CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ

25/11/2019 09:05 AM | Sống

Founder/CEO ELSA Speak Văn Đinh Hồng Vũ đã chia sẻ rất chân thành về những trải nghiệm và bài học mà bản thân đúc kết được sau hành trình dài học tập – làm việc và khởi nghiệp ở trời Tây.

Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại tập đoàn Maersk để theo học Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và Giáo dục tại đại học Stanford (Mỹ) rồi sau đó khởi nghiệp với dự án có tổng vốn đầu tư hiện giờ lên đến 12 triệu USD - đó là tóm tắt ngắn gọn hành trình đáng ngưỡng mộ của Văn Đình Hồng Vũ – Founder (Nhà sáng lập) kiêm CEO (Giám đốc điều hành) của ELSA Speak, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh tích hợp công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) hot nhất hiện nay.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1.

Văn Đình Hồng Vũ – Founder (Nhà sáng lập) kiêm CEO (Giám đốc điều hành) của ELSA Speak


Chào chị, được biết trước khi chị sáng lập và điều hành ELSA Speak, chị từng có thời gian làm việc cho tập đoàn Maersk và sau đó theo học Thạc sĩ tại đại học Stanford. Vậy chị đã có được những trải nghiệm quý giá nào sau quá trình làm việc và học tập ấy?

Gần 3 năm làm việc tại trụ sở chính của Maersk ở Đan Mạch đã cho tôi cơ hội học hỏi và rèn luyện rất nhiều. Trước hết là về phong thái làm việc. Maersk là môi trường làm việc rất chuyên nghiệp và nghiêm túc. Dù cũng làm 8 tiếng một ngày nhưng đây là thời gian lao động thực sự năng suất. Nhân viên ở đây không dành nhiều thời gian để "tám chuyện" qua lại mà thay vào đó họ sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc tại Đan Mạch, tôi còn nhận ra nhiều điều ý nghĩa từ việc người dân đất nước này trân trọng chất lượng cuộc sống của họ. Nếu ở Việt Nam, không ít người đang bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của áp lực xã hội, cạnh tranh trong mù quáng vì những điều không xuất phát từ chính nội tâm. Thì với người Đan Mạch, họ sẽ chẳng quan tâm đến địa vị của bạn cao thấp ra sao, bạn giỏi dở hơn người khác thế nào mà chỉ chú trọng xem bạn có cảm thấy hạnh phúc khi làm việc hay không thôi!

Hiểu được điều đó đã giúp tôi giữ cân bằng trong cuộc sống. Ví dụ như khi đã cố gắng hết sức nhưng không cảm thấy hạnh phúc, tôi sẽ dừng lại và tự hỏi bản thân mình rằng làm điều đó có vì mình muốn không hay liệu việc đó có ích cho mọi người không, tránh chạy theo những danh hiệu hão huyền trong cuộc sống.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Lúc học tại đại học Stanford cũng cho tôi nhiều điều vô cùng quý giá. Được học cùng những người bạn và các vị giáo sư tài năng đã truyền cho tôi niềm cảm hứng lớn. Không những thế tại Stanford còn cho tôi empowerment (niềm tin, cảm hứng) để nghĩ xa hơn và mơ lớn hơn. Ví dụ trước khi đến Stanford, tôi chỉ nghĩ rằng mình rất nhỏ bé, việc xây dựng một công ty hay làm một điều gì đó có thể thay đổi thế giới là điều tôi hoàn toàn không thể thực hiện. Nhưng hai năm học tại đây đã thay đổi tư duy của tôi rất nhiều. Tôi đã hiểu được rằng không có gì nằm ngoài khả năng của mình cả, người khác làm được thì mình cũng làm được, chỉ cần bạn trả lời được câu hỏi là liệu mình có thực sự muốn làm và có đủ kiên nhẫn, sức bền để theo đuổi đến cùng không?

Chị có nghĩ rằng hai quan điểm giữa khi chị làm việc ở Đan Mạch và lúc chị học tại Stanford có mâu thuẫn, đối nghịch không?

Có chứ, nếu ở Đan Mạch, giá trị của sự hạnh phúc sẽ rất được chú trọng thì tại Stanford sẽ cho ta những niềm tin, cảm hứng thúc đẩy ta mơ những giấc mơ lớn. Mà để theo đuổi những điều to lớn ta phải cố gắng làm việc vất vả, cật lực hơn. Và có đôi khi sẽ bị cuốn vào những giấc mơ đó, bị mất phương hướng trong cuộc sống. Chính vì thế, theo tôi nên cần sự kết hợp giữa hai quan niệm này. Tức là, hãy nghĩ rằng bạn có thể làm điều gì cũng được miễn là bạn thực sự muốn và thấy hạnh phúc.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 3.

Theo chị, văn hóa làm việc tại các tập đoàn lớn có gì đáng học hỏi?

Theo tôi, tính trách nhiệm khi làm việc là điều rất đáng học hỏi ở văn hóa làm việc của phương Tây. Không cần biết bạn là nhân sự cấp thấp hay cấp cao, tất cả mọi người đều phải tự chịu trách nhiệm về công việc mà mình được giao. Đồng thời, sự tự do đóng góp ý kiến, ý tưởng sáng tạo để giúp công ty phát triển hơn cũng là điều ta cần nên cải thiện hơn.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 4.

Khi quyết định khởi nghiệp với ELSA, chị đã phải đối mặt với những khó khăn nào? Và chị đã vượt qua chúng ra sao?

Thứ nhất là về nguồn nhân lực. Tôi tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh và giáo dục nên đương nhiên tôi sẽ gặp hạn chế về mảng công nghệ. Thế nên tôi cần phải tìm kiếm một co-founder có chuyên môn trong lĩnh vực vực này để cùng nhau xây dựng ELSA speak. Mà để tìm được người có năng lực trong ngành ứng dụng AI vào giọng nói lại là điều khó khăn hơn.

Thứ hai, là những rủi ro trong công nghệ. Chúng tôi đã mất đến 9 tháng đầu chỉ để xây dựng nền tảng tích hợp AI (Trí tuệ nhân tạo) vào việc dạy phát âm tiếng Anh.

Về phương hướng khắc phục, tôi đặt ra mục tiêu cho mình là mỗi ngày phải tìm gặp và nói chuyện với ít nhất 5 người có chuyên môn trong lĩnh vực AI để ngỏ ý chiêu mộ cũng như xây dựng được network. Sau 6 tháng miệt mài đi tìm kiếm thì tại một hội thảo về công nghệ tại Đức, tôi đã gặp được co-founder của mình.

Anh ấy là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và rất được mọi người trong giới tôn trọng. Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì đã tìm được một người có cùng chung chí hướng, tài năng và có thể cùng chia sẻ những khó khăn trên chặng đường khởi nghiệp với mình.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 5.

Sau nhiều năm khởi nghiệp, chị được gì và mất gì?

Cái tôi được nhiều nhất khi khởi nghiệp là tôi đã có thể theo đuổi và biến ước mơ của mình thành sự thật. Như tôi từng chia sẻ với các bạn trẻ, chỉ cần bạn biết ước mơ của mình là gì thì bạn đã may mắn hơn một nửa dân số trên thế giới. Và khi đã biết được ước mơ của bản thân và có điều kiện để đi theo thì lại càng may mắn hơn.

Điều thứ hai mà tôi có được từ việc khởi nghiệp là kiến thức. Theo tôi, không ở đâu mà bạn có thể học hỏi nhanh bằng khi bạn khởi nghiệp. Bởi dù bạn có học giỏi rất nhiều môn ở trường đi nữa thì khi khởi nghiệp bạn cũng sẽ phải học thêm vô vàn những kỹ năng, chuyên môn khác. Tất nhiên nếu không học hỏi kịp thời bạn sẽ là người bị đào thải khỏi cuộc chơi. Bản thân tôi nhận thấy mình đã học được rất nhiều điều mà nếu tôi làm việc như bình thường thì sẽ không có được.

Điều thứ ba là tôi có thể đem lại những thay đổi lớn cho xã hội. Khi bắt đầu dự án tôi đã đặt sứ mệnh của ELSA speak là giúp 1 tỷ người trên thế giới nói tiếng Anh tốt hơn. Để từ đó tôi mong muốn rằng sẽ không ai vụt mất cơ hội của mình vì kỹ năng Anh ngữ yếu.

Còn nếu mất thì theo tôi đó đúng hơn là sự đánh đổi. Đương nhiên khi dấn thân khởi nghiệp, tôi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức,... và đồng thời đối mặt với không ít áp lực. Nhưng hơn hết, tôi đã được sống với ước mơ của mình.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 6.

Là một startup nữ, chắc rằng sẽ có lúc chị bị dồn ép bởi những áp lực, thách thức, vậy khi ấy chị cảm thấy thế nào? Liệu chị có cho phép mình được yếu đuối, cần được chở che như thuộc tính thường thấy ở một người phụ nữ?

Là một nữ giới khi khởi nghiệp chắc rằng tôi sẽ không tránh khỏi những định kiến xã hội. Người ta có thể hoài nghi về năng lực và tầm nhìn của tôi. Nhưng việc của tôi là chứng minh cho họ thấy khả năng thực sự của mình.

Tôi cho rằng khi muốn khởi nghiệp thành công thì trước hết cần phải có một đội ngũ hậu phương vững chắc. Ý tôi muốn nói ở đây là một người khởi nghiệp cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía gia đình, người thân, bạn bè hay những cố vấn. Bởi vào những khi thất bại hay chán nản nhất thì họ sẽ là chỗ dựa tinh thần yên bình.

Theo tôi, việc chọn chia sẻ những khó khăn của bản thân với ai và vào thời điểm nào rất quan trọng. Chúng ta không thể cứ luôn tỏ ra là mình ổn và mạnh mẽ. Đôi khi cũng nên bày tỏ một vài điều khiến mình trăn trở với nhân viên để thúc đẩy họ cùng cố gắng đưa công ty đi lên. Hay có thể tỏ bày cùng chồng/vợ để thấy nhẹ lòng hơn. Nhưng đừng đem toàn bộ chuyện công việc của mình về nhà, như thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực trong cuộc sống. Thế nên hãy chọn đúng người - đúng thời điểm để chia sẻ những nỗi niềm trong lòng mình.

Mới đây, tổ chức EF đã xếp hạng năng lực tiếng Anh của Việt Nam tụt 11 bậc, chị nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng điều này không có nghĩa là người Việt Nam nói tiếng Anh tệ đi mà là chúng ta đang bị tụt lại do năng lực sử dụng Anh ngữ của các nước khác đang đi lên. Theo tôi quan sát, nhiều bạn trẻ hiện nay còn khá lơ là trong việc trau dồi vốn tiếng Anh của mình và điều đó sẽ khiến các bạn vụt mất nhiều cơ hội. Tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa có vai trò lớn trong việc thay đổi tích cực bộ mặt của một đất nước, tạo ra nhiều cơ hội phát triển, hội nhập cùng quốc tế hơn.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 7.

Theo đánh giá của chị, người Việt yếu kỹ năng nào nhất trong tiếng Anh?

Tôi nghĩ người Việt chúng ta còn yếu ở kỹ năng nói và nghe. Khi phát âm không đúng sẽ dẫn đến không nghe ra. Điều này xuất phát từ việc học sinh thiếu điều kiện được nói và luyện nghe tiếng Anh. Nhiều bạn trẻ khi gặp người nước ngoài thì e sợ, không dám bật lên được vài từ sau quá trình mười mấy năm học tập. Các bạn cần phải nghĩ được điều mình muốn nói bằng tiếng Anh thì các bạn mới nói tốt được. Không nên chuyển nghĩa từ tiếng Việt sang Tiếng Anh vì sẽ gây chậm một nhịp khi giao tiếp cũng như khiến diễn đạt bị sai lệch. Tôi cho rằng việc sử dụng tốt  Anh ngữ không phải xuất phát từ sự thông minh mà nó đạt được nhờ quá trình luyện tập. Người học cần phải "tắm" mình trong tiếng Anh, luyện tập nhiều và thường xuyên thì mới có thể thành thạo được.

Nếu chỉ học tiếng Anh qua ELSA speak thôi thì theo chị đã đủ chưa?

ELSA Speak là một công cụ luyện phát âm hiệu quả chứ không phù hợp trong việc luyện tiếng Anh học thuật hay dạy từ căn bản nhất.

Hiện ELSA đang sử dụng tiếng Anh giọng Mỹ, vậy theo chị đây có phải là một sự bất cập dành cho những ai muốn luyện theo giọng Anh hoặc theo cả hai giọng này?

Theo tôi dù là giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ thì chỉ cần khi giao tiếp người nói và người nghe hiểu nhau là được. Trên thực tế, trong các kì thi học thuật như IELTS chẳng hạn thì giám khảo sẽ không trừ điểm bạn chỉ vì bạn sử dụng giọng Mỹ.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 8.

Ở thời điểm hiện tại trên thị trường cũng có một số nền tảng/ứng dụng luyện phát âm, giao tiếp tiếng Anh nhưng với phương pháp học trực tiếp với người nước ngoài giúp người học tự tin khi sử dụng Anh ngữ. Trong khi với ELSA thì người học phải học với máy. Theo chị đây có phải là điểm hạn chế của ELSA Speak?

