Châu Âu nới lệnh phong tỏa: Trường học Đan Mạch, cửa hàng Áo mở cửa trở lại

15/04/2020 10:15 AM | Xã hội

Chính quyền Áo, Đan Mạch và Italy đã bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế, cho phép một bộ phận người lao động trở lại làm việc để hồi sinh nền kinh tế đang “đóng băng” vì dịch COVID-19.

Áo

Ngày 16/3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ các siêu thị và cơ sở y tế, phải đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 .

Sau gần một tháng áp dụng, hôm nay (14/4), lệnh hạn chế bắt đầu được chính quyền Áo dỡ bỏ, khi các cửa hàng không thiết yếu có diện tích dưới 400m vuông được phép mở cửa trở lại.

Từ ngày 1/5, trung tâm mua sắm, tiệm làm đầu và các cửa hàng có diện tích lớn cũng sẽ hoạt động bình thường.

Trong khi đó, các nhà hàng, khách sạn sẽ tiếp tục bị đóng cửa đến ít nhất giữa tháng Năm, và các sự kiện công cộng sẽ tiếp tục bị cấm đến cuối tháng Sáu.

Người dân vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang ở các cửa hàng, siêu thị và trên phương tiện giao thông công cộng.

Khoảng 504.000 người Áo đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào đầu tháng Tư, vì vậy, chính phủ hy vọng việc cho phép một bộ phận người lao động trở lại làm việc có thể hồi sinh nền kinh tế đang “đóng băng” vì dịch COVID-19.

Đan Mạch

Từ ngày 15/4, trường mầm non và trường học các cấp tại Đan Mạch sẽ bắt đầu hoạt động bình thường.

Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Lệnh cấm tụ tập hơn 10 người sẽ được duy trì.

Các quán cà phê, nhà hàng, phòng tập gym và tiệm làm đầu sẽ đóng cửa đến ít nhất ngày 10/5.

Italy

Italy - nơi được coi là ổ dịch của châu Âu - đã mở cửa trở lại các hiệu sách, cửa hàng quần áo trẻ em và tiệm giặt là.

Quyết định này được Thủ tướng Giuseppe Conte mô tả “là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết”.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha đã bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh hạn chế vào thứ Hai.

Nhân viên phân phối thực phẩm, công nhân vệ sinh và người lao động ở một số lĩnh vực không thiết yếu khác đã trở lại làm việc, trong bối cảnh Tây Ban Nha vẫn thuộc top 3 nước có số ca bệnh COVID-19 cao nhất thế giới.

Theo Minh Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM