Cha mẹ ép con mình kết hôn trước 30 tuổi: Có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự

05/05/2020 20:12 PM | Sống

Những ngày qua, nhiều người xôn xao với quy định khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi tại Quyết định 588 ngày 28/4/2020 của Thủ tướng. Bởi vậy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh để làm rõ về vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, với việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi tại Quyết định 588 của Thủ tướng thì những ai thực hiện đúng sẽ được hỗ trợ gì?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Ở đây, Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Như vậy, việc nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi sẽ được hỗ trợ gì hay không, hỗ trợ như thế nào… thì chúng ta phải đợi chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.

Tuy nhiên, theo tôi, mọi người cũng nên thực hiện điều này (không cần phải đợi nhà nước hỗ trợ) nhằm đảm bảo được quyền lợi cho chính mình cũng như đạt được mục đích chung của đất nước.

PV: Nếu con không tự nguyện kết hôn trước 30 tuổi thì cha mẹ có được quyền cưỡng ép con mình kết hôn hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Như đã nói ở trên, việc nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi chỉ mang tính chất khuyến khích chứ không phải bắt buộc. Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 5, điểm b khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, cấm việc cưỡng ép kết hôn.

Như vậy, nếu cha mẹ cưỡng ép con mình kết hôn trái quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo khoản 1 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.

2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Nếu cha mẹ đã bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép người khác kết hôn mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017); khi đó, bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Theo LS Phạm Thanh Hữu

Cùng chuyên mục
XEM