Châu Phi – Tâm điểm của "cơn khát" lithium

16/03/2023 07:27 AM | Kinh doanh

Hiện nay những mỏ lithium đang được nhiều chính phủ chạy đua để sở hữu và cuộc đua này đặc biệt gay cấn tại châu Phi.

Tài nguyên khoáng sản của châu Phi vốn rất đa dạng phong phú, trong số đó ước tính có 4,3 triệu tấn lithium - một trữ lượng lớn khiến nhiều quốc gia muốn tiếp cận.

Trữ lượng lithium được phát hiện chủ yếu trên toàn bộ lục địa châu Phi, Zimbabwe, Namibia, Ghana, Cộng hòa Dân chủ Congo và Mali đều có nguồn tài nguyên quan trọng này. Zimbabwe đang ở vị thế được quan tâm đặc biệt.

Tiến sĩ Prosper Chitambara, chuyên gia kinh tế phát triển tại Zimbabwe, nói: "Ngành khai thác khoáng sản nói chung tại Zimbabwe rất phát triển trong những năm qua. Để thu hút được nhiều đầu tư hơn, chúng tôi cần khai thác những kim loại nằm ở phía trên chuỗi giá trị".

Điều đó có nghĩa là từ khai thác kim cương, vàng, bạch kim, bây giờ mũi nhọn trong ngành khai khoáng của Zimbabwe sẽ nằm ở những mỏ lithium. Giá của lithium năm ngoái tăng phi mã. Đỉnh điểm là tháng 5/2022, giá cao gấp 7 lần so với đầu năm 2021.

Hiện tại, giá kim loại này đã hạ nhiệt song vẫn được dự đoán là sẽ có nhu cầu cao trong thời gian tới. Trong số các nhà đầu tư, thì Trung Quốc đã tạo được dấu ấn rõ ràng tại đây. Các công ty Trung Quốc như Chiết Giang Huayou Cobalt, Tập đoàn tài nguyên Sinomine và Tập đoàn Liti Chengxin, đã đầu tư 678 triệu USD vào những dự án khai thác lithium ở Zimbabwe. Các mỏ Bikita, mỏ lithium lớn nhất trong nước và mỏ Lithium Arcadia đều thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ cũng nỗ lực bứt tốc trong cuộc đua này. Tháng 12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chào đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi đến Washington, DC, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi lần thứ II nhưng có một thực tế là các doanh nghiệp Trung Quốc đã thiết lập quan hệ sâu rộng ở lục địa này, sẽ rất khó để Mỹ giành lại khoảng thời gian đã mất.

Ông Mvemba Phezo Dizolele, Giám đốc Chương trình Châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Nếu rời đi và quay lại 10 năm sau, khoảng trống kinh doanh, sản xuất để lại sẽ được lấp đầy bởi các doanh nghiệp khác, điều quan trọng là phía Mỹ phải nhất quán trong quan hệ thương mại với châu Phi".

Ngoài cuộc đua giữa các doanh nghiệp, thì ngạch khai thác nhỏ lẻ, thủ công đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hơn 1 triệu người dân Zimbabwe. Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên ước tính chính phủ đã mất gần 2 tỷ USD khoáng sản, bị buôn lậu qua biên giới do rò rỉ từ khai thác thủ công của người dân và công ty nhỏ.

Theo Như Anh

Cùng chuyên mục
XEM