Chiếc bánh cốm Việt Nam cũng đang tìm đường xuất ngoại online

05/11/2017 09:10 AM | Kinh doanh

“Bảo Minh đang nhắm tới thị trường xuất khẩu Đông Nam Á. Chúng tôi muốn đưa chiếc bánh cốm trở thành sản phẩm đại diện cho đất nước…”, đại diện hãng bánh kẹo này chia sẻ.

CTCP Bánh mứt kẹo Bảo Minh nằm trong 99% doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu (global platform) để tạo ra đơn hàng xuất khẩu.

Đại diện của Bảo Minh, ông Vương Tuấn Minh - Trưởng bộ phận Marketing – cho biết cũng có khách hàng nước ngoài chủ động tiếp cận với Bảo Minh, bạn đầu chỉ mua 1 – 2 thùng bánh, sau đó thấy ngon mới ngỏ lời.

Một kênh tiếp cận khách hàng nước ngoài khác của Bảo Minh là tham gia hội chợ bên các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan… khách hàng nếm thử thấy ngon và tự tìm đến.

Do tiếp cận theo kênh truyền thống, tỷ lệ khách nước ngoài của Bảo Minh hiện chiếm số lượng khá ít.

“Ngày trước, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi thấy mảng online không đáng tin nên không tiếp cận. Giờ Bảo Minh mới thay đổi góc nhìn”, ông Minh tâm sự.

Nửa năm nay, Bảo Minh mới bắt đầu tìm hiểu hướng xuất khẩu trực tuyến trên Alibaba với mong muốn “đưa chiếc bánh cốm trở thành sản phẩm đại diện cho đất nước”. Thị trường xuất khẩu doanh nghiệp này nhắm tới là Đông Nam Á.

“Bảo Minh đang nhắm tới thị trường Đông Nam Á trước. Rất nhiều khách hàng ở Châu Đại Dương, Châu Mỹ đến Việt Nam ăn bánh của chúng tôi và rất thích”, ông Minh nói.

Một trong những khó khăn khi xuất khẩu bánh cốm là thời hạn sử dụng. Ông Minh cho biết bánh cốm Bảo Minh trước chỉ có hạn sử dụng 3 – 5 ngày, nay doanh nghiệp đã dần dần áp dụng công nghệ, hạn sử dụng với sản phẩm bánh cốm đã kéo dài lên 12 – 15 ngày. Các sản phẩm khác như bánh trung thu, bánh pía có hạn sử dụng tầm 1 – 2 tháng.

Bán hàng bằng cách bo các điểm chạm trong Customer Journey


Ảnh minh họa. Nguồn: Kyna.vn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kyna.vn.

Tại hội thảo “Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số” mới đây, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaon – đã chia sẻ một giải pháp mà ông gọi là “bo các điểm chạm trong Customer Journey (hành trình khách hàng)”.

Đó là giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến với 3 trụ cột là các nền tảng toàn cầu bao gồm: Alibaba, Google, và LinkedIn.

Theo đó, ngoài việc nên có một gian hàng trên nền tảng trực tuyến như Alibaba, Amazon…, doanh nghiệp nên sử dụng 2 công cụ Google và LinkedIn.

- Với Google: Có rất nhiều người đảm nhận nhiệm vụ đi tìm kiếm nhà cung cấp. Họ có thể tìm kiếm thẳng trên Google chẳng hạn Google.com.fr của Pháp hay Google.com.uk của Anh… và search các từ khóa liên quan.

“Những nhà nhập khẩu quốc tế luôn chịu áp lực phải tìm nhà cung cấp mới. Chúng ta cứ xem hành vi khách hàng muốn tìm từ gì liên quan đến ngành mình bán, sau đó làm sao để khi người ta tìm kiếm trên Google chẳng hạn sẽ nhìn thấy mình. Điều cần thiết là phải xác định đúng thị trường xuất khẩu mình cần. Giả sử công ty muốn xuất khẩu sang Đức thì phải làm sao để link tìm kiếm đổ về trang có tiếng Đức, hoặc tối thiểu là tiếng Anh”, ông Quý nói.

- Với LinkedIn: Giải quyết được chuyện không kém phần quan trọng – tác động tới người ra quyết định mua hàng.

Xuất khẩu B2B (Business to Business – Doanh nghiệp tới doanh nghiệp) thì giá trị xuất khẩu thường rất lớn, nên quy trình mua hàng, nếu may mắn doanh nghiệp cung ứng vượt qua được chuyên viên, sau đó trưởng phòng đưa tên vào tờ trình với một số nhà cung cấp khác để trình sếp duyệt. Nếu người sếp chưa bao giờ biết tên doanh nghiệp bạn thì xác suất thua các nhà cung cấp trong tờ trình của bạn tương đối cao.

Ví dụ với ngành gỗ, LinkedIn giúp bạn có thể đưa tên tuổi doanh nghiệp bạn tới 10.000 người giám đốc mua hàng ở Châu Âu trong ngành. Khi người giám đốc nhìn thương hiệu của bạn 5 - 10 lần, khi nhìn vào tờ đề nghị mua hàng, thấy tên quen thì xác suất doanh nghiệp bạn được chọn cao hơn.

“Cái này chúng tôi gọi là Customer Journey. Bạn phải hiểu hành vi mua của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp quốc tế, mình chạm các điểm chạm khác nhau trong quá trình người ta mua. Ông nào lên sàn giao dịch thương mại tìm kiếm thì mình có gian hàng ở đó. Ông nào lười không lên mạng mà chỉ lên Google search cũng thấy”.

“Ông nào hôm nay chưa có nhu cầu mua, nhưng đảm nhiệm nhiệm vụ đi mua gỗ cho công ty, có thể 1 tháng nữa mới mua thì có thể dùng LinkedIn tiếp cận, hoặc mình tiếp cận luôn ông sếp của ông ấy. Như vậy, tất cả điểm chạm trong quá trình mua hàng chúng ta bo hết. Xác suất được đối tác lựa chọn sẽ cao hơn”, ông Quý giải thích.

Tại Việt Nam, theo ước tính mới chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu (global platform) để tạo ra đơn hàng xuất khẩu.

99% doanh nghiệp xuất khẩu còn lại vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email…

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM