Chân dung doanh nhân TQ cam kết triển khai các dự án tại Việt Nam "đẹp nhất, rẻ nhất, tốt nhất, nhanh nhất"
Ký ức đầu đời của doanh nhân này là về sự đói khát. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, ông là sáng lập ra doanh nghiệp thuộc top lớn nhất toàn cầu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn dòng họ Nghiêm, dòng họ Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Tại cuộc gặp mặt này, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); cũng như các tuyến đường sắt xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng)…
Ông Nghiêm Giới Hòa và các đại biểu cho biết sẽ tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia vào các lĩnh vực, dự án mà Thủ tướng đề cập, cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và giá thành hợp lý, "đẹp nhất, rẻ nhất, tốt nhất, nhanh nhất"; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan việc triển khai hợp tác, đầu tư.
Chân dung ông chủ Tập đoàn Thái Bình Dương Nghiêm Giới Hòa
Theo hồ sơ của Wealth-X, ông Nghiêm Giới Hòa sinh năm 1960 tại Hoài An, tỉnh Giang Tô, xuất thân trong một gia đình trí thức nghèo. Ông là con út trong một gia đình có 9 người con. Trong một bài viết trên Fortune năm 2014, ông Hòa cho biết, ký ức đầu đời của ông là về sự đói khát.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông trở thành giáo viên tại một trường trung học ở Hoài An.
Bằng sự nhanh nhạy, ông chuyển từ giáo viên sang kinh doanh. Mặc gia đình phản đối, ông Nghiêm xin làm thư ký tại một nhà máy xi măng, lương chỉ 10 USD/tháng. Chỉ ba tháng sau Nghiêm leo lên ghế quản lý, hưởng lương 500 USD/tháng.
Sự thăng tiến và dấn thân của công đã giúp ông gặt hái được nhiều thành tựu. Ông Nghiêm Giới Hòa từng là giám đốc điều hành công ty, một doanh nghiệp nhỏ, và một nhà máy nhỏ... sau đó, ông trở thành lãnh đạo doanh nghiệp có doanh thu lên đến 80 tỷ USD.
Cụ thể, năm 1992, Nghiêm Giới Hòa đã lấy 18,6 nghìn USD gia tài của mình để thành lập công ty TNHH kỹ thuật xây dựng Hoài An Dẫn Giang. Sau thời gian dài không thầu được dự án nào, cuối cùng công ty Dẫn Giang đã nhận được dự án xây dựng một đoạn ở đường cao tốc vành đai Nam Kinh.
Điều đáng nói là, dự án này đã trải qua 5 chủ thầu. Đặc biệt, theo tính toán của ông Hòa, sau khi hoàn thành dự án, công ty không những không kiếm được tiền, mà còn phải lỗ 7,7 nghìn USD.
Trên thực tế, dự án này đã khiến công ty ông thua lỗ lên đến 12,4 nghìn USD. Nhưng chính cũng nhờ làm nghiêm túc, chấp nhận chịu lỗ dự án này mà công ty ông Hòa nổi lên như diều gặp gió, liên tục nhận được các dự án mới.
Năm 1995, ông Nghiêm Giới Hòa đã bỏ ra 6,2 triệu USD để mở rộng công ty Dẫn Giang, đây cũng là tiền thân của Tập đoàn xây dựng Trung Quốc Thái Bình Dương sau này.
Năm 2012, Khu phố mới ở Lan Châu được doanh nghiệp của ông Hòa tham gia xây dựng. Tại thời điểm đó, đây là dự án đầu tư tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc với tổng chi phí lên tới 3,4 tỷ USD. Để thực hiện dự án này, công ty phải san lấp 700 ngọn núi trong vòng nửa năm nếu không sẽ thua lỗ nặng.
Ngoài ra, nếu thi công chậm một ngày, công ty sẽ mất 3,4 triệu USD. Tuy nhiên, ông Hòa đã khẳng định chắc chắn: Công trình sẽ được hoàn thành trong vòng 180 ngày. Kết quả là công ty đã hoàn thành dự án trước tiến độ.
Theo thống kê, hiện Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương hiện có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới. Năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 80 tỷ USD, tổng số nhân công trên 300.000 người.