CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: Nhân viên ra đi, người quản lý phải xem lại chính mình

26/03/2018 15:08 PM | Kinh doanh

Một công ty không có người đi thì công ty đó thực sự có vấn đề. Công ty đấy thực sự nguy hiểm. Công ty có 20% người ra đi cũng thực sự có vấn đề. Công ty nào cũng có dòng chảy ra vào là bình thường và mỗi ngành có 1 con số là phù hợp.

Mới đây trong buổi nói chuyện thường niên của Tổng giám đốc Viettel và toàn bộ nhân viên tập đoàn viễn thông này, một trong những vấn đề được quan tâm là thực trạng nhân viên nghỉ việc. Theo con số thống kê, tỷ lệ nghỉ việc của Viettel trong 3 năm gần đây nằm ở mức 5-7%. Ngành viễn thông Việt Nam tỷ lệ nghỉ việc trung bình là 10%, ngành viễn thông thế giới là 12-15%.

 "Một công ty không có người đi thì công ty đó thực sự có vấn đề. Công ty đấy thực sự nguy hiểm. Công ty có 20% người ra đi cũng thực sự có vấn đề", Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét về việc nghỉ việc của nhân viên. Ông chia sẻ thêm, tại tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tỷ lệ nhân viên ra đi gần 17%. 

Ông Hùng còn nhấn mạnh công ty nào cũng có dòng chảy ra vào là bình thường và mỗi ngành có 1 con số là phù hợp. Thường những công ty sáng tạo thì tỷ lệ ra đi cao hơn. Nhiều khi tỷ lệ cao hơn trung bình ngành là tốt chứ không phải thấp hơn trung bình ngành là tốt. Điều quan trọng là nhân sự phải tìm ra thế nào là tốt, tìm ra quy luật đối với công ty mình. 

Điều quan trọng tiếp theo là phân tích sâu hơn ai là người ra đi. Theo đó những người có đóng góp lớn, những người đang ở tuyến đầu, nhân sự then chốt ra đi thì thực sự có vấn đề. Ngược lại những người đóng góp ít, gián tiếp ra đi thì lại là bình thường với tổ chức. Doanh nghiệp cần nhìn sâu vào cơ cấu tổ chức để phân tích vấn đề. 

Người đứng đầu Viettel cũng chỉ ra rằng có những đơn vị tuyển khắt khe, tỷ lệ chọn lọc cao thì mức độ ra đi ít hơn. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm riêng của mỗi đơn vị. 

Lý do được ông Hùng chỉ ra là công việc ít thách thức, giao quá ít việc. Những công việc lặp đi lặp lại không có gì mới mẻ, không còn gây phấn khích sẽ khiến nhân viên chán nản.

Lý do khác là không tạo ra cảm giác thân thiện trong môi trường nhỏ đó, không tạo sự gắn kết. Và điều này cũng là do người quản lý trực tiếp tại đơn vị. 

Theo ông Hùng, những người quản lý phải ý thức, thái độ ứng xử với nhân viên như ứng xử với khách hàng của mình. 

Những điều ông Hùng chia sẻ cũng không phải chỉ riêng tại Viettel, theo hãng tư vấn toàn cầu Gallup 50% nhân viên nghỉ việc đều xuất phát từ lý do nhà lãnh đạo. Con người tham gia vào một công ty vì lý do lương thưởng, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp nhưng phần lớn họ ra đi bởi không có mối quan hệ tốt với người quản lý.

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: Nhân viên ra đi, người quản lý phải xem lại chính mình - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa nhân viên và quản lý trực tiếp có mối quan hệ chặt chẽ với mức độ gắn kết của họ với công ty. Một mối quan hệ gắn kết là khi nhân viên cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với người quản lý của mình khi đưa ra bất kỳ câu hỏi nào cho họ. Những nhà quản lý tốt là người mang cho nhân viên sự tự do để phát triển, hướng dẫn họ làm tốt hơn những việc họ dang làm và khiến một ngày làm việc của họ trở nên hứng thú. Ngược lại một nhà quản lý tồi sẽ giữ chặt nhân viên, cầm tù họ và khiến họ không thoải mái. 

Những nhà quản lý tốt có các đặc điểm chung dễ nhận ra như vạch ra những mục tiêu và chỉ dẫn rõ ràng cho đội ngũ của mình, truyền cảm hứng cho đội ngũ với người lực họ cần để thực hiện công việc, có những phản hồi và chỉ ra cách giúp nhân viên gỡ bỏ được những đá tảng chắn đường họ hàng ngày. Họ còn là những người biết được tham vọng nghề nghiệp trung và dài hạn của nhân viên cũng như muốn giúp họ đạt được. Những nhà quản lý tốt cũng là những người đáng tin, tự tin và công bằng- những phẩm chất của những người luôn được tin tưởng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM