CEO Huawei Việt Nam: Dư luận tiêu cực về Huawei thì nhiều nhưng cáo buộc cần có chứng cứ
Vào ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, CEO Huawei Việt Nam – ông Fan Jun, đã có buổi trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ, giữa cơn bão những thông tin tiêu cực về Huawei trên toàn cầu từ Mỹ.
Mỹ cáo buộc thiết bị do Huawei cung cấp có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động của người Mỹ và có thể cấm sử dụng thiết bị của Huawei ở thị trường Mỹ. Huawei đã có chuẩn bị gì trước tác động của nguy cơ này?
Đối với những việc chưa xảy ra, tôi rất khó để đưa ra ý kiến hoặc câu trả lời. Những dư luận tiêu cực về Huawei thì nhiều nhưng cáo buộc nghi ngờ với Huawei thì phải có chứng cứ.
Thị trường Mỹ rất lớn, Huawei chưa bao giờ muốn từ bỏ; và bất kỳ khách hàng ở đâu, chúng tôi bao giờ cũng có ý nghĩ là phải phục vụ tốt. Huawei sẽ tiếp tục trao đổi với chính phủ Mỹ vì bất cứ thị trường nào cũng cần những công nghệ sáng tạo. Còn hiện tại, hoạt động kinh doanh của Huawei trên thị trường vẫn ổn định, chưa bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó.
Như ở Mỹ, thị trường 5G mà không có sự tham gia của Huawei giống như một trận bóng rổ giải NBA mà không có ngôi sao. Nên lưu ý là với công nghệ 5G, chúng tôi đã có 26 hợp đồng thương mại với số trạm thu phát sóng bán cho khách hàng trên thế giới là hơn 10.000 – nhiều nhất trong số các nhà cung cấp 5G trên toàn cầu. Chúng tôi mong sẽ có một số thay đổi.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Huawei bị tác động như thế nào bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Ở Việt Nam, Huawei đang tăng trưởng dần dần. Tôi có thể tiết lộ một chút là doanh thu năm 2018 tăng khá nhiều so với 2017, đặc biệt ở mảng kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng, trong đó tập trung là smartphone. Đi ăn ở bên ngoài hoặc gặp khách hàng, khi nghe thấy tiếng chuông đặc trưng của Huawei ở xung quanh, tôi cảm thấy rất tự hào nhưng cũng hơi lo lắng một chút.
Về số liệu chính xác thì chúng tôi vẫn chưa có vì tập hợp dữ liệu vẫn chưa xong nhưng để thấy hoạt động của Huawei ra sao thì bạn có thể nhìn hoạt động tại văn phòng lúc này. Bây giờ đã là hơn 18h rồi mà nhiều nhân viên vẫn miệt mài làm việc.
Họ đang làm các hợp đồng với khách hàng đó dù hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của năm 2018. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có tinh thần phấn đấu rất cao nên Huawei phải chạy theo nhu cầu của khách hàng.
Mảng thiết bị viễn thông thông cung cấp cho các nhà mạng Việt Nam có đóng góp vào mức tăng trưởng cao về doanh thu của Huawei năm 2018 hay không?
Năm 2018, tăng trưởng cao chủ yếu đến từ kinh doanh hàng tiêu dùng. Chắc anh cũng nhìn thấy ở Hà Nội và TP. HCM có mở rất nhiều trung tâm chuyên bán đồ Huawei. Sang năm 2019, chiến lược kinh doanh có thể thay đổi, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và tư vấn với các nhà mạng Việt Nam, đồng thời tập trung phát triển mảng kinh doanh các giải pháp doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều này cũng phải dựa trên kế hoạch của khách hàng và sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ. Nhưng bất kể là như thế nào Huawei luôn nắm bắt cơ hội để cung cấp giải pháp, sản phẩm dịch vụ với chất lượng tốt nhất.
Ông có chia sẻ về việc Huawei đã ký được nhiều hợp đồng cung cấp 5G trên thế giới, vậy còn triển vọng tại Việt Nam trong những năm tới với công nghệ này thì sao?
5G là một công nghệ rất mới. Sự phát triển của 5G dựa vào 4 yếu tố: chính sách của một quốc gia, băng tầng, cơ sở hạ tầng cho ứng dụng, và nguồn nhân lực. Khi 4 yếu tố này sẵn sàng, 5G mới phát triển được. Chúng tôi nghĩ là thời gian phù hợp sẽ làm việc phù hợp.
