Chỉ để làm đẹp báo cáo, các tập đoàn Mỹ đã phải đốt tới 2,1 nghìn tỉ USD trong 5 năm qua

17/06/2016 08:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo số liệu của ngân hàng HSBC, các công ty Mỹ đã chi tới 2,1 nghìn tỷ USD để mua lại cổ phần trong 5 năm qua.

Hãy tưởng tượng một nhà hàng có doanh số khá tốt và có lợi nhuận, nhưng hầu như ngày nào cũng có một số bàn bị trống. Trong khi đó, những người góp vốn đầu tư cho nhà hàng lại chỉ ấn tượng với lợi nhuận bình quân tính cho mỗi bàn bởi điều này sẽ khiến báo cáo kinh doanh của nhà hàng ấn tượng hơn và có khả năng thu hút nhà đầu tư mới.

Dẫu vậy, dù quản lý nhà hàng có cố gắng thế nào thì không thể lúc nào cũng kín bàn vào mọi ngày mở cửa. Vì vậy, nhà quản lý này quyết định dọn bớt đi một số bàn ăn trong quán. Động thái này khiến nhà hàng tốn một khoản phí nhỏ để dọn dẹp và chứa số bàn thừa, nhưng doanh số và lợi nhuận hàng tháng vẫn không đổi. Nhờ đó, lợi nhuận bình quân mỗi bàn ăn tăng lên và tất cả mọi người đều hài lòng.

Bây giờ, hãy tưởng tượng các tập đoàn Mỹ đang làm chính xác những gì mà nhà hàng trên làm, dọn bớt bàn để làm đẹp báo cáo.

Đốt 2,1 nghìn tỷ USD

Tại các công ty Mỹ, việc “dọn bớt bàn” thường được gọi là mua lại cổ phiếu, theo đó công ty sử dụng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu của chính mình. Chính sách này hiện đã trở nên quá phổ biến tại Mỹ và theo số liệu của ngân hàng HSBC, các công ty Mỹ đã chi tới 2,1 nghìn tỷ USD để mua lại cổ phần trong 5 năm qua.

Số tiền 2,1 nghìn tỷ USD này không được dùng để đào tạo nhân viên, cũng không dùng để xây mới nhà máy hay thanh toán nợ, hoặc thậm chí dùng để trả cổ tức cho cổ đông. Tất cả được dùng để làm đẹp báo cáo.

Dẫu vậy, nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn lại khá ưa thích việc công ty mua lại cổ phiếu. Trong bức thư gửi CEO Tim Cook của Apple năm 2013, ông cho rằng nếu công ty này mua lại cổ phiếu thì thì chỉ số EPS (lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu) đã tăng mạnh 33%, qua đó khiến giá cổ phiếu Apple trên thị trường tăng 33%.

Những người ủng hộ chính sách mua lại cổ phiếu cho rằng các cổ đông chiến lược sẽ kiểm soát được tình hình tốt hơn khi cổ phần không bị quá pha loãng, đồng thời nâng cao giá trị cổ phiếu thông qua EPS. Hơn nữa, họ cho rằng đây là một lựa chọn ít rủi ro hơn việc công ty dùng số lợi nhuận khổng lồ của mình để mua lại doanh nghiệp khác hoặc đầu tư mới.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng chính sách mua lại cổ phiếu này không đem lại lợi ích gì ngoài làm đẹp báo cáo, dù EPS tăng lên nhưng chúng chỉ có ích cho nhà đầu cơ chứ không đem lại lợi ích thực sự nào cho doanh nghiệp.


Tỷ phú Carl Icahn

Tỷ phú Carl Icahn

Mới đây, nhà đầu tư Icahn đã phải thừa nhận hiện có quá nhiều các công ty mua lại cổ phiếu thay vì sử dụng nguồn vốn hợp lý hơn. Ông Icahn cũng cho rằng một trong các lý do khiến doanh nghiệp Mỹ thích mua lại cổ phiếu là do nhiều CEO được thưởng bằng cổ phiếu và chính sách này sẽ giúp họ tăng giá cổ phiếu thưởng.

Mặc dù vậy, những số liệu trong nhiều năm qua cho thấy việc mua lại cổ phiếu không hề thúc đẩy giá trị thực sự của cổ phiếu như nhiều người vẫn nghĩ.

Từng phạm pháp

Trong lịch sử chứng khoán Mỹ, việc mua lại cổ phiếu từng bị coi là phạm pháp do chính phủ lo ngại tình trạng giao dịch nội gián, qua đó các quản lý có thể biết trước để đầu cơ cổ phiếu trước khi chúng lên giá do doanh nghiệp mua lại.

Tình trạng này thay đổi vào năm 1982 khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) thông qua bộ luật cho phép các công ty mua lại cổ phiếu với khối lượng lớn nhưng có một số hạn chế nhất định.

Sau đó mua lại cổ phiếu dần trở nên phổ biến. Thời gian đầu vào thập niên 90, những nghiên cứu cho thấy các công ty thực hiện chính sách mua lại cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hơn so với bình quân thị trường.

Kể từ đó, mua lại cổ phiếu dần được mở rộng và đạt đỉnh vào năm 2006 khi tổng số tiền cho mua lại cổ phiếu bình quân mỗi quý đạt hơn 100 tỷ USD. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra và xu thế này giảm mạnh trong năm 2008-2009.

Ngày nay, mọi công ty từ Boeing đến Gilead đều thực hiện chính sách mua lại cổ phiếu. Riêng trong quý I/2016, hãng Apple đã chi khoảng 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu.

Hiện nhiều chuyên gia cho rằng việc mua lại cổ phiếu góp phần thổi bùng bong bóng thị trường và khiến nhiều công ty khó trả nợ hơn khi dùng phần lớn tiền chỉ để làm đẹp báo cáo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn vay nợ để mua lại cổ phiếu

Quay trở lại ví dụ nhà hàng, nếu nhà quản lý vay tiền để thanh toán chi phí dọn bàn, nhà hàng sẽ không có thêm doanh thu từ khoản vay này mà chỉ có báo cáo đẹp đẽ hơn mà thôi và điều này làm gia tăng rủi ro vỡ nợ của nhà hàng.

Mua lại chính bản thân mình

Trên lý thuyết, các doanh nghiệp Mỹ không thích ngồi trên núi tiền mà không làm gì cả, nhất là khi lạm phát làm xói mòn giá trị tiền. Thông thường, khi nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, việc đầu tư mở rộng sản xuất là một lựa chọn khả quan, nhưng khi nền kinh tế không thực sự sáng sủa như hiện nay thì mua lại cổ phiếu lại là lựa chọn tốt hơn.


Có quá nhiều tiền cũng là một vấn đề

Có quá nhiều tiền cũng là một vấn đề

Trên thực tế, nhiều công ty mua lại cổ phiếu không chỉ vì làm đẹp báo cáo hay tiêu bớt số tiền lợi nhuận mà còn để tận dụng giá cổ phiếu rẻ.

Ví dụ, tất cả những lần cổ phiếu của Berkshire Hathaway giảm xuống mức giá nhất định, tỷ phú Warren Buffett sẽ lại mua vào. Sau đó, nếu giá cổ phiếu tăng trở lại, công ty phát hành thêm cổ phiếu và dùng số tiền đó để đầu tư dự án khác.

Với chính sách này, Berkshire Hathaway vẫn chi một khoản tiền và đầu tư được vào một dự án nào đó, nhưng công ty này càng được lợi hơn khi chỉ số EPS của họ nhìn rất khả quan sau quá trình mua đi bán lại cổ phiếu của chính mình.

Hiện nhiều nhà quan sát thị trường và chuyên gia phân tích gọi việc mua lại cổ phiếu này là một “kỹ thuật tài chính” làm tăng cường hình ảnh công ty mà không mất xu nào.

Hệ số EPS là chỉ số được quan tâm nhiều nhất tại thị trường Mỹ và tất nhiên, việc giảm bớt cổ phiếu lưu thông trên thị trường sẽ khiến EPS giảm xuống. Ví dụ điển hình là việc IBM chi hàng tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính họ để làm đẹp EPS.

Trong năm 2015, hãng IBM đã tiêu tốn 4,6 tỷ USD chỉ để mua lại cổ phiếu và nếu tính trong 10 năm qau thì con số này lên tới 125 tỷ USD.

Nhờ sự đầu tư này, tổng số cổ phần của IBM ngoài thị trường đã giảm khoảng 20% trong 5 năm qua và hệ số EPS tăng 15%.

Trớ trêu thay, lợi nhuận ròng của công ty lại giảm 11% cùng thời kỳ và doanh số cũng giảm.

Không hiệu quả và tốn tiền

Dù lý do các công ty mua lại cổ phiếu là gì, chính sách này đang trở thành một hiện tượng lớn của thị trường chứng khoán Mỹ hậu khủng hoảng 2008.

Nghiên cứu của ngân hàng HSBC cho thấy việc mua lại cổ phiếu của các công ty đóng góp phần lớn cho lượng cầu chứng khoán kể từ năm 2009.

Dẫu vậy, số liệu của FactSet cho thấy hiệu suất kinh doanh của những công ty hay mua lại cổ phiếu lại khá đáng thất vọng.

Lợi nhuận thặng dư (Excess Return) là khoản lợi nhuận từ đầu tư vượt ngưỡng bình quân so với các khoản đầu tư có cùng mức rủi ro khác.

Trong năm vừa qua, những công ty thường xuyên mua lại cổ phiếu có lợi nhuận thặng dư lũy kế thấp hơn 1,9% so với mức bình quân. Trái ngược lại, những công ty không mua lại cổ phiếu có mức lợi nhuận thặng dư cao hơn 9,8% so với mức bình quân.

Xét theo mốc thời gian 3 năm, những công ty mua lại trái phiếu có lợi nhuận thặng dư thấp hơn 2,9% so với mức bình quân còn các doanh nghiệp không thực hiện chính sách này có mức lợi nhuận thặng dư cao hơn 11,5%.

Tổng giá trị vốn hóa của hãng IBM trên thị trường chứng khoán đã mất giá tới 50 tỷ USD từ cuối năm 2013, tương đương 30%.

Ngoài ra, hàng loạt những nghiên cứu của các trường đại học Illinois-Mỹ, Hallym-Hàn Quốc và KAIST-Hàn Quốc đều cho thấy những công ty thực hiện mua lại cổ phiếu trong khoảng 2002-2006 không có kết quả kinh doanh thực sự tốt hơn so với những doanh nghiệp không làm.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM