CEO Payoo nói về chiến lược “Ít người, đánh ít mà đánh khó” và làn gió ngược của thanh toán điện tử giữa mùa đông suy thoái
Việc lựa chọn “chơi” với các ông lớn như Thế giới Di động, Haidilao, Uniqlo… nằm trong chiến lược Top-down (tập trung từ những doanh nghiệp lớn đi xuống) của Payoo – đơn vị hiếm hoi cung cấp giải pháp chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán từ thẻ ngân hàng đến các ví điện tử thông qua một kết nối duy nhất.
* Thế giới di động, Haidilao, Uniqlo… đều là doanh nghiệp lớn nhất nhì trong các mảng bán lẻ, F&B.. . Có vẻ Payoo chỉ “chơi” với các ông lớn?
Việc tập trung vào doanh nghiệp lớn hay SMEs là chiến lược riêng của mỗi bên. Nhiều đơn vị chọn hướng đi Top-down” (tập trung từ những doanh nghiệp lớn đi xuống) hay các bên khác lại chọn Bottom-up” (tiếp cận những doanh nghiệp nhỏ đi lên). Mỗi hướng đi đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Với những đối tác lớn, để kết nối được rất khó vì yêu cầu chất lượng đặt ra rất cao. Vào được thì khó nhưng khi thành công thì thành quả rất xứng đáng. Payoo chọn chiến lược đó vì là công ty công nghệ, chúng tôi không muốn duy trì đội ngũ đông đúc mà cần duy trì đội ngũ tinh nhuệ và có chiều sâu - “Ít người, đánh ít mà đánh khó”. Chúng tôi tự tin với sản phẩm, dịch vụ có chất lượng rất cao, Payoo sẵn sàng đáp ứng được những đối tác có yêu cầu phức tạp.
Ở chiều ngược lại, để tiếp cận các đối tác nhỏ thì dễ dàng hơn, nhưng đòi hỏi độ rộng phải lớn, nhân sự phải đông. Payoo cũng từng thử nghiệm đồng hành cùng những đối tác nhỏ và nhận thấy rằng, khi đối tác đưa dịch vụ ra thị trường đã không đạt các tiêu chuẩn theo kỳ vọng của Payoo. Do đó, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đi theo chiến lược đi từ trên xuống.
Tuy nhiên, về lâu dài thị trường phải được phục vụ hết. Hiện tại, Payoo cũng đang dần mở rộng đến các đối tác vừa và nhỏ, phát triển các giải pháp và dịch vụ mới phù hợp với SMEs và sẽ dần phục vụ các đối tác nhỏ hơn, trong khi các đơn vị chọn chiến lược Bottom-up cũng dần dà phục vụ đối tác lớn mạnh hơn để thị trường được phát triển tốt nhất.
Làn gió ngược của thanh toán điện tử
* Các doanh nghiệp ngoại sau khi mua lại các ví điện tử nội đã không tiếc “đốt tiền” để thu hút người dùng. 15 năm hiện diện trên thị trường, Payoo thu hút người dùng và tiếp cận đối tác ra sao?
Bản chất Payoo là giải pháp hỗ trợ thanh toán. Trong giấy phép về dịch vụ trung gian thanh toán, Payoo được cấp phép cho 4 dịch vụ: Ví điện tử, hỗ trợ chuyển tiền, hỗ trợ thu hộ chi hộ và cổng thanh toán. Payoo hoạt động trên một giải pháp thanh toán tổng thể, giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với cách mà họ đang làm.
Đơn cử, bản thân mỗi nhà bán hàng đều không phải chuyên gia về lĩnh vực thanh toán, trong khi đó thị trường thanh toán thì sôi động với rất nhiều phương thức mới ra đời, các nhà cung cấp dịch vụ cũng rất đa dạng với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Dễ dàng nhận thấy tại các cửa hàng thời trang hay ăn uống có đến 4 - 5 thiết bị thanh toán POS, hoặc vài loại QR code từ các ví điện tử khác nhau. Với nền tảng công nghệ và kiến thức của mình, Payoo hỗ trợ doanh nghiệp đơn giản hoá quá trình thanh toán phức tạp đó chỉ với một kết nối.
Kinh doanh trên thị trường, Payoo chọn hướng đi dễ trước là thanh toán hoá đơn vì tin tưởng thanh toán điện tử phải bắt nguồn từ những hành vi lặp đi lặp lại của khách hàng hằng ngày, từ những nhu cầu có thật của người dân. Khi đã thành công với thanh toán hoá đơn, xây dựng được một nền tảng công nghệ chất lượng, có sẵn mối quan hệ mật thiết với các đối tác đầu ngành sau những năm tháng hợp tác dịch vụ thu hộ, chúng tôi tự tin quay trở lại chinh phục đối tác bán lẻ với các giải pháp thanh toán mới.
Sau bán lẻ, Payoo cũng lấn sân thêm nhiều mảng mới. Tính đến nay, chúng tôi đã và đang phục vụ hầu hết các đối tác hàng đầu của rất nhiều lĩnh vực từ công nghệ, điện máy, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, F&B, xe máy, nhà thuốc, chăm sóc sức khỏe, spa làm đẹp,…
* Trong thời kỳ được cho là suy thoái hậu đại dịch, theo quan sát của ông, cách chi tiêu của người dân đã thay đổi ra sao?
Trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu và Mỹ, nền kinh tế đang bước vào một mùa đông suy thoái. Cắt giảm nhân sự diễn ra ở khắp nơi. Tại Việt Nam, do có độ trễ nhất định, chúng ta chưa thấy ảnh hưởng rõ rệt nhưng những tác động của nó cũng đã bắt đầu cụ thể hơn. Tại các khu công nghiệp, công nhân khó khăn vì bị cắt giảm đơn hàng do ảnh hưởng kinh tế chung toàn cầu, đặc biệt với các đối tác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Về ngành hàng dịch vụ như du lịch, ăn uống, sau đại dịch tuy có sự quay trở lại về khối lượng và giá trị giao dịch nhưng vẫn chưa đạt đến thời điểm trước dịch.
Cuối năm nay, nhìn chung người dân có sự cẩn trọng và dè dặt hơn trong tiêu dùng do nhiều cảnh báo kinh tế không sáng sủa như thời kỳ trước. Xét tổng thể, nền kinh tế tuy không có biến động mạnh nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Điều này xuất phát từ bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng từ nhiều mắt xích trong nền kinh tế, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng…
Tuy vậy, điểm sáng của thanh toán điện tử là sau rất nhiều nỗ lực của tất cả các bên liên quan, thị trường đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về lượt người sử dụng các phương thức thanh toán mới. Theo thống kê mới của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị...
Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành thanh toán sẽ phải viết lại chiến lược cho 2023
* Rất nhiều ví điện tử đều hướng tới câu chuyện cung cấp dịch vụ tài chính. Payoo thì sao?
Dịch vụ tài chính là một lĩnh vực quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước. Phục vụ cho thị trường này, bên cạnh Ngân hàng còn có các công ty tài chính tiêu dùng, các trung gian thanh toán, cùng hàng trăm công ty fintech khác đang hoạt động ở các dịch vụ ít liên quan đến dòng tiền hơn mà tập trung vào nền tảng công nghệ.
Đối với dịch vụ được cấp phép, Payoo tận dụng tối đa nguồn lực để triển khai trong phạm vi cho phép của nhà nước. Song song đó, chúng tôi kết hợp với ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng để cung cấp những giải pháp sáng tạo và hấp dẫn hơn cho thị trường nhằm phục vụ khách hàng của họ một cách thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các cơ chế sandbox cởi mở hơn, Payoo rất sẵn lòng mong muốn được tham gia trong những dự án mới.
* Ông nhìn nhận thị trường thanh toán năm tới sẽ ra sao? Câu chuyện đốt tiền có chấm dứt chưa khi thói quen dùng ví của mọi người đang dần hình thành?
Thị trường 2023 rất khó đoán. Với bối cảnh mới, chắc chắc các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ thường đổ nhiều tiền trong việc phát triển khách hàng sẽ xem xét lại chiến lược để có sự căn chỉnh phủ hợp hơn. Điều đó không có nghĩa là ai cũng bước lùi để dè chừng, mà sẽ có sự phân hóa nhất định.
Những doanh nghiệp xem đây là cơ hội sẽ tiếp tục đầu tư và đầu tư mạnh mẽ ko kém giai đoạn trước, dốc lòng chiến đấu để mở rộng thị phần khi xu hướng thanh toán điện tử đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ, giúp cho những giá trị mới, làn sóng mới, thói quen mới được hình thành.
Trái lại, những doanh nghiệp nhìn nhận bối cảnh chung của xã hội ẩn chứa nhiều rủi ro có thể điều chỉnh lại. Chiến lược 2023 sẽ được viết lại bởi những nhà lãnh đạo doanh nghiệp so với chiến lược họ đã định hình từ trước đến nay.
Nói về phương thức thanh toán được ưa chuộng, tôi cho rằng các phương thức ít tốn kém sự đầu tư, mang lại sự tiện lợi, hiệu quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2022 chúng ra đều nhìn thấy sự gia tăng nổi bật của hình thức thanh toán qua QR do ko cần đầu tư quá nhiều về nền tảng phần cứng. Thứ hai là thanh toán ko tiếp xúc cũng phát triển rất nhanh nhờ mang đến sự tiện lợi và an toàn cho khách hàng.
* Xin cảm ơn ông!