CEO Nguyễn Văn Tuấn: Giá cổ phiếu GEX chưa phản ánh đúng giá trị

26/04/2023 15:55 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex cho biết tập đoàn này đang tập trung vào tái cấu trúc gọn các mảng đầu tư và khẳng định giá cổ phiếu đang không phản ánh đúng giá trị nội tại.

CEO Nguyễn Văn Tuấn: Giá cổ phiếu GEX chưa phản ánh đúng giá trị - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của GEX

Sáng 26/4, CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng được thông qua.

Cụ thể, cổ đông Gelex đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.457 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.272 tỷ đồng, bằng lần lượt 117% và 61% so với thực hiện năm 2022.

Gelex cũng đã trình cổ đông thông qua việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 3,5 tỷ đồng; và không chia cổ tức năm 2022. Lợi nhuận sau thuế để lại trên BCTC riêng sau phân phối hơn 672 tỷ đồng. Năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15%, và ủy quyền cho HĐQT được quyết định mọi nội dung/vấn đề liên quan đến việc chi tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền nếu xét thấy việc tạm ứng này phù hợp với hoạt động của Công ty. Việc tạm ứng này có thể thực hiện thành một lần hoặc nhiều lần tùy theo quyết định của HĐQT.

Một nội dung khác được cổ đông thông qua là việc miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Hoa Cương và Phó Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Trọng Tiếu, xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đặc biệt, GEX sẽ không bầu bổ sung thành viên HĐQT mới để thay thế cho các thành viên từ nhiệm. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 điều chỉnh từ 7 thành viên xuống 5 thành viên.

Tập trung tái cấu trúc

Tại phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương cho biết trong quý 1, doanh thu thuần GEX đạt 6.410 tỷ đồng, giảm 13% so với quý 4/2022, bằng 37% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 144 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch 2023.

Trong đó, mảng thiết bị điện, doanh thu giảm 11% so với quý trước. Mảng vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tương đối nhiều trong quý 1, ước đạt giảm 30% cùng kỳ, nguyên nhân do sản lượng bán giảm, giá bán giảm. Riêng mảng lượng nước sạch có tăng trưởng so với cùng kỳ, doanh thu tăng 24% cùng kỳ.

Về vấn đề trái phiếu, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền cho biết tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ trái phiếu của Gelex ở mức 2.800 tỷ đồng. Trong đó, số dư trái phiếu được bảo lãnh nước ngoài ở mức 800 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, chủ yếu tài trợ cho dự án Điện mặt trời Ninh Thuận. Trái phiếu đáo hạn trong quý 2 khoảng 700 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ thu xếp trả đúng tiến độ.

Cũng theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền, Gelex đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác để tối ưu nguồn lực đầu tư, làm việc với các đối tác lớn và định chế tài chính. Lùi một bước để tiến hai bước trong lĩnh vực này.

"Gelex đánh giá 2023 là năm khó khăn thách thức. Công ty sẽ tăng cường quản trị rủi ro, bám sát diễn biến tình hình thị trường để hoàn thành mục tiêu đại hội cổ đông giao phó. Gelex không ưu tiên cho chỉ tiêu lợi nhuận, tập trung quản trị rủi ro, tái cấu trúc hiệu quả, đảm bảo các hệ số ở mức tốt nhất", Phó Chủ tịch HĐQT GEX nói.

Trong khi đó, CEO Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh tập đoàn sẽ tập trung vào thị trường nước ngoài, tái cấu trúc gọn lại các mảng đầu tư không thể mở rộng được nữa, không thể sử dụng đòn bẩy được nữa, và tìm cách cải thiện các chỉ số ROA (lợi nhuận thuần trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận thuần trên vốn chủ sở hữu).

"Lịch sử hình thành của Gelex rất khác biệt, từ doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa, đến năm 2015 thì cổ đông nhà nước thoái vốn toàn bộ. Cũng giống như cổ đông, tôi nhìn thấy giá trị cổ phiếu không phản ánh đúng với giá trị doanh nghiệp. Công sức cố gắng của mình chưa đạt được. Trong thời gian tới, với những hoạch định chiến lược về vị thế, tầm nhìn, quản trị của Gelex, chúng tôi tin rằng giá trị của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng", Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Theo Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM