CEO SoftBank giải thích lý do vì sao bỏ 32 tỷ USD mua ARM

19/07/2016 09:04 AM | Kinh doanh

Với tiềm năng thị trường lên đến hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới, số tiền hơn 30 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chỉ là con số nhỏ.

Chủ tịch của SoftBank, ông Masayoshi Son chiều hôm qua đã giải thích tại sao nhà mạng khổng lồ của Nhật Bản này lại bỏ ra số tiền đến 31,4 tỷ USD để thâu tóm nhà thiết kế chip trụ sở tại Anh, ARM.

Tôi đang mua tại thời kỳ đầu của sự chuyển đổi học thuyết kinh doanh. Hiện tại chúng ta đang ở thời điểm của Internet of Things.” Nhà tỷ phú Son cho biết trong một cuộc họp báo tại London.

ARM, người thiết kế các kiến trúc bộ xử lý cho các thiết bị di động như iPhone, sẽ mang ông Son tới gần hơn tương lai của mọi thứ đều kết nối với web, một chiến lược mà ông vạch ra từ mùa hè năm ngoái.

Vào năm 2040, trung bình mỗi cá nhân sẽ có hơn 1.000 thiết bị được kết nối với Internet.” Ông đã nói với khán giả tại hội nghị Softbank World vào tháng Bảy năm ngoái. “Sẽ không có thiết bị nào không được kết nối.”

Tất cả những thiết bị đó, cho dù nó là chiếc tủ lạnh hay bóng đèn hay những chiếc tất thông minh, tất cả đều đòi hỏi phải có các bộ xử lý tiết kiệm điện năng. Đó là nơi ARM chứng tỏ thế mạnh của mình.

Không chỉ Internet of Things, bộ phận ARM này cũng chứng tỏ nó sẽ mang lại hữu ích cho Sprint, nhà mạng của Mỹ đang gặp khó khăn mà Softbank mua lại vào năm 2013. Nhưng ông Son không tiết lộ thương vụ mua lại đắt đỏ này có thể cứu vớt được nhà mạng đang sa sút này không.

Một thương vụ đắt đỏ ngay cả khi Brexit xảy ra

Trong một bài phát biểu nhanh, ông Son cho biết thương vụ này đã được thực hiện chỉ trong 2 tuần – tất cả diễn ra sau khi nước Anh bỏ phiếu về việc rời khỏi Liên minh châu Âu EU. Ông trùm công nghệ này từ chối cho biết liệu Brexit – yếu tố làm giảm giá đồng bảng Anh, giúp công ty Nhật Bản kiếm được món hời từ tỷ giá - liệu có phải là một nhân tố thúc đẩy thương vụ này không.

Thay vào đó, ARM vốn được niêm yết bằng đồng USD, đã chứng kiến việc tăng giá cổ phiếu kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

Tôi thấy đây là thời điểm để đầu tư với một cam kết mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai của nước Anh.” Ông Son bổ sung thêm.

Ông cũng cam kết sẽ duy trì tính trung lập và độc lập của ARM.

Sân chơi IoT đang ngày càng thu hút thêm những tên tuổi lớn tham gia vào. Không chỉ ARM, Intel sau thất bại trên sân chơi bộ xử lý cho di động, cũng đang quyết tâm không bỏ lỡ thị trường IoT đầy tiềm năng này. Ngoài ra, tháng Năm năm ngoái, Samsung cũng giới thiệu hệ thống chip Artik để tiến đánh vào sân chơi này.

Cùng chuyên mục
XEM