Việc Viettel tuyên bố sản xuất thiết bị 5G có ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh công nghệ này của Huawei tại Việt Nam hay không?
Viettel là một khách hàng rất quan trọng với Huawei và chúng tôi cũng có nhiều hợp tác với họ. Chúng tôi cũng biết họ giỏi về công nghệ, với nguồn nhân lực tốt và lựa chọn tự nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G. Tuy nhiên, tôi không thể đưa ra ý kiến gì về việc này mà chỉ có thể nói rằng 2 bên sẽ cùng hỗ trợ và học tập lẫn nhau.
Trong quá trình tiếp xúc với Viettel, tôi thấy các kỹ sư của họ đầy tinh thần phấn đấu và ham học hỏi. Họ gây ấn tượng sâu sắc và tôi rất tôn trọng và rất muốn hợp tác với các khách hàng như vậy.
Chắc các bạn cũng giống như chúng tôi thôi, hợp tác với người giỏi và thành công thì sẽ rất tự hào. Những người giỏi hợp tác với nhau sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn. Còn nếu cạnh tranh với người kém thì thắng cũng chẳng vui lắm, còn thua nữa thì rất xấu hổ.
Giữa những cơn bão về tin xấu với Huawei khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, ông nhìn thấy điểm tích cực gì giữa tâm bão như vậy?
Đằng sau những anh hùng toàn là khó khăn, thử thách họ đã trải qua. Cũng có một câu khác là càng khó khăn thì khi vinh danh càng rạng rỡ và sau những khó khăn là phồn thịnh. Những câu này tôi toàn học từ bạn bè, đồng nghiệp người Việt Nam.
An ninh mạng là một vấn đề toàn cầu chứ không chỉ là công nghệ liên quan đến Huawei. An ninh mạng cần có sự hợp tác của chính phủ, bên thứ 3 và nhà mạng với người tiêu dùng, nhà sản xuất. Nếu tập trung vấn đề an ninh mạng vào một nhà cung cấp là cách làm không chuyên nghiệp.
Huawei đã phát triển trên toàn cầu hơn 30 năm rồi và chưa có sự cố an ninh mạng nghiêm trọng nào xảy ra. Năm 2018, doanh thu của Huawei trên toàn cầu là 108,5 tỷ USD tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Đây là sự ghi nhận và tin cậy của khách hàng với Huawei.
Và một điều ai cũng biết nhưng thường không để ý lắm, sau mùa đông lạnh giá là mùa xuân.
Trên thế giới, Huawei đã đứng thứ 2 về thị phần smartphone và cũng đặt mục tiêu đứng thứ 2 tại Việt Nam vào năm 2020. Tuy nhiên, thị phần ở Việt Nam của Huawei còn rất khiêm tốn (chưa đến 5%). Ông nghĩ gì về việc đó?
Đó là một sự thật. Mọi người đều có thể phạm lỗi và phạm lỗi thì phải tốn nhiều học phí. Có thể là trước đây chúng tôi chưa hiểu về thị trường Việt Nam. Nhưng giờ chúng tôi đặt mục tiêu là phải được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và yêu thích trước chứ không phải phát triển một quy mô lớn. Khi có nhiều người yêu thích Huawei rồi thì quy mô thị trường mới là mục tiêu tiếp theo.
Tôi xin tiết lộ là doanh thu mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei Việt Nam năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với 2017. Mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Huawei không chỉ có smartphone mà còn có nhiều thiết bị thông minh khác như máy tính, đồng hồ thông minh…
Trước đây Huawei từng chọn đại sứ thương hiệu là Sơn Tùng M-TP nhưng do một biến cố trên thị trường thì hợp tác này không tiếp tục. Còn hiện tại, Samsung và Oppo đã thuê hầu hết người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu ở VIệt Nam. Huawei sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Đó cũng là một sự thật nhưng tôi tin rằng, những người nổi tiếng không bị thuê hết, luôn luôn có những người nổi tiếng mới. Chúng tôi cảm ơn những người đại diện đã hợp tác, cống hiến cho Huawei và tôn trọng sự lựa chọn của họ vì đó là hành vi thương mại. Chúng tôi đang tìm kiếm những người phù hợp, chấp nhận văn hoá của Huawei và điều này nằm trong kế hoạch năm 2019.
Đến Việt Nam gần 1 năm, ông thấy những thách thức gì của Huawei tại đây?
Thứ nhất, đây là thị trường lớn, nhu cầu lớn. Làm sao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và hợp tác nhiều hơn với khách hàng. Thứ hai, tỷ lệ nhân viên Việt Nam tại Huawei đang là 75%, trong văn phòng đa phần là người Việt Nam.
Bản thân tôi cũng phải ra sức phấn đấu không thì một ngày nào đó sẽ bị thay thế bởi người Việt Nam rồi (cười). Chắc anh cũng biết việc đánh giá nhân viên của Huawei rất là khốc liệt, nếu mà mình không đạt mục tiêu, mình sẽ bị thay người.
Thứ ba là làm sao để thúc đẩy các nhân viên Việt Nam làm việc thật hiệu quả, cống hiến nhiều hơn cho công ty. Thứ tư là phải chạy đua với thời gian. Tôi luôn cảm thấy không có đủ thời gian.
Còn một vấn đề nữa là Huawei sẽ cởi mở hơn, đặc biệt là với nhà báo.
Một công ty nước ngoài khác cùng có chiến lược địa phương hoá như Huawei là Coca-Cola thì trong hàng nghìn nhân viên chỉ có chưa đến 3 người nước ngoài, còn Huawei là 25%. Ông nghĩ gì về những con số này và Huawei có lộ trình cho chiến lược bản địa hoá như thế nào?
Bản địa hoá là chiến lược của Huawei trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chúng tôi có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, tạo ra cơ hội làm việc cho nhiều người Việt Nam hơn. Bạn có thể ra xem giữa khu A và C của văn phòng Huawei có ảnh 10 nhân viên xuất sắc nhất của Huawei Việt Nam thì đều là người Việt.
Đến giờ này (khoảng hơn 18h – lúc diễn ra cuộc phỏng vấn) vẫn có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc và chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ tăng ca, cái này là họ tự tranh thủ nâng cao trình độ của bản thân, tự học tập và làm việc nhiều hơn mà thôi.
Bạn nói đến Coca-Cola có tính bản địa hoá rất cao, tôi nghi nhận điều đó. Nhưng ngành nước giải khát và công nghệ là khác nhau nên có chiến lược bản địa hoá cũng không giống nhau. Thế nhưng, bản địa hoá là chính sách của công ty Huawei rồi chứ không phải nói ra thôi, và chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện. Chắc chắn tỷ lệ người Việt Nam ở đây sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông có dự báo gì về triển vọng kinh doanh của Huawei tại Việt Nam trong năm 2019 trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng?
Môi trường chính trị quốc tế đang thay đổi rất nhanh và không ai dự đoán được tương lai như thế nào. Năm 2019 sẽ là một năm đầy thách thức, với môi trường bên ngoài thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Tôi cũng đọc một số bài báo nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn chuyển Việt Nam từ một quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp. Huawei cũng đi theo sự chuyển hướng của Việt Nam và tìm cơ hội hợp tác.
Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Huawei có gặp vấn đề gì không trong bối cảnh môi trường chính trị quốc tế biến đổi khó lường như vậy?
Huawei cũng gặp nhiều vấn đề, nhưng có vấn đề thì phải giải quyết thôi. Đối với tôi thì một vấn đề là trao đổi quá ít với các nhà báo. Khi các bạn hiểu rồi thì sẽ thấy Huawei không phải là một công ty bí ẩn, toàn là người phổ thông thôi.
Nhiều người vẫn nghi ngờ về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc trong cáo buộc với các thiết bị do Huawei cung cấp. Ông có tìm hiểu lý do vì sao họ lại nghi ngờ như vậy bởi "không có lửa, làm sao có khói"?
Đúng là nhiều người có suy nghĩ như vậy, nhưng tôi chưa có thời gian đi tìm hiểu và làm rõ điều đó. Chúng tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình và sự thực hay những ghi nhận từ khách hàng sẽ nói lên tất cả.
Chúng tôi vẫn là một công ty Trung Quốc và luôn tuân thủ hệ thống pháp luận quốc tế (của Mỹ, EU…) và pháp luật nước sở tại nơi mình hoạt động. Cạnh tranh thì luôn tồn tại và bây giờ chúng tôi rất quen với suy nghĩ của họ rồi.
Hoàng Ly – Ngọc Anh
Tuấn Mark
Hương Xuân