Châu Âu tái phong tỏa: Vòng luẩn quẩn Covid-19 bao giờ kết thúc?

16/11/2021 08:25 AM | Xã hội

Một số nước châu Âu đã bắt đầu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó với sự tăng mạnh số ca mắc Covid-19 mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng vượt trội. Làn sóng dịch thứ 4, rồi thứ 5 kéo đến.

Phong tỏa - mở cửa và lại phong tỏa. Covid-19 đang tạo ra một vòng luẩn quẩn chưa biết bao giờ mới kết thúc. Thực tế ở châu Âu cũng là lời cảnh báo với phần còn lại của thế giới.

 Châu Âu tái phong tỏa: Vòng luẩn quẩn Covid-19 bao giờ kết thúc? - Ảnh 1.

Nước Pháp thời Covid-19 (Ảnh: Le Monde)

Lý do dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Trong những ngày qua, đại dịch Covid-19 đang diễn biến xấu đi tại châu Âu. Số ca nhiễm gia tăng rất nhanh tại nhiều nước châu Âu, như tại Đức lần đầu tiên ghi nhận trên 50.000 ca nhiễm/ngày và tỷ lệ mắc Covid-19 trên 100.000 dân tại Đức hiện đang ở mức cao nhất từ đầu đại dịch. Nước Anh từ gần 1 tháng qua vẫn duy trì số ca nhiễm từ 35.000 - 50.000 ca/ngày. Tại Pháp, Áo, Hà Lan, Italy… số ca nhiễm cũng đang tăng rất nhanh, trung bình là khoảng 50% sau một tuần.

Điều này đã buộc một số nước châu Âu áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa, như Hà Lan tiến hành phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ hôm 13/11 và tại Áo, từ ngày hôm nay, 15/11, những người chưa tiêm vaccine sẽ bị hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà.

Trong những tuần tới, khi Giáng sinh đến gần, mức độ tụ họp, đi mua sắm của người dân châu Âu tăng cao, khả năng một số nước khác cũng sẽ phải tính đến việc áp dụng trở lại một số biện pháp phong tỏa, như hủy bỏ các lễ hội cuối năm, đóng cửa một số tụ điểm vui chơi...

Có nhiều lí do dẫn đến đợt bùng phát dịch mới hiện nay tại châu Âu. Lí do đầu tiên mà các chuyên gia y tế thường đề cập đến là thời tiết. Khi mùa Đông đến gần, người dân các nước thường có xu hướng tụ họp nhau trong các không gian kín và trong bối cảnh các biện pháp giãn cách như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế số lượng người trong không gian kín… đã được các nước châu Âu bãi bỏ từ nhiều tháng qua, nguy cơ lây nhiễm khi tụ họp đông người trong không gian kín gia tăng. Việc thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm mạnh cũng được nhiều người cho là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh hơn, do ít có biện pháp thông gió hơn.

Tuy nhiên, một lí do rất quan trọng khác mà, dù muốn hay không, báo chí và các chuyên gia y tế châu Âu cũng đã bắt đầu phải đề cập, đó là vấn đề hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine. Mặc dù châu Âu là châu lục có độ phủ vaccine cao nhất thế giới hiện nay, với đa số các nước đã tiêm đủ cho khoảng 70% dân số, cá biệt một số nước Nam Âu (như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) còn tiêm đủ cho trên 80% dân số, nhưng số ca nhiễm vẫn gia tăng. Điều này bắt buộc phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả thực sự của các loại vaccine ngừa Covid-19 được châu Âu sử dụng, như Pfizer, Moderna, AstraZeneca hay Janssen.

Trên thực tế, cách đây vài ngày, tạp chí danh tiếng “Khoa học” đã đăng tải nghiên cứu trên hơn 800.000 người Mỹ đã tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer, Moderna và Janssen trong thời gian từ 1/2/2021 đến 1/10/2021 và kết quả cho thấy, hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm Covid-19 của các loại vaccine này giảm rất mạnh theo thời gian.

Sau 6 tháng, vaccine Janssen giảm từ 86,4% xuống 13,1%, của Moderna giảm từ 89,2% xuống 58% và Pfizer giảm từ 86,9% xuống 43,3%. Cách đây vài tháng, các nghiên cứu tại Israel cũng cho các kết quả tương tự. Do đó, việc phủ rộng vaccine không còn là yếu tố quyết định việc hạn chế số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, mặc dù cần khẳng định lại rằng, mức độ bảo vệ khỏi biến chứng nặng hoặc tử vong của các loại vaccine này là vẫn ở mức rất cao, trung bình là 81,7% cho những người dưới 65 tuổi và 71,6% cho những người trên 65 tuổi.

Vấn đề của châu Âu nói riêng, và có thể của thế giới nói chung trong thời gian tới, vì thế có lẽ sẽ là việc thay đổi lại cách tiếp cận, tức tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những người chưa tiêm, tiêm mũi tăng cường cho những người nguy cơ cao, nhưng cùng với đó phải tiếp tục truyền thông để người dân không mất cảnh giác, duy trì thường xuyên các biện pháp giãn cách như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách hay tránh tụ tập quá đông người trong không gian kín, nói cách khác là dù đã tiêm đủ vaccine cũng vẫn cần phải hết sức thận trọng.

Lệnh phong tỏa lần này khác với lần trước thế nào?

Từ ngày 13/11, Hà Lan đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 3 tuần, cụ thể là đóng cửa các nhà hàng, quán bar từ lúc 20h, các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa từ 18h và người dân được khuyến khích làm việc tối đa từ xa.

Mặc dù đây chỉ là lệnh phong tỏa một phần và tương đối mềm so với các lệnh phong tỏa trong năm 2020 nhưng đối với Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung, sự trở lại của các biện pháp hạn chế là điều rất khó chấp nhận. Hiện nay, sau khi phần lớn châu Âu đều đã trải qua 3 đợt phong tỏa từ đầu dịch, tâm lý người dân các nước đa phần đều rất mệt mỏi nếu như phải tiếp tục sống với các đợt phong tỏa.

Trong gần 2 năm qua, thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với người dân châu Âu là rất lớn. Nhiều người cho rằng đã bị tước đoạt tự do. Đó là lí do trong nhiều tháng qua, các phong trào phản đối các biện pháp y tế bắt buộc luôn âm ỉ tại nhiều nước châu Âu, như các cuộc biểu tình phản đối “giấy thông hành y tế” từng có thời điểm thu hút hàng trăm ngàn người mỗi thứ Bảy cuối tuần tại Pháp, các vụ người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Italy vì phản đối “Thẻ Xanh y tế” hay tại Hà Lan, ngay khi chính phủ thông báo tái áp dụng biện pháp phong tỏa một phần, lập tức đã có những cuộc biểu tình phản đối.

Do đó, về mặt tâm lý, chắc chắn người dân châu Âu không chấp nhận các đợt phong tỏa khắc nghiệt như hồi tháng 3/2020, tức hầu như người dân bị cấm ra khỏi nhà, toàn bộ hoạt động kinh tế tê liệt. Chính phủ đa số các nước cũng đều tuyên bố sẽ không bao giờ đưa ra các biện pháp phong tỏa như trước kia.

Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn rất khó lường khi châu Âu giờ lại là tâm dịch, với số ca nhiễm mới hàng chục ngàn người mỗi ngày. Số ca nhập viện và tử vong dù ít hơn năm 2020 nhưng cũng vẫn là các con số rất khó chấp nhận, như tại Hà Lan là hơn 600 ca tử vong trong tuần đầu tháng 11/2021, tại Anh là trên dưới 100 ca tử vong mỗi ngày.

Do đó, nếu các diễn biến dịch Covid-19 không khả quan trong mùa Đông này, các nước châu Âu có rất ít lựa chọn ngoài việc sẽ phải áp dụng lại biện pháp phong tỏa. Chỉ có điều mức độ phong tỏa chắc chắn sẽ không khắc nghiệt như trước kia, vì người dân chắc chắn không chấp nhận và hậu quả về kinh tế-xã hội cũng quá khủng khiếp.

Tây Âu có ngăn được làn sóng Covid-19 mới mà không phong tỏa?

Cho đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO thậm chí còn đánh giá Covid-19 có thể kéo dài đến tận năm 2023. Trên thực tế, khi nào đa số dân số thế giới chưa tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, chúng ta chưa thể nói rằng thế giới đã có thể sống chung với Covid-19.

Tất nhiên, chúng ta có thể “sống chung” với Covid-19 nhưng vấn đề là với cái giá nào, về kinh tế, nhân mạng, về sang chấn xã hội. Từ đầu dịch, cũng chưa có một mô hình chống dịch nào hoàn hảo cho tất cả các nước. Mỗi nước chống dịch dựa trên các điều kiện và nguồn lực của mình.

Dù không theo chiến lược “Zero Covid” thì từ đầu dịch, châu Âu cũng đã phải phong tỏa 3-4 lần, cũng như phải từ bỏ hẳn lý thuyết về miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên, tức sống chung với Covid-19 mà không có vaccine.

Ngược lại với châu Âu (và Mỹ), các nước theo đuổi chiến lược “Không Covid” trong một thời gian dài như Trung Quốc, Australia, New Zealand và cả Việt Nam đều đã gặt hái thành công đáng kể, nhất là trong năm 2020, khi biến thể Delta chưa xuất hiện.

Sau này, khi biến thể Delta lây lan quá nhanh, chiến lược cũ không còn phát huy tác dụng, đồng thời bài toán về hiệu quả kinh tế trở nên cấp bách hơn, các nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cũng dồi dào hơn, các nước mới chuyển dần sang “sống chung” với Covid-19, theo nghĩa là tiêm vaccine tối đa cho dân chúng để hạn chế thấp nhất việc đóng cửa nền kinh tế.

Về lâu dài, đây sẽ là lựa chọn hợp lý bởi nhân loại không thể sống mãi với các biện pháp hạn chế nhưng với điều kiện tiên quyết là tăng tối đa độ phủ vaccine cho dân chúng, cập nhật nhanh chóng các phương pháp điều trị Covid-19 bằng thuốc, đồng thời duy trì ở mức độ vừa phải các biện pháp giãn cách xã hội.

Hiện hầu hết các nước châu Âu đều đang hướng chiến lược chống dịch đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người cao tuổi, những người có bệnh nền nguy cơ cao, hay các trẻ em trong độ tuổi 11 - 17 tuổi, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác, tái lập lại một số biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang bắt buộc, hạn chế số lượng người tại các địa điểm công cộng khép kín.

Về tổng thể, những gì đang diễn ra tại châu Âu sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho các nước đi sau, từ chiến lược tiêm vaccine, truyền thông về tư duy sống an toàn với dịch sau khi tiêm vaccine cho đến hiệu quả của việc tiêm vaccine tăng cường hay tiêm vaccine cho trẻ em. Mùa Đông này tại châu Âu sẽ giúp các nước nhìn ra rất nhiều điều về cách phòng chống và sống chung với Covid-19.

Quang Dũng

Cùng chuyên mục
XEM