CEO VinBrain: AI vẫn là ngành còn non trẻ tại Việt Nam, muốn có công nghệ lõi tốt chúng ta cần ‘đứng trên vai người khổng lồ’

25/03/2021 07:00 AM | Kinh doanh

Trở về Việt Nam với tâm thế đền đáp gì đó cho tổ quốc, CEO VinBrain luôn cố gắng hết sức trong việc xây dựng và đào tạo đội ngũ tốt ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù AI đang phát triển nhanh ở Việt Nam, nhưng do ngành này còn non trẻ, nên muốn có công nghệ lõi đạt chuẩn, VinBrain phải hợp tác với các tổ chức hàng đầu thế giới về AI.

Ông Steven Truong – CEO của VinBrain
Ông Steven Truong – CEO của VinBrain

Nhân dịp ra mắt Mạng lưới tài năng công nghệ, Endeavor đã tổ chức một hội thảo online nho nhỏ và mời các chuyên gia về công nghệ hàng đầu Việt Nam làm diễn giả, nổi bật có ông Steven Truong (Trương Quốc Hùng) – CEO VinBrain. Suốt hội thảo, vị chuyên gia đầu ngành này đã kể về nguyên do vì sao mình trở về Việt Nam làm việc cho VinGroup, làm sao để trở thành lãnh đạo công nghệ giỏi cũng như đề cập về thực trạng của ngành AI tại Việt Nam.

"Sau 30 năm bôn ba ở xứ người – chủ yếu là ở Mỹ và Canada, động lực lớn nhất khiến tôi quyết định nhận lời về làm việc cho VinBrain, là muốn được give back – đền đáp gì đó cho quê hương.

Ngoài ra, tôi cũng có một nỗi đau khác. Lúc đó, mẹ tôi tại Việt Nam đã khá lớn tuổi bị bệnh, mỗi sáng tôi phải dành khoảng 5 phút để nói chuyện với bác sỹ để trao đổi tình hình cũng như phương hướng chữa bệnh cho mẹ. Tôi cảm thấy, ngành y tế của Việt Nam còn quá thủ công, nếu áp dụng AI vào lĩnh vực y tế, có thể thay đổi và phát triển ngành này lên một tầm cao mới.

Nếu ý tưởng đó thành công, nó sẽ giúp giảm ‘nỗi đau’ của người bệnh và gia đình, đồng thời tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng. Nếu giải được bài toán này sẽ rất có ý nghĩa", ông Steven Truong hồi tưởng.

Vị CEO của VinBrain này từng tốt nghiệp Cử nhân Khoa học máy tính tại ĐH Toronto năm 1989 và có bằng Thạc sỹ (MBA) Công nghệ thông tin của Đại học Phoenix năm 1997. Steven Truong có 25 năm kinh nghiệm trong ngành phần mềm - AI, ông từng là Giám đốc kỹ thuật chính của nhóm kỹ sư công nghệ của Microsoft tại văn phòng Redmond – Mỹ cùng văn phòng Tô Châu – Trung Quốc.

Ông là tác giả của 3 bằng sáng chế và đã đồng tác giả hàng chục bằng sáng chế, sách trắng và ấn phẩm trong các hội nghị cấp cao nhất về NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) và lĩnh vực Thị giác máy tính.

"Khi còn làm việc ở Microsoft, tôi đã gặp nhiều thách thức thú vị. Tôi cùng nhóm của mình chính là những người đưa ra những phương hướng đầu tiên cho một vài chức năng quan trọng trong Microsoft Oulook, ví dụ như chức năng Smart Reply – Trả lời mail thông minh tự động dựa theo ngữ cạnh email nhận được hay Ranking Email – sắp xếp có hệ thống các loại email quan trọng; hiện có 350 triệu người dùng trên khắp thế giới", CEO VinBrain nêu cụ thể.

Theo ông, muốn trở thành một lãnh đạo đội nhóm ở Microsoft, nhân tài cần có đủ 2 yếu tố là khả năng lãnh đạo và quản lý, nhờ thế mới có thể nghĩ đúng cùng làm đúng. Tùy vào khả năng của mỗi người và dự án lớn hay nhỏ, tại Microsolf, một đội nhóm có thể có từ vài chục đến vài trăm người.

Ngoài ra, dù đều là người của Microsoft, nhưng tùy thuộc vào văn hóa, cách vận hành đội nhóm tại Mỹ và Trung Quốc khá khác biệt. Khi ông đến thành lập một nhóm mới tại Trung tâm công nghệ Tô Châu – Trung Quốc, ông buộc phải thay đổi tư duy lãnh đạo để phù hợp với kiểu startup, vừa lãnh đạo nhóm làm việc vừa phải xây dựng đội ngũ.

CEO VinBrain: AI vẫn là ngành còn non trẻ tại Việt Nam, muốn có công nghệ lõi tốt chúng ta cần ‘đứng trên vai người khổng lồ’ - Ảnh 1.

Sản phẩm DrAid đang được vinh danh tại Giải thưởng Quốc gia “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam 2020".

Cũng may, trước đó, ông Steven Truong đã chạy một vài startup, nên không xa lạ gì với những công việc của founder startup, như phải làm việc với tinh thần hướng dẫn, đề cao sự sáng tạo, thu hút người tài. Ngoài ra, founder startup còn phải đề cao việc trao đổi học tập, lắng nghe và liên tục sửa chữa để ngày càng hoàn thiện bản thân và ít sai hơn. Sau khi ông gầy dựng đội ngũ được khoảng 200 kỹ sư công nghệ tại Tô Châu, thì trao quyền cho người khác và quay về Mỹ.

"Ở Mỹ, quá trình design thinking (gồm thấu cảm – xác định vấn đề - tìm ý tưởng – hiện thực hóa ý tưởng – kiểm tra) luôn kéo dài rất lâu, vì người Mỹ rất thích cãi cọ và tranh luận, sau đó bắt lỗi nhau. Ở Trung Quốc, các kỹ sư công nghệ không thích nói nhiều, ngại tranh luận và chia sẻ ý tưởng; tức họ làm nhiều nói ít. Thế nên, dù AI xuất hiện ở Mỹ từ rất sớm, nhưng Trung Quốc mới là nơi sản xuất nhiều sản phẩm có ứng dụng AI hơn cả", Steven Truong nhận định.

Dù đã có nhiều năm làm việc cho công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới là Microsoft, song khi về Việt Nam làm việc cho VinBrain, ông cũng không cảm thấy dễ thở. Cũng may, kinh nghiệm startup của ông không thiếu.

"Vì cống hiến cho đất nước mình, nên khi làm việc, mình càng cẩn thận và hết lòng hơn. Trong tâm mình luôn tự nhủ, mình cần phải xây dựng đội ngũ cũng như đào tạo ra những tài năng AI cho đất nước. Mình phải thấu hiểu khách hàng - sáng tạo ra được sản phẩm chất lượng cao. Khi mình làm việc, luôn với tinh thần hướng dẫn – đào tạo – theo dõi, mục tiêu là phát hiện hoặc tìm ra những tài năng công nghệ càng sớm càng tốt. Một nhà quản lý giỏi là phải tìm thấy tài năng thật sớm và đưa họ vào đúng vị trí phù hợp", CEO VinBrain cho hay.

Sau vài năm gầy dựng và phát triển, sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của VinBrain tên DrAid đã được thị trường đón nhận nhiệt tình và đạt một vài giải thưởng quan trọng. DrAid là sản phẩm ứng dụng AI đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh về tim - phổi - xương thông qua hình ảnh X-quang, do VinBrain phát triển từ năm 2019. Phần mềm DrAid được VinBrain nghiên cứu tích hợp nhiều tính năng công nghệ độc đáo. Hiện Dr Aid sau một năm phát triển đã có thể hỗ trợ chẩn đoán được 19 thứ bệnh dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim – phổi – xương, có thể đưa kết quả trong vòng 5 giây.

Đưa AI vào ứng dụng cho ngành y tế Việt Nam là một bài toán phức tạp. Từ dữ liệu bệnh lý, team VinBrain phải có thêm dữ liệu triệu chứng lâm sàng, hồ sơ bệnh án, tiên lượng bệnh…; dữ liệu rất nhiều và xử lý chúng để ra kết quả cần thiết không dễ dàng. Nhiệm vụ của ông ở đây là ưu tiên làm trước những cái gì có thể làm được, cái gì chưa thể thì để sau.

"Hiện tại, VinBrain đã có 3 ký kết hợp tác toàn diện với các tổ chức hàng đầu về AI trên thế giới, trong đó có 1 trường mà tôi đã học và rất yêu quý. Chúng ta cần phải hợp tác thì mới phát triển. Việt Nam là một nước đang phát triển, nên AI phát triển với tốc độ khá nhanh, tuy nhiên vì ngành này còn quá non trẻ khiến chất lượng nhân sự chưa đạt chuẩn đủ để xây dựng các công nghệ lõi. Kết hợp với Stanford, ĐH California of San Diego hay ĐH Toronto, tức chúng ta đang ‘đứng trên vai người khổng lồ'", cựu lãnh đạo Microsoft kết luận.

Cuối cùng, bí quyết giúp ông Steven Truong có thể ‘tung hoành ngang dọc’ trong giới công nghệ thế giới cũng như giúp VinBrain làm được những điều tưởng như không thể chính là: luôn biết mình là ai, mình muốn gì và sau khi tìm thấy mục tiêu, thì luôn tin vào bản thân mình có thể làm được bằng cách liên tục học hỏi – rèn luyện, đồng thời không bao giờ bỏ cuộc.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM