CEO Vietjet Air: Nhờ bất ổn, chúng ta sẽ có cơ hội sắp xếp lại thị trường

28/07/2018 14:30 PM | Kinh doanh

Bày tỏ thái độ không bi quan vì những biến động thương mại toàn cầu, quan điểm của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air đưa ra quan điểm: Trong nguy có cơ.

Nỗi lo từ chiến tranh thương mại và vấn đề tỷ giá

Chiến tranh thương mại và vấn đề rủi ro về tỷ giá là những vấn đề nóng được thảo luận tại Diễn đàn Forbes Việt Nam hôm 26/7 vừa qua.

"Hai vấn đề này là hai rủi ro lớn đối với nền kinh tế Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc phát triển ĐH Fulbright bình luận. Những rủi ro này đã được tính toán từ cuối năm 2017 cũng như đầu năm 2018, tuy nhiên, những diễn biến đang nằm ngoài dự kiến.

Ví dụ như với chiến tranh thương mại, những tưởng Mỹ - Trung Quốc – EU sẽ "ngồi lại với nhau" đàm phán, nhưng thực tế, cuộc chiến đã bùng nổ với việc Mỹ chính thức áp thuế lên Trung Quốc.

 CEO Vietjet Air: Nhờ bất ổn, chúng ta sẽ có cơ hội sắp xếp lại thị trường  - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Bà Lan Anh (TKTS Forbes Việt Nam); ông Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbright); Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air); Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI); ông Phạm Hồng Hải (TGĐ HSBC). Nguồn: Forbes Vietnam

Hiện tại, với lần đánh thuế trị giá 34 tỷ USD, ông Thành nhận định không gây tác động trực tiếp thương mại lớn với Việt Nam bởi sản phẩm đa phần là máy móc thiết bị, hàng công nghệ cao. Việt Nam, với những sản phẩm tương đương Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ không đáng kể.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại được phát động đã thúc đẩy hành vi rút chạy khỏi đồng Nhân dân tệ (NDT), khiến NDT mất giá. Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại không có động thái can thiệp tạo những nghi ngờ về cuộc chiến tranh tiền tệ có thể bùng phát.

Nhớ lại thời điểm tháng 9 – 10/2016 khi NDT xuống giá 8%, Việt Nam đã ổn định một cách cứng nhắc để khi buộc phải điều chỉnh ở mức lớn hơn, ông Thành cho rằng việc tỷ giá biến động 1% cách đây một vài hôm đã giúp thị trường giảm bớt áp lực.

"Một cân nhắc cần tính đến trong 6 tháng cuối năm, nếu NDT xuống giá sẽ khiến VND giảm giá theo. Tuy nhiên, chúng ta không được để cho VND lên giá so với NDT quá mức 5%. NDT xuống giá so với USD khoảng 8% thì VNĐ có thể xuống giá khoảng 3%, còn nếu hơn thì sức ép từ hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ rất lớn", ông Xuân Thành nói.

Ông Phạm Hồng Hải, TGĐ HSBC Việt Nam nói rằng Trung Quốc hiện đang phần nào đảm nhiệm vai trò của người giữ ổn định tài chính thế giới. Do vậy, tương tự năm 2016, nếu Trung Quốc phá giá mạnh NDT, các đồng tiền khác trong khu vực sẽ xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, ông Hải nhận định rằng Trung Quốc sẽ không chủ đích phá giá đồng tiền. Bởi điều này không mang lại lợi ích cho họ. Nền kinh tế với quy mô quá lớn khiến nước này nhận ra không thể tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Thay vào đó, Trung Quốc đang nhờ 80% từ cầu nội địa.

"Trung Quốc chỉ đang chấp nhận việc FED tăng lãi suất cũng như những biến động của thị trường. Họ không can thiệp sâu, để thị trường tự chạy nhưng vẫn có sự giám sát", TGĐ HSBC nói.

Đối với Việt Nam, bên cạnh việc là nền kinh tế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, việc tiêu tốn công sức để xây dựng niềm tin với VNĐ, chắc chắn Chính phủ sẽ không để xảy ra tình trạng mất giá tiền đồng từ 5 -10%, theo ông Hải.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Hải nói rằng sự điều chỉnh vừa qua khoảng 1% là rất hợp lý, giúp thị trường bình ổn.

Cơ hội lớn từ rủi ro 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cảnh báo về làn sóng tràn hàng hoá Trung Quốc, gây sức ép lên thị trường trong nước cũng như việc gian lận thương mại, hay tuồn máy móc thiết bị công nghệ cũ sang Việt Nam.

Dù vậy, trước những bất ổn, thách thức, Chủ tịch VCCI nói rằng vẫn có cơ hội.

"Thị trường thế giới đang sắp xếp lại. Điều này khiến xuất hiện cơ hội ngách, và nó tuỳ thuộc vào năng lực, nỗ lực của doanh nghiệp Việt", ông cho biết.

"Doanh nghiệp phải chủ động trong bối cảnh hiện tại, không nên quá trông chờ vào chính sách", nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

Doanh nhân này nói rằng trước những thách thức, biến động rủi ro như thế, đương nhiên bà cảm thấy sợ. Nhưng từ thực tế tại Vietjet, bà thấy, trong nguy, có cơ.

Bà dẫn ra câu chuyện của Vietjet thời mới hoạt động, giá dầu ở mức 140 USD/thùng, khi bắt đầu bay, giá là 100 USD/thùng. Vietjet chỉ thực sự có lãi khi giá dầu ở mức 90 USD/ thùng. Bởi vậy, ở thời điểm hiện nay, thị trường tỏ ra lo lắng vì giá dầu tăng lên 70 USD/thùng thì Vietjet cảm thấy bình thường.

Theo bà, việc sống trong hoàn cảnh khó khăn sẽ khiến doanh nghiệp tìm ra giải pháp để tồn tại và phát triển.

"Chính thời điểm này là thời điểm có khả năng phát sinh ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân. Nhờ bất ổn, chúng ta sẽ có cơ hội sắp xếp lại thị trường, thứ hạng, xác định được chiến lược nào là dài hơi, đúng đắn", bà Thảo nói và nhấn mạnh không nên quá bi quan với những diễn biến đang thảo luận.

Theo Nam Dương

Từ khóa:  rủi ro , cơ hội
Cùng chuyên mục
XEM