Tôi cho rằng khi học giao tiếp với người nước ngoài những mặt tích cực thì cũng có một số điểm hạn chế nhất định. Thứ nhất là chưa chắc tất cả người nước ngoài đều phát âm tiếng Anh chuẩn. Thứ hai, không thể đảm bảo rằng họ có khả năng dạy phát âm tốt. Bởi để có thể hướng dẫn người học phát âm tiếng Anh chính xác, người dạy cần có kiến thức hay là những chuyên gia về ngữ âm học. Thứ ba, họ sẽ không có thời gian để dừng lại chỉnh từng âm cho học viên.

Đương nhiên nếu có một công cụ tự luyện tiếng Anh và có thêm một người bạn bản xứ nữa để trao đổi thì sẽ là điều hoàn hảo.

Chị có thể chia sẻ những dự định phát triển trong tương lai của ELSA là gì không?

ELSA speak sẽ phát triển thêm tính tương tác của cộng đồng người học cũng như sẽ xây dựng thêm các bài học để người đọc không chỉ nói đúng mà còn phải biết chọn thứ đúng để nói. ELSA sẽ cố gắng trở thành một người bạn giao tiếp với người học, giúp người học cải thiện phản xạ tự nhiên khi giao tiếp của mình.

Ngoài ra trong năm 2020 chúng tôi cũng sẽ tung ra nhiều sản phẩm dành cho đa dạng các lứa tuổi.

Hỏi một chút về bản thân, chị nghĩ mình là người thế nào?

Tôi nghĩ mình là một người sống hết mình vì đam mê và làm việc rất nghiêm túc. Với tôi đam mê là thứ quan trọng nhất và cho tôi nhiều năng lượng tích cực. Tôi quan niệm rằng khi người khác giao việc cho mình thì trách nhiệm của bản thân là phải làm tốt hơn kỳ vọng của người đó. Không phải chỉ xem mức độ quan trọng của công việc mà làm vì nếu nhỡ một công việc nhỏ nhưng sơ suất thì cũng sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 9.

Với khối lượng công việc khủng, chị có thường xuyên đối mặt với stress?

Tôi nghĩ tôi biết giới hạn chịu đựng căng thẳng và khả năng đảm nhiệm công việc của mình đến đâu nên một khi đã cảm thấy quá sức thì tôi sẽ ngưng để lấy lại cân bằng cho bản thân. Với tôi, không nên đưa ra những quyết định khi không vui vì chúng có thể dẫn đến những hậu quả trầm trọng hơn.

Chị có thể bật mí đôi chút về gia đình của mình được không?

Chồng tôi cũng có một công ty khởi nghiệp riêng nên cũng rất hiểu những khó khăn của tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được chồng ủng hộ và chia sẻ trong những bước đường khởi nghiệp.

Chị nghĩ sao về việc khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay?

Tôi cho rằng rất đáng hoan nghênh tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ, các bạn đã dám ước mơ, dám đi theo hoài bão của mình. Thế nhưng điều tôi khá lo lắng là liệu các bạn có đang khởi nghiệp theo phong trào hay không? Các bạn cần có đủ sự trưởng thành, sự đầu tư các nguồn lực và cả ý chí quyết tâm rất lớn trên chặng đường dài phía trước. Hãy nên đi làm để tích lũy cho mình thêm kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết trước khi khởi nghiệp. Và hơn hết là sự đam mê phải luôn hiện hữu bên trong các bạn.

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 10.

Cuối cùng, chị có lời nhắn nhủ gì dành cho những người trẻ Việt Nam đang có khát vọng vươn tầm thế giới?

Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng hãy đừng chạy theo những áp lực xã hội vì như thế các bạn sẽ đi sai mục đích và lý tưởng thực sự của bản thân. Hãy dừng lại để tự hỏi mình rằng điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, nó sẽ giúp bạn chọn được hướng đi đúng. Phải hiểu mình là ai và xem điều mình làm có phù hợp với những giá trị đang có không. Đừng để thành công xuất phát từ những áp lực của xã hội mà hãy để nó là sự thỏa mãn mục tiêu, mơ ước của mình trong hạnh phúc!

CEO ELSA - ứng dụng học Tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Khả năng Tiếng Anh của người Việt đang bị tụt hậu trong khi các nước khác phát triển mạnh mẽ - Ảnh 11.

Xin cảm ơn chị vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn!

Theo LÊ HUY - ẢNH: ANHK KHOA - THIẾT KẾ: HÀ MĨ

Cùng chuyên mục
XEM