Chặn tẩu tán tài sản qua tiền ảo, tài sản ảo

01/11/2022 16:28 PM | Xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng giao dịch tiền ảo, tài sản ảo cũng như tại lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ để các đối tượng xấu lợi dụng rửa tiền.

Tiếp tục kỳ họp thứ Tư sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.

Theo quy định của dự thảo khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi các điều này quy định về dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử. Đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo.

Đại biểu Hải cho rằng ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát. Dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được.

Chặn tẩu tán tài sản qua tiền ảo, tài sản ảo - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế)

Cũng về vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề nghị chỉnh lý khoản 6, Điều 3 trong dự thảo Luật. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Chuyển tiền điện tử là bất kỳ giao dịch nào được thực hiện theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính bằng phương tiện điện tử nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể là người khởi tạo.

Để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, đại biểu đề nghị đoàn Hải Phòng sửa đổi thành: Chuyển tiền điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng.

Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cảnh báo việc tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp.

Từ vấn đề này, liên quan đến đối tượng áp dụng dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung một số hình thức đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Điều này đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Do đó, nếu không quy định cụ thể sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng.

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, lợi dụng để rửa tiền. Tại đây, các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Chặn tẩu tán tài sản qua tiền ảo, tài sản ảo - Ảnh 2.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An)

Để hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản. Bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động.

Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu đoàn Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện Công an TP đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỉ.

Theo ông Trung, đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam, trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài. Và công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài. Phương thức phạm tội rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại thì chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó chụm vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt.

Chặn tẩu tán tài sản qua tiền ảo, tài sản ảo - Ảnh 3.

Đại biểu đoàn Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội)

Từ vụ việc này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho rằng, cần đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, chống tội phạm rửa tiền nói riêng, trong thời gian qua nổi lên hiện tượng sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản, hoặc thuê người khác mở tài khoản. Sau đó, bán lại tài khoản cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

"Những hành vi này nhằm che giấu thông tin về tài khoản cá nhân. Chính vì vậy, cần nhận diện rõ các hành vi này để triệt tiêu các hành vi vi phạm", Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Theo Thuỳ An

Cùng chuyên mục
XEM