'Chăm chỉ là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu sản phẩm vô dụng thì kinh doanh cũng vô nghĩa'

16/05/2018 09:53 AM | Kinh doanh

Cũng như chăm chỉ không thể biến thành cơm, nếu như không ai có nhu cầu với sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đam mê cháy bỏng đến mấy cũng không đưa bạn đến thành công được.

Tôi thường không xem TV nhiều nhưng có một chương trình mà tôi theo dõi không sót một tuần nào đó là: Shark Tank.

Ở bất kì tập nào, bạn cũng sẽ thấy các startup mang về cho công ty mình hàng trăm ngàn (đôi khi là hàng triệu) USD vốn đầu tư, hoặc một vài công ty lạ lùng, tệ hại đến mức nực cười bị chất vấn.

Dù đây là chương trình truyền hình thực tế có kịch bản hẳn hoi nhưng Shark Tank thật sự mang đến những lời khuyên thiết thực và thực tế trong kinh doanh cho các doanh nhân tương lai:

1. Học cách thuyết trình

Nếu bạn chỉ học được một điều từ Shark Tank, hãy học cách thuyết trình thuần thục.

Cho dù bạn không nghĩ sẽ có lúc mình đứng trước các nhà đầu tư, nhưng bạn cũng cần biết cách chào bán bản thân cũng như ý tưởng của mình đến các đối tác tiềm năng, nhân viên và khách hàng một cách hiệu quả.

Bạn sẽ nghĩ trong một chương trình truyền hình như Shark Tank, các startup phải chuẩn bị bài thuyết trình như vô cùng kỹ lưỡng.

Nhưng không đúng!

Tôi xin nói rằng 50% các bài thuyết trình trên Shark Tank rất dở, 40% tạm ổn và chỉ có 10% là xuất sắc. Một số người tham dự Shark Tank có vẻ chỉ tham gia cho vui hoặc để quảng cáo. Từ đó tạo ra những giây phút lúng túng nhưng giải trí cho chương trình.

Bạn phải học cách diễn đạt tầm nhìn của mình, phải luyện tập trước gương mỗi sáng. Luyện tập là điều quan trọng nhất bạn có thể bởi lẽ bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng đầu tiên mà thôi. Khi đứng trước các ông lớn hoặc bất kì nhà đầu tư nào, bạn phải trình bày được vì sao ý tưởng đó khả thi và tại sao bạn là người thích hợp thực hiện ý tưởng đó.

Những điều bạn học về các con số thì rất hay nhưng bạn không thể đứng trước lớp giải thích vì sao mình xứng đáng, mình có thể làm trưởng nhóm thế nào, có thể đem về kết quả bao nhiêu thì các bạn không là gì cả... Các bạn chẳng là gì cho đến khi làm được những điều trên.

Vậy bạn phải làm gì? Lời khuyên chính là: Hãy đĩnh đạc, xây dựng bài thuyết trình thật thú vị và đáng chú ý, hiểu tường tận doanh nghiệp cũng như ngành kinh doanh mình để có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào.

2. Chăm chỉ là cần thiết, nhưng chưa đủ

Một câu phổ biến mà các startup thường đưa ra khi họ sắp bị các Shark từ chối là: "Nhưng tôi làm việc chăm chỉ lắm! Tôi sẽ làm ngày làm đêm để đưa công ty đến thành công" Và lần nào cũng như lần nào, Mark Cuban thường sẽ đáp đại khái rằng: "Ai tham gia chương trình này mà chẳng nói vậy!"

Nếu lười biếng thì cuộc đời của bạn chẳng đi đâu cả. Nhưng trong kinh doanh, chăm chỉ là tố chất hiển nhiên phải có. Bạn phải chăm chỉ để thành công, chăm chỉ không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công. Nếu doanh nghiệp không tốt và sản phẩm của bạn vô dụng, thì việc chăm chỉ chẳng có ý nghĩa gì hết. Bạn sẽ thất bại. Hãy làm việc chăm chỉ, nhưng phải chắc chắn mình đang chăm chỉ làm đúng việc.

3. Đừng để đam mê "bịt mắt"

Khó trách được những người này. Đam mê và cảm xúc của họ mang mục đích tốt và thật đáng ngưỡng mộ trong thời đại vô cảm ngày nay. Lý tưởng là bạn nên yêu thích công việc bạn đang làm. Nhưng chỉ đam mê thôi chưa đủ. Cũng như chăm chỉ không thể biến thành cơm, nếu như không ai có nhu cầu với sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đam mê cháy bỏng đến mấy cũng không đưa bạn đến thành công được.

Thật ra, đam mê có thể khiến bạn không nhận ra những dấu hiệu cảnh báo bạn đang thất bại. Thật đau lòng khi các doanh nhân tham gia chương trình thừa nhận họ đã phá sản nhiều lần vì theo đuổi ước mơ mà cuối cùng bị các ông lớn từ chối. Nếu để lý trí thay vì cảm xúc dẫn đường, họ đã tránh được kết cục đáng tiếc này.

Chăm chỉ là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu sản phẩm vô dụng thì kinh doanh cũng vô nghĩa - Ảnh 1.

4. Dù gia đình và bạn bè thích ý tưởng của bạn nhưng không có nghĩa đó là một ý tưởng hay

Đã biết bao lần tôi chứng kiến những người kêu gọi vốn đầu tư cho một ý tưởng rõ ràng là dở tệ, nhưng họ lại rất tự tin bởi: "Gia đình và bạn bè tôi đều nghĩ đây là một ý tưởng hay mà."

Tất nhiên rồi. Họ là gia đình và bạn bè của bạn. Họ nghĩ bạn tuyệt vời vì thế mọi điều bạn làm đều tuyệt vời. Đó là hiệu ứng hào quang. Dù nhận ra ý tưởng kinh doanh của bạn dở tệ, có thể họ cũng chẳng nói ra đâu. Họ sợ bạn sẽ oán hờn, trách móc. Vậy nên họ sẽ chỉ nói điều bạn muốn nghe mà thôi.

Ngoài việc mù quáng vì đam mê, bạn cũng nên thận trọng với những lời ngọt ngào từ gia đình và bạn bè. Luôn luôn xin ý kiến khách quan từ bên ngoài.

5. Hiểu rõ doanh nghiệp mình

Bạn phải hiểu rõ doanh nghiệp và ngành kinh doanh của mình hơn bất kì ai trên thế giới này.

Trước hết, bạn cần biết các chỉ số của doanh nghiệp: doanh thu, dòng tiền, số nợ, số dư… Các Shark thường ngần ngại hợp tác với những doanh nhân không nắm được những chỉ số quan trọng của doanh nghiệp mình như chi phí cho một khách hàng mới, tỷ lệ tồn kho,...

Hiểu rõ không chỉ dừng lại ở việc xử lí các con số, nó đòi hỏi sự hiểu biết thật sự sâu ngành kinh doanh mà bạn tham gia cạnh tranh. Cũng có nhiều startup tham gia chương trình với ước mơ chinh phục một ngành kinh doanh (thực phẩm, may mặc, ứng dụng) nhưng không hề biết những ngành đó vận hành thế nào. Ví dụ, khi kinh doanh thực phẩm, họ muốn các cửa hàng tạp hóa trên cả nước đều bày bán sản phẩm của mình. Thế nhưng họ không nhận thức được số tiền khổng lồ mà các công ty lớn chi ra để giữ chỗ những kệ hàng đó và cuộc chiến xâm nhập thị trường đòi hỏi điều gì. Kết quả là kế hoạch đưa doanh nghiệp đến thành công rất ngờ nghệch và hoàn toàn sai lầm.

Trước khi khởi nghiệp, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng ngành nghề thông qua việc đọc các tạp chí và blog về ngành đó. Đồng thời trò chuyện với những người trong ngành. Thậm chí là đọc luôn cẩm nang dành cho người mới. Giai đoạn tìm hiểu này có thế mất hàng tháng, nhưng giúp bạn tránh những đau đầu sau này.

6. Tập trung vào năng lực cốt lõi

Thử nghiệm và thử là những điều khác nhau trong kinh doanh là điều tốt, nhưng đừng bao giờ bỏ quên năng lực cốt lõi của bạn. Nhiều doanh nghiệp đã thất bại chỉ vì đi chệch hướng. Điều này đặc biết đúng với lượng thông tin và sự dễ dãi trước các thông tin bạn nhận được trên các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay. Có thể nghe nhiều người nói rằng "Giá như nhiều công ty sản xuất mặt hàng này". Từ đó bạn tin rằng đây là nhu cầu phổ biến cho sự mở rộng doanh nghiệp. Nhưng hóa ra, đó chỉ đại diện cho một số rất nhỏ nhưng lại hay có ý kiến. Hãy hiểu rõ điểm mạnh của mình và tập trung vào đó.

Chăm chỉ là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu sản phẩm vô dụng thì kinh doanh cũng vô nghĩa - Ảnh 2.

7. Những doanh nghiệp tốt nhất giải quyết vấn đề thật sự

Các startup kêu gọi vốn thành công thường có một điểm chung: doanh nghiệp của họ giải quyết vấn đề thật sự. Vấn đề người doanh nhân đưa ra để giải quyết là vấn đề mà họ đã tự trải nghiệm rồi.

Các doanh nghiệp thường thất bại khi không giải quyết những vấn đề thực tế. Hoặc đó là sản phẩm mới lạ mà không giải quyết được vấn đề hiện hữu. Đôi khi bạn sẽ thấy một ông lớn đầu tư vào sản phẩm mới bởi họ nhìn thấy cơ hội kiếm được nhiều tiền nhanh chóng bằng cách chạy theo xu thế, nhưng đa số thì mới lạ nhưng vô dụng.

8. Nếu doanh nghiệp không sinh lời thì đó chỉ là thú vui mà thôi

Kenvin O’Leary từng nói: "Doanh nghiệp nào sau 3 năm hoạt động vẫn chưa sinh lời thì đó không phải là doanh nghiệp, đó là thú vui". Thú vui thì chẳng có gì sai. Nó vui vì là một cách thỏa mãn sự sáng tạo của bạn. Nhưng đừng dối lòng về việc bán xà phòng thủ công cho nam là một doanh nghiệp đầy hứa hẹn chỉ vì bạn vừa bán được 8 bánh xà phòng trên Etsy. Nếu bạn đầu tư rất nhiều tiền vào dự án của mình, nhưng chỉ thu lại một ít lợi nhuận, hãy chấp nhận sự thật về nỗ lực của bạn, đó chính là thú vui thôi.

9. Không phải doanh nghiệp nào cũng cần nhà đầu tư

Nhiều doanh nhân mang niềm tin sai lầm rằng phải có nhà đầu tư thì mới có thể thành công trong kinh doanh.

Không phải vậy đâu. Mark Cuban đã từng nói: "Các ngân hàng hà khắc lắm, và bạn không nên xây dựng doanh nghiệp với ưu tiên trả nợ ngân hàng trước khi đầu tư nhiều hơn vào doanh nghiệp mình. Vốn chủ sỡ hữu tốt hơn nhiều giá trị lao động là tốt nhất".

Bên cạnh đó, vài doanh nghiệp không thích hợp để đầu tư. Các nhà đầu tư thường thích các doanh nghiệp mà họ có thể định giá và mở rộng. Nhận vốn đầu tư cũng đồng nghĩa với việc trao quyền kiểm soát cho người khác.

Trước khi tìm kiếm nhà đầu tư, hãy tự hỏi: Mình có thật sự cần vốn đầu tư không? Công ty mình đã đến giai đoạn không thể tiếp tục mà không có vốn chưa? Đây có phải dạng doanh nghiệp mà các nhà đầu tư muốn rót tiền vào không? Nếu phải thì mình sẽ làm gì với số vốn đó? Mình có thể thật sự muốn từ bỏ quyền kiểm soát công ty không? 

Mộc Dương

Cùng chuyên mục
XEM