Chỉ cần nâng hiệu quả tài sản công lên 10% đã tạo ra giá trị rất lớn!

06/10/2017 19:13 PM | Xã hội

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công chỉ 10% thôi, giá trị tạo ra sẽ rất lớn.

TS. Vũ Viết Ngoạn nói tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công và vai trò của CNTT” sáng 06/10/2017. Theo TS. Ngoạn, hiện nay quy mô tài sản công của chúng ta là rất lớn, nếu tính cả giá trị đất đai (chưa hoàn toàn tính theo giá trị thương mại của thị trường), đã lên đến trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 1/5 GDP.

“Nếu nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản công chỉ 10% thôi thì giá trị tạo ra sẽ rất lớn, nhất là trong bối cảnh không gian chính sách tài khóa của chúng ta rất hạn hẹp, bội chi ngân sách cao và kéo dài, nợ công đã tiệm cận trần giới hạn. Chúng ta đang phải bàn cơ cấu lại ngân sách nhà nước , nâng cao hiệu quả chi ngân sách, cơ cấu lại cơ sở thu chi”, TS. Vũ Viết Ngoạn nói.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng thuế sẽ là vấn đề hết sức nhạy cảm, đồng thời gieo vào lòng người dân câu hỏi hiện giờ các cơ quan nhà nước đang sử dụng tài sản có hiệu quả không? Chi tiêu công đã hợp lý chưa? Có thể tiết kiệm được nữa hay không?....

Do đó, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng đề cập đến khía cạnh nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trong bối cảnh hiện nay thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, để cơ cấu lại ngân sách một cách toàn diện. Cách làm này cũng sẽ đi theo hướng thuyết phục hơn, thay vì tăng thuế đối với người dân và doanh nghiệp.

Để quản lý tài sản công, việc ứng dụng CNTT vào quản lý là điều tất yếu bởi nó sẽ giúp minh bạch hóa, công khai hóa cơ sở dữ liệu về tài sản công trên không gian mạng; giúp cơ quan quản lý và cơ quan sử dụng giám sát, quản lý tốt hơn; giúp nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng; tạo đường dẫn tới thị trường một khi chúng ta cần thương mại hóa các tài sản công.

“Vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý, cơ quan sử dụng tài sản có sẵn sàng công khai tài sản công hay không, để cộng đồng biết rằng từng đơn vị đang sử dụng bao nhiêu xe công, tôi nghĩ phụ thuộc vào khâu thể chế và tư duy, đây là vấn đề chính trong việc công khai, minh bạch hóa tài sản công. Việc này sẽ nâng cao năng suất và chất lượng của nền kinh tế”, TS. Vũ Viết Ngoạn nói.

Theo TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thực trạng sử dụng và quản lý tài sản công ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn bất cập, chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị Việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản nhà nước trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính. Phương thức quản lý tài sản còn nặng về hành chính. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, TS. Thắng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật; Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tài sản công; Tạo cơ chế phát triển và khai thác hiệu quả nội dung các luật mới tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ liên quan đến tài sản công; Ứng dụng CNTT trong quản lý tài sản công; Nâng cao năng lực bộ máy cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công.

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM