"Chèn ép" nhân viên vì 1 chi tiết nhỏ trên iPhone, Steve Jobs mang tiếng sếp dữ: Thực chất, đó là dấu hiệu của người có tâm, có tầm, làm lãnh đạo cần biết!

16/07/2019 20:10 PM | Kinh doanh

Nếu ở cơ quan sếp “chèn ép” bạn thì cũng đừng vội bực tức. Rất có thể đó là cách người lãnh đạo động viên nhân viên sáng tạo vượt bậc, như cách Steve Jobs đã làm cách đây 12 năm.

Năm 2007, Steve Jobs đã công bố chiếc iPhone thế hệ đầu tiên tại hội nghị MacWorld. Buổi thuyết trình khi ấy của ông được đánh giá là một trong những màn ra mắt sản phẩm ấn tượng nhất trong lịch sử.

Trong buổi giới thiệu đó, toàn bộ khán giả đã "phát cuồng" với những đặc điểm độc đáo của chiếc iPhone. Bây giờ những đặc điểm này có thể đã lỗi thời, nhưng chúng chính là bước đột phá vào thời điểm cách đây 12 năm.

"Chỉ mới lướt màn hình thôi tôi đã thích nó rồi," một khán giả cho biết.

Thế nhưng, điều đó chưa đủ để làm Steve Jobs thỏa mãn.

Chiếc iPhone mà vị CEO quá cố của Apple sử dụng trong buổi ra mắt là phiên bản mẫu. (Ôngg có đến 10 chiếc như vậy trên sân khấu phòng trường hợp có cái không hoạt động). Khi ấy, các kỹ sư của Apple đang phải chạy đua với thời gian để cho ra mắt chiếc iPhone thực sự để kịp mở bán trong tháng 6.

Tuy nhiên, Steve Jobs muốn có một số thay đổi trên chiếc iPhone này, đó là: chuyển từ màn hình nhựa trên bản mẫu thành màn hình kính.

Jeff Williams - khi đó đang là Phó chủ tịch điều hành của Apple (giờ ông đã là COO) - đã nhận được một cuộc gọi từ Steve Jobs ngay sau hôm thuyết trình để bàn chuyện màn hình.

Chèn ép nhân viên vì 1 chi tiết nhỏ trên iPhone, Steve Jobs mang tiếng sếp dữ: Thực chất, đó là dấu hiệu của người có tâm, có tầm, làm lãnh đạo cần biết!  - Ảnh 1.

Jeff Williams - COO của Apple.

Jobs: "Tôi mang theo điện thoại bên người và thấy nó rất dễ bị xước khi để trong túi quần. [...] Chúng ta cần một tấm kính chống xước."

Williams: "Chúng tôi đang xem xét chuyện đó. Tôi nghĩ trong vòng 3-4 năm, công nghệ sẽ phát triển…"

Jobs: "Không, không, không. Anh không hiểu rồi. Khi chúng ta giao hàng vào tháng 6, chiếc màn hình này phải làm từ kính."

Williams: "Chúng tôi đã thử tất cả các loại kính hiện hành, nhưng khi rơi, nó sẽ vỡ 100%."

Jobs: "Tôi không cần biết chúng ta sẽ làm gì. Nhưng khi chúng ta xuất xưởng vào tháng 6, chiếc màn hình này phải làm từ kính."

Chèn ép nhân viên vì 1 chi tiết nhỏ trên iPhone, Steve Jobs mang tiếng sếp dữ: Thực chất, đó là dấu hiệu của người có tâm, có tầm, làm lãnh đạo cần biết!  - Ảnh 2.

Khi Williams kể câu chuyện này tại một sự kiện ở nhà máy của Corning cách đây 2 năm, CEO của Corning Inc. - Wendell Weeks - đã nhớ lại kỷ niệm "đáng sợ" với Steve Jobs. Theo Weeks, trước đó Steve Jobs đã gọi điện trực tiếp cho ông và nói thẳng: "Kính của anh rất tệ!"

Khi ấy, công ty Corning đã phát triển được một loại công nghệ kính đặc biệt nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, bởi nó chưa có khách hàng hay ứng dụng thực tiễn. Dù vậy, Weeks vẫn nghĩ loại kính này sẽ đáp ứng yêu cầu của Steve Jobs.

Theo Williams, "sau rất nhiều tháng lo sợ liệu phương án này có khả thi không", cuối cùng mọi lô hàng iPhone xuất xưởng vào tháng 6 năm đó đều có màn hình kính thay vì nhựa.

Chỉ trong vòng vài tháng trước ngày mở bán chính thức, Steve Jobs đã thay đổi được một đặc điểm mà lúc ấy khách hàng còn chẳng để ý, nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng sau này - màn hình kính Gorilla Glass. Đối với nhiều người, Steve Jobs có thể là một vị sếp quá nghiêm khắc, có phần "chèn ép" nhân viên. Nhưng thực ra, ông là một nhà lãnh đạo vừa có tâm lại có tầm, xứng đáng cho bất kỳ ai noi theo, đặc biệt là với 5 bài học dưới đây.

Chèn ép nhân viên vì 1 chi tiết nhỏ trên iPhone, Steve Jobs mang tiếng sếp dữ: Thực chất, đó là dấu hiệu của người có tâm, có tầm, làm lãnh đạo cần biết!  - Ảnh 3.

Ông đặt ra mục tiêu rõ ràng

Ban đầu, đây có vẻ là một mục tiêu điên rồ, nhưng ít nhất nó cũng rõ ràng. Steve Jobs không nói: "Chúng ta cần tìm cách để iPhone không xước", bởi điều đó sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận nội bộ bất tận để tìm ra giải pháp khả thi. Thay vào đó, ông nói rõ thứ mình cần: "Chúng ta cần kính."

Ông loại bỏ mọi chướng ngại vật

Trước đó, Steve Jobs đã đến nói chuyện với Wendell Weeks của công ty công nghệ Corning. ("Kính của anh rất tệ!") Vì thế, đây không phải là một đơn đặt hàng bình thường từ Apple. Đây là một yêu cầu đầy tâm huyết đến từ chính vị CEO.

Vì vậy, khi Williams và Weeks gặp nhau sau đó để bàn chuyện sản xuất màn hình kính cho iPhone, họ đã nhanh chóng thành lập được một đội giải quyết vấn đề. Đó là nhờ Steve Jobs đã loại bỏ mọi khó chướng ngại vật ban đầu và tìm ra được đối tác phù hợp cho mình.

Ông đề ra deadline cụ thể

Đây là một deadline có phần "không tưởng", nhưng lại cực kỳ rõ ràng. Lúc đó, họ đã giới thiệu iPhone đến công chúng và tuyên bố sẽ bán hàng từ tháng 6. Vì thế, đội ngũ sản xuất không còn lựa chọn nào khác là phải hoàn thành trước tháng 6.

Ông luôn có kế hoạch dự phòng

Trong trường hợp mọi thứ không thành công, iPhone vẫn sẽ ra mắt, chỉ là với một chiếc màn hình không được đẹp bằng. Ngoài ra, chắc chắn sẽ có rất nhiều lời phàn nàn từ khách hàng về tình trạng trầy xước. Tuy nhiên, Steve Jobs lại chọn cách gây áp lực lên các nhân viên - nhưng ở mức vừa đủ - để họ cảm thấy rằng nếu họ không làm xong, toàn bộ sản phẩm sẽ thất bại.

Ông có tầm nhìn chiến lược

Đây chính là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cả 4 bài học ở trên.

Từ lâu, Steve Jobs đã nổi tiếng với tài năng "thầy bói" của mình. Khi ấy, gần như chẳng ai đòi hỏi một chiếc iPhone trang bị màn hình kính. Thậm chí, khách hàng còn chưa được tận mắt nhìn thấy chiếc iPhone thực sự trông như thế này, ngoại trừ trên sân khấu của MacWorld.

Thế nhưng, Steve Jobs đã tiên đoán được điều này. Ông đã sớm biết rằng khách hàng sẽ cần đến một tấm kính chống trầy xước phủ trên màn hình iPhone - hay còn gọi là kính cường lực.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM