Cha mẹ khoe khoang giấy khen, điểm số của con: Đừng khiến con rơi vào 'bong bóng ảo tưởng'!

04/07/2021 12:01 PM | Sống

Minh Anh (học sinh tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng có ý nghĩ muốn chết ngay sau khi biết mình không đủ điểm vào trường cấp 3 hạng thấp chứ đừng nói những trường top đầu như những gì mẹ hay khoe khoang.

Lâu nay, thấy con gái mình nhút nhát, tự ti cả về ngoại hình và sức học nhưng thay vì động viên con nỗ lực học tập, thay đổi bản thân để cải thiện kết quả thì mẹ của Minh Anh lại liên tục nói: “Con gái mẹ xinh nhất, có mấy đứa được bằng con…” khiến cô bé tự nghĩ mình xinh đẹp, giỏi giang hơn nhiều người.

Lần nào về quê mẹ cũng khoe với bà con hàng xóm là Minh Anh học giỏi, được giấy khen này nọ khiến em sống trong những hào quang ảo tưởng được mẹ tạo ra còn thực chất em chỉ là cô bé có lực học trung bình.

Trước kỳ thi vào lớp 10 các trường THPT trên địa bàn Hà Nội, thấy con cái nhà người ta đăng ký vào các trường top đầu như THPT Yên Hòa, THPT Cầu Giấy... mẹ Minh Anh cũng bắt con mình đăng ký những trường ấy cho bằng bạn bằng bè.

Người mẹ không để tâm tới học lực của con, chỉ muốn có cái cớ khoe với hàng xóm là con thi trường “xịn”, kể cả có trượt thì cũng là... trượt trong vinh quang.

Cha mẹ khoe khoang giấy khen, điểm số của con: Đừng khiến con rơi vào bong bóng ảo tưởng! - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Kết thúc kỳ thi, Minh Anh chỉ được hơn 20 điểm trong khi THPT Yên Hòa lấy điểm chuẩn là 50 điểm, như vậy em chỉ đạt một nửa điểm chuẩn. Với số điểm ấy ngay cả những trường tư thục có tiếng họ cũng không nhận Minh Anh vào học.

Thế nhưng, mẹ Minh Anh vẫn chưa "tỉnh" ra, vẫn nói sẽ tìm cho Minh Anh một trường tư “cực xịn” có thể nuôi dưỡng tài năng của cô bé, học tập như học sinh quốc tế, lại còn có cơ hội đi du học nước ngoài.

Trong khi đó, Minh Anh thừa biết mình chỉ được 4 điểm tiếng Anh thì chẳng chỗ nào nhận em đi du học. Giờ đây, cô bé rơi vào tình cảnh học trường công thì không đủ điểm, học trường tư cũng bị từ chối mà đi học trung tâm giáo dục thường xuyên thì sợ mọi người chê cười.

Em thực sự sốc và muốn kết thúc sinh mệnh trước những thử thách đầu đời, nhất là khi bà con họ hàng liên tục gọi điện hỏi thăm xem em đỗ trường nào, được bao nhiêu điểm.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh – ĐH Sư phạm Hà Nội thì hiện nay nhiều bố mẹ vẫn có thói quen khen con mình tốt, con mình giỏi, thậm chí ngay cả cái giấy khen học sinh tiên tiến cũng đăng lên mạng xã hội khoe khoang khiến các con ảo tưởng về năng lực của bản thân.

“Tôi còn biết những phụ huynh bơm vào đầu con những viễn cảnh vượt quá năng lực thực tế của con. Lực học của con trung bình nhưng cứ nói con sẽ đỗ trường nọ, trường kia cho thiên hạ phải lác mắt.

Rồi họ tạo cho con áp lực phải học cái nọ, học cái kia để thành một người hoàn hảo, con gái thì sau này cưới một thiếu gia nhà giàu chẳng hạn.

Rồi không may đứa trẻ không đạt được kỳ vọng thì người tổn thương đầu tiên là đứa trẻ vì nó bị vỡ mộng, bị mất điểm tựa, bị xấu hổ với những người xung quanh. Lúc ấy cha mẹ lại trách móc con vô dụng, gây những tổn thương tâm lý rất lớn cho con. Thậm chí có những bạn không chịu được áp lực như vậy đã tìm đến cái chết để mong được giải thoát”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh, cha mẹ cần phải hiểu rằng với con trẻ động viên là điều cần thiết để con có động lực cố gắng hơn nữa nhưng động viên khác với việc tiêm vào đầu con trẻ những ảo tưởng quá mức, thiếu thực tế.

Đó là chưa kể khi ảo tưởng quá mức con trẻ sinh ra kiêu căng, tự tin thái quá, đánh mất động lực cố gắng và khi nhận ra sự thật bao giờ cũng là những cú sốc khó chấp nhận được.

Như trường hợp kể trên, cha mẹ “tiêm" vào đầu con những ảo tưởng còn khiến tương lai của con lỡ dở, đánh mất nhiều cơ hội học tập tốt.

Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM