Chân dung tỷ phú đồ thể thao hàng đầu nước Anh: Sự nghiệp thất bại, về làm việc cho gia đình, giúp Reebok tỏa sáng từ vô danh

15/06/2021 20:00 PM | Kinh doanh

Stephen Rubin đang đứng thứ 23 trong danh sách tỷ phú giàu nhất của Sunday Times và là một trong những người nộp thuế nhiều nhất nước Anh.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều người trong số chúng ta đã dành nhiều thời gian mặc trang phục bình thường hơn do lệnh phong tỏa hay hạn chế đi lại.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi gia tộc sở hữu JD Sports – một trong những thương hiệu thể thao bán lẻ lớn nhất toàn cầu, trở nên giàu có hơn. Stephen Rubin và gia đình của mình đã kiếm được thêm 3 tỷ USD chỉ trong năm qua và hiện sở hữu tổng cộng 9 tỷ USD.

Chân dung tỷ phú đồ thể thao hàng đầu nước Anh: Sự nghiệp thất bại, về làm việc cho gia đình, giúp Reebok tỏa sáng từ vô danh - Ảnh 1.

Stephen Rubin (83 tuổi) sở hữu 55% cổ phần của JD Sports cùng cổ phần tại Berghaus, Ellesse, Kickers, Mitre và nhiều thương hiệu bán lẻ khác. Ông đang đứng thứ 23 trong danh sách tỷ phú giàu nhất của Sunday Times và là một trong những người nộp thuế nhiều nhất nước Anh.

Pentland – doanh nghiệp gia đình của Rubin hiện sở hữu lượng cổ phần trị giá 6,6 tỷ USD tại JD Sports. Giá cổ phiếu công ty này đã tăng 47% trong năm qua. JD Sports sở hữu các thương hiệu bao gồm gồm Blacks, Go Outdoors và Millets, và có 2.500 cửa hàng trên khắp thế giới.

Thời điểm hiện tại, Rubin là chủ tịch của Pentland và con trai của ông, Andy (56 tuổi) là phó chủ tịch của công ty. Hai người cùng nhau quản lý khoảng 50.000 nhân viên. Tuy sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD nhưng Rubin lại là một tỷ phú khiêm tốn và kín tiếng.

Chân dung tỷ phú đồ thể thao hàng đầu nước Anh: Sự nghiệp thất bại, về làm việc cho gia đình, giúp Reebok tỏa sáng từ vô danh - Ảnh 2.

Ít ai biết rằng Pentland có khởi đầu khiêm tốn khi là một cửa hàng nhỏ được thành lập năm 1932 với tên gọi Liverpool Shoe Company. Năm 1958, Rubin tốt nghiệp Đại học London với bằng luật. Ông trở thành ứng cử viên của Đảng Tự do vào năm 1959 nhưng sau đó không thành công. Chấp nhận sự thất bại, ông tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.

Năm 1965, công ty tuyên bố phát minh ra giày gót nhọn – sản phẩm sau này gắn liền với sự quyến rũ và thời trang của phái đẹp. Dù vậy, điều này bị nhà thiết kế người Ý Roger Vivier phản đối. Vivier tuyên bố ông là người nghĩ ra loại giày này vào những năm 1950 cho Christian Dior.

Liverpool Shoe Company đổi tên thành Pentland năm 1973. Năm 1981, họ mua 55% cổ phần của công ty sản xuất giày thể thao Reebok với giá 70.000 USD. Ở thời điểm đó, Reebok là một công ty không mấy nổi bật của Mỹ. Thế nhưng, nhờ những chiến dịch quảng cáo hiệu quả, Reebok đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thế giới.

Chiến dịch đầu tiên là vào năm 1982, Reebok tung ra dòng giày mang tên Freestyle. Đây là kiểu giày đầu tiên được thiết kể để phục vụ riêng cho sự bùng nổ của thể dục nhịp điều những năm 1980.

Freestyle ngay lập tức tạo nên cơn sốt và được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Ngoài ra, nó cũng là dòng giày đầu tiên được quảng cáo nhắm tới nữ giới (dù nam giới cũng đi loại giày này).

Chiến dịch trên đã giúp Reebok ghi điểm trong mắt công chúng. Sau đó, công ty ra mắt đổi mới lớn thứ hai: những đôi giày chạy bộ có màu đầu tiên.

3 năm sau khi được Pentland mua lại, Reebok đã chiếm tới 70% doanh thu của công ty. Năm 1993, Pentland bán cổ phần của mình tại Reebok với giá 564 triệu USD.

Một thương hiệu khác cũng thuộc sở hữu của Pentland là Speedo, cũng được chú ý. Đây là nhà phân phối đồ bơi và các phụ kiện liên quan đến bơi lội.

Trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008, 98% vận động viên giành huy chương trong bộ môn này đã mặc và sử dụng sản phẩm của Speedo. Sau đó, tại Thế vận hội London 2012, các vận động viên bơi lội mặc Speedos đã giành được 57% số huy chương.

Còn Rubin thì đạt được một vài thành tích cho riêng mình. Năm 2008, Đại sảnh danh vọng thể thao đã trao cho ông một giải thưởng thành tựu trọn đời. Một "thành tựu" không chính thức khác của ông là nằm trong số những người nộp thuế nhiều nhất nước Anh. Năm 2019, ông đã nộp 255 triệu USD tiền thuế.

Nguồn: Mirror

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM