Chân dung nam chủ nhân duy nhất ở Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia làm từ gốm men trắng triều Lý, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác

19/05/2022 15:25 PM | Sống

Trong số 12 bảo vật quốc gia ở TP. Hải Phòng, một ông chủ hãng giày dép nổi tiếng đã sưu tầm tới 9 hiện vật.

Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, Chủ thương hiệu giầy dép Vento Việt Nam, còn được biết đến là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật có tiếng trên cả nước. Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa phượng đỏ 2022, bộ sưu tập "Cổ vật An Biên" bao gồm 300 hiện vật của ông Thăng đã được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng phục vụ du khách tới chiêm ngưỡng.

Theo Dân trí, trong số đó, có tới 9 bảo vật quốc gia được nhà nước công nhận vào năm 2021 còn 3 bảo vật còn lại của TP Hải Phòng thuộc về các di tích tại huyện Kiến Thụy, bao gồm: Thanh Long đao trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (niên đại thế kỷ XVI) ở chùa Trà Phương, xã Thụy Hương.

Chân dung nam chủ nhân duy nhất ở Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia làm từ gốm men trắng triều Lý, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác - Ảnh 1.
Chân dung nam chủ nhân duy nhất ở Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia làm từ gốm men trắng triều Lý, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác - Ảnh 2.

9 bảo vật quốc gia gồm có 4 ấm, 3 đĩa, 2 liễn được làm từ chất liệu gốm men trắng triều Lý (thế kỉ XI-XII), đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt. Người thợ làm gốm xưa đã khéo léo gắn triết lý Phật giáo vào sản phẩm.

4 chiếc ấm, theo miêu tả của An ninh Hải Phòng, bao gồm 2 chiếc ấm tạo dáng con quay, nắp và vai chạm băng cánh sen kép nổi, vòi tạo hình rồng, biểu thị vương quyền, quai tạo hình chim anh vũ; 2 chiếc ấm còn lại có dáng quả dưa, tuy nhiên 1 chiếc toàn thân để trơn không trang trí, toát lên vẻ đẹp thanh cao, 1 chiếc thân chia ô, trang trí ám họa hình em bé ở thế giới cực lạc.

2 chiếc liễn có thân hình quả bí, chia múi, được phủ kín men trắng, có điểm nhấn là vai và nắp được chạm băng cánh sen kép nổi rất cầu kỳ. 3 chiếc đĩa được phủ một lớp men trắng sáng, trang trí hoa sen, hoa cúc giàu tính Phật giáo, toát lên vẻ đẹp cao sang.

Theo các nhà nghiên cứu, những hiện vật trong bộ sưu tập gốm men trắng triều Lý của ông Thăng là hiện vật gốc, độc bản. Các hiện vật được bảo quản hoàn hảo, chưa từng gặp "phiên bản" thứ hai ở bất cứ bảo tàng hay trong các bộ sưu tập cá nhân nào ở Việt Nam.

Chân dung nam chủ nhân duy nhất ở Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia làm từ gốm men trắng triều Lý, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác - Ảnh 4.

Trên Báo Hải Phòng, ông Thăng vui vẻ kể lại cơ duyên đến với sưu tầm cổ vật của mình: "Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lịch sử là môn tôi yêu thích, đam mê. Đến khi trưởng thành, có dịp làm việc ở nước ngoài, tôi thường đến thăm các bảo tàng lớn. Từ đó, tôi dành nhiều sự quan tâm đến các di sản văn hóa của nhân loại. Tôi bắt đầu sưu tầm cổ vật từ khi còn rất trẻ, cách đây khoảng 40 năm. Ở tuổi 25 như tôi khi đó, nhiều người thích đi du lịch, mua xe..., còn tôi thích sưu tập cổ vật".

Vì vậy, khi trở về nước, ông tìm hiểu, nghiên cứu nhiều từ những hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, từ đó sưu tầm những cổ vật có giá trị cao về văn hóa, lịch sử. Ông cho biết, bộ sưu tập cổ vật An Biên được giới sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao. Hàng nghìn hiện vật đa dạng loại hình và chất liệu từ đồ gốm men, đồ sứ, đồ đồng...

"Việt Nam là quốc gia văn hiến có lịch sử lâu đời. Các bậc tiền nhân không để lại hậu thế nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, đền đài lầu son gác tía mà trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể, phi vật thể chứa đựng hồn cốt, mỹ tục văn hóa con Lạc, cháu Hồng. Từ việc lưu giữ những giá trị văn hóa cha ông ta để lại thông qua bộ sưu tập cổ vật An Biên, tôi mong muốn trao truyền đến thế hệ trẻ ngọn lửa nhiệt huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật, cũng là góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, kinh tế đất nước", ông Thăng bày tỏ.

Ảnh: Dân trí, Báo Hải Phòng, An ninh Hải Phòng.

Lân Lan (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM