CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt!

25/01/2020 09:13 AM | Kinh doanh

Nhân dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Arnab Ghosh - một chuyên gia tài chính đã gắn bó gần 1 thập kỷ với Việt Nam, để hiểu hơn về cảm nhận của người nước ngoài đối với văn hóa Tết của người Việt, đối với sự thay đổi của Việt Nam trong 10 năm qua. Ông Arnab Ghosh hiện là CEO của Công ty tài chính Bưu điện (PTF), từng là Giám đốc trung tâm thẻ của VIB, Giám đốc Chiến lược & Tiếp thị của Home Credit Việt Nam.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 1.

Năm 2019 với ông như thế nào?

Tôi đã ở Việt Nam được gần 9 năm, làm việc trong lĩnh vực tài chính và năm ngoái là cột mốc đánh dấu sự cải cách lớn trong phong cách làm việc của mình. Đây là lần đầu tiên tôi chuyển từ một công ty lớn (Home Credit) sang một môi trường khởi nghiệp. Tôi gia nhập PTF vào tháng 9 năm ngoái với tư cách gần như là nhân viên duy nhất, sau khi được tuyển dụng bởi SeABank.

Thành tựu lớn nhất năm vừa qua với tôi là đã xây dựng từ con số 0 và đưa nó đến mức hiện tại khi mà công ty đã có thể hoạt động với rất nhiều nhân viên năng động.

Làm việc ở Việt Nam đã 9 năm, ông trải nghiệm Tết của người Việt ra sao?

Tôi nghĩ Tết của Việt Nam vô cùng độc đáo. Các quốc gia trên thế giới có cách đón năm mới khác nhau, và không phải quốc gia nào cũng đón năm mới vào ngày 1/1 dương lịch.

Điều làm cho Tết của Việt Nam đặc biệt đối với tôi là nét truyền thống. Tết trở thành cuộc đoàn tụ gia đình tốt đẹp, khi mọi người trở về quê hương, tất cả các thành viên trong gia đình có thể ở cùng nhau tại một nơi, cùng chào năm mới. Tôi cũng ấn tượng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, viếng mộ và tỏ lòng kính trọng với tổ tiên vào những ngày đầu năm, cảm ơn họ vì không có họ, chúng ta sẽ không ở đây hôm nay.

Đặc biệt, nét văn hóa làm tôi thích thú nhất là phong tục mừng tuổi đầu năm. Tất nhiên, ở nhiều quốc gia, ngay cả trong truyền thống phương Tây cũng có tặng quà cho nhau ngày đầu năm. Nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 2.

Điều nữa là người Việt Nam rất xem trọng vị khách đầu tiên đến nhà trong năm mới. Nhiều người còn chuẩn bị để đảm bảo rằng người đến "xông đất" là một người tốt, mời một người có đức tính và lối sống đẹp đến nhà để họ có thể mang lại may mắn cho cả gia đình.

Còn Tết của đất nước ông có những gì?

Ấn Độ là một quốc gia rất lớn nên có rất nhiều Tết, phụ thuộc vào việc bạn đến từ vùng nào của đất nước. Năm mới của chúng tôi dao động từ tháng 1 cho đến tháng 5 dương lịch. Năm mới tại quê nhà tôi ở Ấn Độ thường rơi vào khoảng giữa cuối tháng 3 và giữa tháng 4.

Tuy nhiên, dịp đón năm mới của chúng tôi không thực sự có nhiều truyền thống như Việt Nam. Chúng tôi chủ yếu ăn mừng năm mới vào đầu tháng 1 dương dịch, đó là Tết chính. Ngoài ra, các lễ kỷ niệm nhỏ thì chúng tôi ăn đồ ngọt, bánh, diện quần áo mới, tận hưởng ngày nghỉ lễ. Chúng tôi cũng không có một kỳ nghỉ dài một tuần ở Ấn Độ vào dịp đầu năm mới.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 3.

Trong kỳ nghỉ năm nay ông có kế hoạch gì?

Kế hoạch của tôi trong kỳ nghỉ Tết có thể sẽ không giống như mọi người. Tôi cũng thấy được một số điểm tương đồng giữa người Ấn Độ và Việt Nam, cách người Việt ăn Tết và của chúng tôi. Trước khi làm việc tại Hà Nội, tôi đã sống ở thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua và vẫn luôn gọi thành phố Hồ Chí Minh là nhà. Tết này tôi sẽ quay trở lại Tp. Hồ Chí Minh để đón Tết. Những năm trước, phần lớn thời gian của kỳ nghỉ, tôi sẽ trở về nhà - Ấn Độ, để gặp bố mẹ, chị gái, anh em của tôi hoặc đi du lịch.

Có người nói rằng Tết Nguyên đán của Việt Nam quá dài ngày, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không nghĩ vậy. Ở Việt Nam, bạn không có kỳ nghỉ Giáng sinh, bạn chỉ có 1 ngày nghỉ đầu năm lịch dương. Do đó, không có vấn đề gì với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán như hiện tại bởi vì ở hầu hết các nước phương Tây, kỳ nghỉ thường được bắt đầu vào Giáng sinh và kéo dài sang năm mới. Như vậy, số ngày nghỉ khá tương đương nhau.

Nếu bạn lấy một số quốc gia khác để so sánh như Philippines, lễ mừng năm mới diễn ra đến tận 4 tháng. Tất nhiên bạn sẽ không nghỉ xuyên suốt trong thời gian đó nhưng các lễ kỷ niệm và rất nhiều sự kiện diễn ra nên so với họ tôi nghĩ rằng Tết Nguyên đán của Việt Nam vẫn ổn, mọi người cần kỳ nghỉ dài như thế.

Ngoài ra một điều nữa cần lưu ý là Việt Nam không có nhiều ngày lễ quốc gia. Tôi không nhớ con số chính xác ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam nhưng nếu bạn so sánh với Ấn Độ thì còn rất ít, bởi chúng tôi có khoảng 30 ngày nghỉ lễ trong năm.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 4.

Sau nhiều năm làm việc tại đây, ông thấy Việt Nam có sự thay đổi nào đáng nhớ nhất?

Đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đặc biệt rất mạnh mẽ trong 5 năm gần đây. Nếu bạn nhìn vào cảnh quan thành phố, cơ sở hạ tầng, các công trình của Chính phủ, bạn sẽ thấy rất nhiều tòa nhà mới mọc lên.

Những năm đầu tôi đến Hà Nội, vào 2011-2012, tòa nhà cao thực sự duy nhất ở Hà Nội là Keangnam. Ngoài Keangnam, chỉ có các tòa nhà cao tối đa khoảng 25 tầng đến 30 tầng. Nhưng hiện nay, các bạn đã có Lotte Center và rất nhiều cao ốc khác. Diện mạo của thành phố đã thay đổi mạnh mẽ, trong thời gian ngắn và đó là một thành tựu lớn có thể so sánh với tốc độ phát triển của Singapore, Hồng Kông...

Điều này càng rõ hơn khi đến thăm những thành phố nhỏ hơn một chút, ví dụ như Đà Nẵng. Đà Nẵng 5 năm trước và so sánh với Đà Nẵng của hiện tại, đó là một sự thay đổi đến khó tin.

Ở góc nhìn khác còn có sự thay đổi rất tích cực về thái độ tiêu dùng của người Việt Nam. Việt Nam luôn là một thị trường khó khăn để đầu tư, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống do thói quen tiêu dùng của người dân, họ không thích thay đổi. Đó là lý do tại sao phải mất rất lâu để McDonald’s hay Starbucks vào Việt Nam.

Nhưng trong 4-5 năm qua, người dân đã trở nên cởi mở hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống quốc tế cho dù từ các khu vực khác của châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc hay từ các nước phương Tây. Điều đó đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến và giành lấy thị trường tiêu dùng này.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 5.

Thái độ tiêu dùng của người Việt đã thay đổi, vậy về hoạt động vay tiêu dùng của người Việt, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi những năm qua?

Cho vay tiêu dùng là một thị trường rất nóng ở Việt Nam. Trước đây, hoạt động cho vay tiêu dùng được coi là đắt đỏ, chủ yếu tín dụng đen khiến người tiêu dùng nói chung có cảm giác sợ hãi. Họ thường chỉ có hai lựa chọn, hoặc vay ngân hàng với một quá trình phức tạp, và nếu không thể, họ sẽ hỏi bạn bè hoặc vay nóng tại các cửa hiệu cầm đồ. Song đó là một dấu hiệu rất nguy hiểm cho bất kỳ nền kinh tế nào vì hoàn toàn vô tổ chức.

Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể khi ngày càng nhiều người dân thay vì đi vay nặng lãi đã tìm đến chúng tôi để được phục vụ nhu cầu tiền bạc ngay lập tức. Và trong 2 hoặc 3 năm qua, đã có khá nhiều nhà đầu tư tập trung vào công nghệ để thúc đẩy tài chính tiêu dùng. Ngày nay, các công ty tài chính đã có thể phê duyệt khoản vay trong vài giờ chứ không cần vài ngày. Còn nhớ "phố cầm đồ" ở đường Láng ngày xưa đầy rẫy các cửa hiệu cho vay nóng nhưng giờ đã hoạt động giảm đi rất nhiều.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 6.

Ông nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 và riêng mảng tín dụng tiêu dùng ra sao?

Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn có thể giữ được tăng trưởng như năm vừa qua. Riêng lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không cao như trước. Giai đoạn 2016-2017, ngành tài chính tiêu dùng đã tăng trưởng hơn 40%. Tôi không mong đợi một sự tăng trưởng lớn như vậy vào năm 2020, mặt khác tôi mong đợi một sự tăng trưởng từ khoảng 17% đến 20%.

 CEO PTFinane: Phương Tây cũng tặng quà cho nhau ngày đầu năm, nhưng lì xì tiền mừng tuổi của Việt Nam vẫn rất khác biệt! - Ảnh 7.

Còn với PTF thì sao?

Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng thị phần hơn nữa, và ra mắt sản phẩm đặc biệt.

Ông có định áp dụng kinh nghiệm từ công ty cũ sang nơi mới này?

Trên thực tế, Home Credit không phải là công ty lớn nhất, chỉ là công ty lớn thứ hai về vay tiêu dùng ở Việt Nam nhưng là công ty có mức độ rủi ro thấp nhất. Home Credit tổ chức kinh doanh rất khác so với các đối thủ trong ngành. Đó là điều tôi vô cùng tự hào. Và điều tôi học được ở Home Credit là quản lý rủi ro, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời và tổ chức công ty một cách đơn giản nhất có thể. Đó là những gì tôi muốn mang đến PTF.

Trong năm mới, ông kỳ vọng điều gì?

Năm 2020, tôi 40 tuổi – một mốc quan trọng trong đời người đàn ông. Tôi muốn tuổi 40 của mình sẽ trở nên trách nhiệm hơn, thay đổi được một số thứ trong cuộc sống. Nhưng hơn cả, tôi muốn mình có một năm thật yên bình và hạnh phúc.

Cảm ơn ông, chúc ông một năm mới nhiều thành công!

Theo Hồng Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM