã dẫn dắt một U23 Việt Nam làm nên điều kỳ diệu khi vào đến trận chung kết giải U23 châu Á ở Thường Châu - Trung Quốc cách đây 1 năm. Ông cũng là người đưa đội tuyển Việt Nam nâng cao chiếc cup vô địch Đông Nam Á trong mùa giải AFF Suzuki Cup 2018 sau cả thập kỷ mong đợi. Và giờ đây, người Việt lại tiếp tục đón chờ và chứng kiến những kỳ tích mới của đội tuyển quốc gia ở đấu trường lớn nhất châu lục Asian Cup 2019.

Trước trận đấu quan trọng trong vòng tứ kết với đội tuyển Nhật Bản, mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại những quan điểm quản trị ý nghĩa của vị HLV người Hàn Quốc. Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách "Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc" của tác giả Lê Huy Khoa Kanata, cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo.


Bóng đá nếu dùng sức thì châu Phi luôn vô địch. Trên sân bóng, thực ra đó cuộc đấu trí của hai bên. Trí tuệ ở đây được hiểu rằng mình cần phải có năng lực phân tích đối phương và tìm cách xử lý trận đấu tốt nhất. Tìm ra phương án hữu hiệu nhất để chiến thắng một cách thông minh. 

Hiểu đặc tính cầu thủ của chúng ta, HLV Park Hang Seo đã dùng một cách linh động đội hình 3-4-3 thay cho 4 hậu vệ như trước đây. Ông đã phân tích rất kỹ đội bạn, riêng Úc là chơi giãn rất rộng và luôn có 2 – 3 cầu thủ áp sát nên phải mở bóng ngay. Hàn Quốc thực ra cũng đã bị chúng ta bắt bài rất kỹ nên bế tắc khi triển khai bóng vì chính U23 đã phân tích kỹ đến mức cầu thủ này cầu thủ kia thuận chân nào, phải dồn bóng sang chân nghịch ra sao, bắt người có theo sát hay không, họ chạy cắt mặt hay tạt nhiều hơn v.v..

Càng vào sâu trong một giải, thường các cầu thủ, chiến thuật, lối chơi các đội, v.v.. đều lộ hết. Bây giờ trở đi chỉ còn là phần đấu trí giữa các HLV và cách ứng xử chơi bóng của các cầu thủ trên sân cỏ.

Trong huấn luyện, ông Park luôn yêu cầu các cầu thủ phải đá bóng bằng chân nhưng suy nghĩ bằng đầu: làm thế nào để thoát khỏi sự kèm cặp của đối phương, làm thế nào để tiếp cận khung thành đối phương nhanh nhất, làm thế nào để bịt kín lối xâm nhập trung lộ của đội bạn, làm thế nào để ngăn cản một cầu thủ cao, lớn, thể lực tốt và càn lướt, có bóng phải đổi cánh thế nào, v.v.. tất cả tất cả đều được chụm đầu vào vạch ra chi tiết. Ông luôn yêu cầu mọi người phải tư duy khi chơi bóng, trước và sau khi nhận bóng.

Rất thú vị rằng cầu thủ U23 là những chàng trai rất thông minh, chỉ cần nói qua là họ hiểu. Họ thông minh đến mức nhiều khi không cần phiên dịch, họ cũng đã hiểu HLV trưởng cần gì và phải thay đổi thế nào trên sân.

Người thầy gieo niềm tin cho các cầu thủ với hoàn toàn thử thách, mới mẻ và tích cực

Về phương châm chiến thuật, ông Park cho rằng không có đội hình nào là cố định cả. Khi chơi 3 hậu vệ, chúng ta có thể chuyển sang sơ đồ 5 hậu vệ một cách rất nhanh chóng nếu yêu cầu Văn Thanh, Văn Hậu hay cầu thủ chạy cánh như Xuân Mạnh rút về. Với số lượng cầu thủ đông như vậy, Tiến Dũng, Duy Mạnh và Đình Trọng có thể theo người thoải mái, thậm chí theo lên đến 1/3 giữa sân mà không sợ thủng hàng phòng ngự vì đã có người bọc lót. Và suốt cả giải đấu, không nhiều đội có khả năng xuyên thủng hàng phòng ngự của U23 Việt Nam.

Không chỉ thế, khi chuyển sang tấn công, với hai cầu thủ giàu sức tấn công là Văn Thanh, Văn Hậu hay Xuân Mạnh, số lượng cầu thủ tham gia tấn công cũng nhiều lên khiến cho các tuyến cũng ít tốn thể lực hơn. Và khi cần, Đức Huy rút về thì lập tức sẽ hình thành tuyến ngang 4 hậu vệ tạm thời sau khi Hải và Đức đã rút về lót hai cánh. Chính lối chơi này đã làm cho hàng thủ của đội tuyển Việt Nam luôn đông khiến cho nhiều đội không thể đánh trung lộ và đành phải chuyển sang chơi bóng bổng. Và nếu bóng bổng không hiệu quả thì họ chỉ còn con đường chờ cho hết trận hoặc chờ đá 11 mét.

Không những thế, có khi ông yêu cầu Đức và Phượng đá song song với nhau để hình thành lối chơi 3-5-2, có khi ông lại yêu cầu chuyển về chơi lối chơi 4-1-4 tùy theo tình hình của đối phương và phân bố đội hình. Chính Quang Hải cũng thừa nhận, lối chơi này tiết kiệm sức hơn và khi tham gia tấn công hay phòng ngự nhờ số lượng tham gia cũng đông và nhanh hơn rất nhiều, từ đó tạo hiệu quả rất cao.

Các cầu thủ Việt Nam cho rằng chưa bao giờ cự ly đội hình lại gần nhau đến thế. Chỉ cần trong một tiếng gọi, họ có thể liên lạc với nhau dễ dàng hoặc bọc lót tốt cho nhau. Từ nay trở đi họ đã biết cách làm thế nào để chống xâm nhập từ tuyến 2 của các cầu thủ đội bạn.

Trên sân, HLV Park Hang Seo không đóng khung cho một tình huống cố định nào cả. Thậm chí có khi ông kêu Thành Chung vào cabin để chuẩn bị thay người nhưng lại thôi, rồi lại đưa Tiến Dũng vào thay, có khi ông gọi Hồng Duy chuẩn bị xong, đã điền tên vào giấy thay người thi lại thay người khác, còn trên sân có khi ông yêu cầu cầu thủ đổi vị trí cho nhau. Tóm lại với ông, không có điều gì là cố định và mọi thứ tùy tình huống để ứng phó.

Không chỉ thay đổi về lối chơi, cách chơi bóng của từng cầu thủ cũng được ông yêu cầu thay đổi. Hàng hậu vệ được yêu cầu chơi bóng một cách dứt khoát, phá bóng phải phá bổng chứ không phá vào chân đối phương. Quang Hải có khi được yêu cầu lùi về để giữ bóng, làm bóng tổ chức lối chơi. Đức Chinh được yêu cầu chơi chậm và giữ bóng, điều mà xưa nay Chinh không quen cho lắm. Và rất nhiều câu đặt ra cho từng cầu thủ trong mỗi trường hợp khác nhau.

Chiến lược quản trị của HLV Park Hang-seo: Bóng đá nếu dùng sức thì châu Phi luôn vô địch! Trên sân bóng là cuộc đấu trí của hai bên, người biết thay đổi, đối pháp linh hoạt thì mới có thể tồn tại - Ảnh 2.

Ông cũng yêu cầu mọi người phải thay đổi tư duy.

Khi ai cũng nghĩ rằng chúng ta thua vì năng lực, ông nói các bạn chỉ cần tập trung thì mọi việc sẽ tốt, cầu thủ Việt Nam nhanh hơn, khéo hơn và kỹ năng tốt hơn cầu thủ Hàn Quốc, Úc, Syria rất nhiều.

Khi các cầu thủ cứ lo lắng họ đá hay hơn mình, ông nói các bạn tự ti thế thì làm sao mà đá bóng, đá bóng là trò chơi của tập thể, của 11 người, chỉ cần đoàn kết là thành công.

Khi có người nói cầu thủ Việt thể lực kém, ông nói làm gì có chuyện đó, chiều cao có thể kém chứ thể lực làm gì thua kém, nên hãy cứ chiến đấu, cứ tranh chấp và kết quả là tỷ lệ tranh chấp bóng, tỳ đè của các cầu thủ U23 Việt Nam thành công hơn trước khá nhiều.

Khi có người nói họ sẽ ép mình, cần phòng ngự, ông nói sao lại không tìm cách phản công cho nhanh, vì thế họ chơi luôn 3 tiền đạo.

Khi có người nói rằng thể lực chúng ta đã cạn kiệt, HLV Park Hang Seo lại nói là họ cũng cạn kiệt, tại sao mình không hiểu thế?

Ông tìm cách để phá vỡ mọi quan điểm cố hữu hiện nay, cầu thủ Việt không yếu về thể lực, mà thiếu sự tập trung, thiếu sự quyết tâm và thiếu sự kết nối tập thể.

Khi thấy trời tuyết rơi trước và trong trận chung kết, các cầu thủ có vẻ ngập ngừng, ông nói không phải tuyết chỉ cản trở riêng chúng ta. Tuyết sẽ khiến sân rất trơn và cầu thủ cao to sẽ dễ té ngã hơn chúng ta, nên không việc gì phải sợ cả.

Người khác, khi khích tướng cầu thủ thì họ hay nói về tình yêu tổ quốc, nhưng ông thì cụ thể hơn: "Các anh hãy đá bóng trước tiên vì các anh, vì gia đình và sau đó mới vì tập thể và đất nước". Cầu thủ nghe ông nói xong, ai cũng biết ông đang đi guốc trong bụng họ và ông biết họ nghĩ gì.

Ông luôn không bao giờ nói về khó khăn, ông luôn nói về hãy thay đổi cách tư duy tích cực có lợi cho mình, cụ thể và chi tiết.

Lê Huy Khoa Kanata

Cùng chuyên mục
XEM