CEO startup Edu2Review: Phần lớn cơ sở giáo dục nhỏ & vừa ở Việt Nam đang hoạt động công suất tối thiểu, chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn hoặc ngủ đông chờ dịch qua

16/04/2020 16:19 PM | Kinh doanh

Đã có rất nhiều lời hô hào về chuyển đổi online trong ngành giáo dục khi đại dịch Covid-19 lan đến Việt Nam, nhưng theo Hồ Đức Hoàn – Co-Founder của Edu2Review, để thực hiện điều đó không dễ, nhất là với các cơ sở nhỏ và vừa. Hiện có khoảng hơn 90% đối tác của họ đang ‘nín thở’ chờ đợi hết dịch.

Dù không phải là doanh nghiệp giáo dục truyền thống, nhưng do hầu hết đối tác đều đang hoạt động trong mảng này, nên khi đại dịch Covid-19 quét qua Việt Nam, Edu2Review bắt đầu thất thu. Theo chia sẻ của anh Hồ Đức Hoàn – Co-Founder kiêm CEO của Edu2Review, trong hơn 2 tháng qua, doanh thu của startup này đã giảm xuống khoảng 70%.

Khi các cơ sở giáo dục đồng loạt đóng cửa sau Tết Nguyên Đán, Edu2Review đã hành động ngay bằng cách tạm dừng các kế hoạch mở rộng và tổng ra soát đội ngũ nhân sự. Kết quả là một vài nhân sự chủ động xin nghỉ vì mục tiêu cá nhân nên công ty đã xem như đã chủ động tinh giản. Điều này phù hợp với chiến lược nhân sự của lãnh đạo Edu2Review, bởi trong lúc rà soát quy trình và nhân sự, Hồ Đức Hoàn cũng nhận thấy có những vị trí chưa thực sự cần thiết cho doanh nghiệp giai đoạn này.

Trong lúc tối ưu lại bộ máy vận hành, Hồ Đức Hoàn và các cộng sự cũng không quên nhiệm vụ tìm thị trường ngách khác để hồi phục doanh thu. Và 2 mảng mới mà họ quyết định đánh vào trong mùa dịch Covid-19 là giúp các trường đại học tuyển sinh lúc Hè đến, cũng như nhảy vào thị trường chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục truyền thống.

Ngoài ra, Edu2Review cũng phải gặp gỡ các nhà đầu tư của mình, trong đó có các Shark, để "trình bày hoàn cảnh" cũng như xin những lời khuyên từ các cá mập này để có thể đương đầu với khó khăn.

Cũng theo Hồ Đức Hoàn, thì đại dịch Covid-19 không phải hoàn toàn xấu với Edu2Review, ít nhất thì thông qua những tác động của sự cố bất ngờ này, các nhà đầu tư cũng nhận ra rằng, với các startup công nghệ, để phát triển bền vững thì tăng trưởng và hiệu quả kinh tế là hai yếu tố có tầm quan trọng ngang nhau.


2 mảng mới là tuyển sinh đại học và chuyển đổi số có thể mang về 80% doanh thu như trước

Thành lập từ năm 2015, sau 5 năm miệt mài lao động và cải tiến, Edu2Review đã thật sự nên hình nên dạng và có chút danh tiếng đáng kể trong ngành giáo dục. Hiện tại, hầu hết các trung tâm ngoại ngữ ở 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội đang là đối tác của họ, doanh thu của startup này chủ yếu đến từ tiền ‘hoa hồng’ mà họ bán khóa học cho các đối tác thông qua nền tảng Edu2Review. Theo chia sẻ từ startup này, hiện họ có hơn 2.500 đối tác, 1 triệu người dùng và 7.500 học viên đặt chỗ/tháng.

CEO startup Edu2Review: Phần lớn cơ sở giáo dục nhỏ & vừa ở Việt Nam đang hoạt động công suất tối thiểu, chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn hoặc ngủ đông chờ dịch qua  - Ảnh 1.

Edu2Review là một trong những startup công nghệ chinh phục thành công các Shark trong mùa giải năm ngoái.

Điều quan trọng khiến các học viên khác chấp nhận mua khóa học thông qua Edu2Review chính là việc startup này luôn thẩm định kỹ chất lượng các đối tác mà họ hợp tác và chịu trách nhiệm cho những gì mình cam kết.

"Ước mơ của tôi là trong tương lai, Edu2Review có thể đáp ứng được mọi nhu cầu học tập của đủ mọi lứa tuổi không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, một cách tốt nhất. Ví dụ: bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin như ngành cần học, kinh phí, mục tiêu, địa điểm, thời gian… thì Edu2Review sẽ đưa cho bạn một list tối ưu nhất các khóa học/trường học để bạn có thể lựa chọn", anh Hồ Đức Hoàn tiết lộ.

Ở Việt Nam, cho đến hiện tại, hầu hết trường học hoặc cơ sở ngoại ngữ đều chủ yếu dạy offline, nên khi dịch Covid-19 xuất hiện, mảng giáo dục này gần như bị tê liệt. Theo đó, hoạt động kinh doanh của Edu2Review cũng gần như bị đình trệ, kèm theo doanh thu chẳng còn bao nhiêu. Tuy nhiên, may mắn là Edu2Review mới được giải ngân tiền đầu tư cuối năm 2019 từ các nhà đầu tư khác nhau, nên vẫn có thể cầm cự được.

Trong những ngày đầu của thời kỳ Covid-19, dù tương đối hoang mang, nhưng Hồ Đức Hoàn và các đồng sự biết là mình có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên chính là rà soát lại các quy trình – nhân sự để có thể tối ưu chi phí; sau nữa là tìm kiếm các mảng miếng kinh doanh mới để vãn hồi doanh thu, cuối cùng là làm việc với các nhà đầu tư để họ hiểu rõ tình hình mà startup đang gặp phải cũng như nhờ họ hiến kế giúp Edu2Review vượt qua khó khăn.

"Trong lúc ngồi rà soát lại cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, tôi chợt nhận ra là mình có thể tinh gọn bộ phận nhân sự hơn nữa mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh, đó là điều mà khi tập trung vào tăng trưởng nóng những năm vừa qua tôi không phát hiện ra. 

Rõ ràng có những vị trí chưa thật sự cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp hoặc ai đó có thể kiêm nhiệm tốt. Nhưng trong lúc tôi chưa kịp xem xét tinh giản nhân sự, thì đã có vài bạn xin nghỉ do vấn đề cá nhân, thành ra kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến giờ, Edu2Review vẫn giữ được phần lớn nhân sự", Hồ Đức Hoàn cho biết.

Sau 2 tháng nghiên cứu thị trường cũng như nhu cầu của các thành viên, Edu2Review chọn mảng tuyển sinh đại học và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp giáo dục để tìm lại doanh số. "Nếu làm tốt 2 mảng này, chúng tôi có thể giúp công ty vãn hồi khoảng 80% doanh thu so với trước kia", Hồ Đức Hoàn tin tưởng.

CEO startup Edu2Review: Phần lớn cơ sở giáo dục nhỏ & vừa ở Việt Nam đang hoạt động công suất tối thiểu, chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn hoặc ngủ đông chờ dịch qua  - Ảnh 2.

Nhằm đối phó với dịch Covid-19, nền tảng Edu2Review sẽ chuyển hướng kinh doanh sang 2 mảng mới.

Đây thật ra không phải là 2 lĩnh vực quá xa lạ đối với Edu2Review, trong quá khứ họ đã không ít lần đụng tới 2 mảng này, chỉ là không quá đẩy mạnh việc kiếm tiền từ đó. Trong thời gian đầu tiên, với 2 mảng mới này, việc liên hệ và thuyết phục các trường đại học hay doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của startup này phụ thuộc cả vào CEO, vì đây là phần việc khá khó và chẳng phải ai cũng làm được. 


Các cơ sở/doanh nghiệp giáo dục nhỏ và vừa vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi số toàn diện

Về mảng chuyển đổi online cho các doanh nghiệp giáo dục, theo Hồ Đức Hoàn, thật ra nó không 'dễ xơi' như mọi người nghĩ, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong danh mục đối tác của Edu2Review.

Thứ nhất, để có thể chuyển đổi số, các doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục cần có một sự chuẩn bị cơ bản từ cơ sở vật chất như dụng cụ dạy và học trực tuyến cho đến nhân sự, quy trình quản lý; khi Covid-19 ập đến một cách quá đột ngột, chẳng ai kịp trở tay chuẩn bị gì. Thêm nữa, trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp giáo dục thường ưu tiên tài chính cho việc duy trì ‘sự sống’ như trả tiền mặt bằng và lương giáo viên; chứ không phải đầu tư chuyển đổi số bài bản.

Chưa hết, do chẳng ai đoán được đại dịch khi nào mới kết thúc, không ít người trong ngành giáo dục thường ôm tâm lý may mắn, hi vọng tình hình sẽ không kéo dài và cơ sở có thể nhanh chóng được mở cửa trở lại.

"Thế nên, theo một thăm dò nhanh của chúng tôi, thì hầu hết doanh nghiệp/cơ sở trong mảng giáo dục nói chung và giáo dục ngoại ngữ nói riêng, phần lớn mới chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn, hoặc chấp nhận "ngủ đông" để chờ dịch qua đi, chứ rất ít đơn vị nghiêm túc đầu tư chuyển đổi online toàn diện.

Theo đó, để tìm cách thuyết phục các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi online, chúng tôi đã chia nhỏ gói dịch vụ của mình, tức là chúng tôi sẽ giúp họ chuyển đổi từng phần. Để chuyển đổi online hoàn toàn một doanh nghiệp quy mô vừa phải kéo dài vài tháng tới cả năm, chứ không thể làm trong một sớm một chiều.

Quan trọng là chúng phải thuyết phục được các doanh nghiệp có tiềm lực rằng: chuyển đổi online là điều cần thiết trong thời đại này và nó đáng ‘đồng tiền bát gạo’ vì họ sẽ chủ động hơn dù sau này có một sự cố khác tương tự dịch Covid-19 diễn ra", Hồ Đức Hoàn nhận định.

CEO startup Edu2Review: Phần lớn cơ sở giáo dục nhỏ & vừa ở Việt Nam đang hoạt động công suất tối thiểu, chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn hoặc ngủ đông chờ dịch qua  - Ảnh 3.

Edu2Review vẫn giữ được nhân sự chủ chốt trong mùa dịch Covid-19.

Cũng theo anh, thì dù nhiều doanh nghiệp về giáo dục có quy mô lớn đã chuyển sang dạy – học online gần 100% trong mùa dịch, nhưng anh tin rằng, sau khi hết dịch, các doanh nghiệp này sẽ quay trở lại dạy – học offline, nhưng có thể với tỉ lệ 20% online và 70% offline.


Covid-19 thay đổi quan điểm không chỉ là của các lãnh đạo doanh nghiệp, mà cả các nhà đầu tư

Với Hồ Đức Hoàn, đại dịch Covid-19 không phải chỉ có tác động xấu mà nó cũng có vài tác động tích cực, ví dụ như giúp thay đổi về quan điểm về phát triển bền vững của cả chủ startup và các chủ đầu tư trong giới khởi nghiệp công nghệ.

Trước đây, các nhà đầu tư khi nào cũng muốn các startup công nghệ phải tăng trưởng thật nhanh để nhanh chóng chiếm thị phần không để đối thủ khác giành mất, ngay cả khi phải ‘đốt’ thật nhiều tiền để bù vào các khoảng như marketing – PR cho công tác mở rộng thị trường.

Ở chiều ngược lại, các founder startup cũng thường đưa những mục tiêu tăng trưởng thật ấn tượng để thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của họ lỗ liên tục. Hệ quả, không ít startup ‘toang’ hoặc founder bị truất quyền vì ‘trò chơi’ tăng trưởng này.

"Sau khi Covid-19 buông xuống, tôi chợt nhận ra, để tăng trưởng bền vững, một startup không nên chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng, mà phải kết hợp giữa tăng trưởng và hiệu quả tài chính trong kinh doanh. Bởi nếu chỉ tập trung mục tiêu tăng trưởng mà không chịu cân đối thu – chi, thì nhỡ đâu khi có sự cố, nhà đầu tư của bạn cũng gặp khó khăn, thì bạn sẽ sống bằng cách nào?!", CEO Edu2Review nêu vấn đề.

Hồ Đức Hoàn kể là anh đã chia sẻ tâm tư này với các nhà đầu tư của mình và tất cả rất đồng tình với những trăn trở của anh. Thế nên, sắp tới hay sau dịch, Edu2Review sẽ tập trung vào hiệu quả kinh doanh hơn nữa!

CEO startup Edu2Review: Phần lớn cơ sở giáo dục nhỏ & vừa ở Việt Nam đang hoạt động công suất tối thiểu, chỉ chuyển đổi online theo dạng đối phó ngắn hạn hoặc ngủ đông chờ dịch qua  - Ảnh 5.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM