CEO Công ty Văn hóa Văn Lang: Một cuốn sách hay có thể cứu con người ở tận cùng đau khổ

02/07/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Đại gia trong giới làm sách tư nhân ở TP.HCM có thể đếm trên đầu ngón tay, vợ chồng cùng gắn bó, đồng cam cộng khổ với nhau trong một lĩnh vực kinh doanh hết sức đặc thù này lại càng hiếm hoi. Nói về vợ mình, ông Vũ Đình Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Văn Lang giọng đầy trìu mến: “Thành công của Văn Lang không phải do tôi mà 99% là sự góp sức của... vị này đấy!”.

Bắt đầu từ hiệu sách Phụ nữ trực thuộc chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ tại TP.HCM, chàng sinh viên đại học Văn khoa Sài Gòn Vũ Đình Hòa đã cùng cô giáo dạy văn Kiều Minh Phụng gầy dựng nên công ty Minh Trí, tiền thân của Văn Lang.

Tiếp cận với thế giới sách cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo ấn tượng với hơn 100 đầu sách văn hóa, triết học, nghiên cứu, lịch sử… Văn Lang là nhà đầu tư hiếm hoi kiên định với con đường làm sách nghiêm túc, chất lượng cao, hướng đến độc giả trí thức và giới trẻ ham hiểu biết.

Những tác phẩm đồ sộ như Lịch sử triết học phương Đông, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Thiền luận, Kinh dịch, Truy tầm triết học, Hành trình cùng triết học, Câu chuyện triết học… là những cú “đột phá” tạo nên tên tuổi Văn Lang, và được VTV1 chọn để giới thiệu trong chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách”.

Khởi nghiệp từ những ngày đất nước còn khó khăn, hai vợ chồng bà đã đồng cam cộng khổ thế nào trong bước đi đầu tiên từ hai bàn tay trắng để tạo dựng tên tuổi trong ngành sách đầy thách thức?

Thực ra tôi với anh Hòa đều là người đam mê triết học, văn chương. Ngày xưa mượn được một cuốn tiểu thuyết trao tay từ người này sang người khác là quý lắm rồi, phải đọc ngấu nghiến để kịp trả lại cho người ta. Anh Hòa quen một ông chú có thư viện sách rất lớn, chỉ có anh chú mới cho mượn sách, mỗi lần mượn là phải ký nhận vào sổ, vì chú sợ… không trả lại! Mình khát khao sách thế nào thì mình nghĩ người ta cần sách như thế, nên đi theo con đường này. Dẫu biết con đường này rất chông gai, nhưng vốn là người miền Trung, hai vợ chồng rất chịu khó vươn lên trong sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Bước vào ngành sách từ 1983, thời đất nước chưa mở cửa, việc xuất bản sách lệ thuộc vào cơ chế Nhà nước, vợ chồng tôi đã gắn với Nhà xuất bản Phụ nữ với hiệu sách đầu tiên trên đường Alexandre de Rhodes. Giai đoạn khó khăn nhưng con đường còn trống, chưa ai đi. Đầu tiên chuyên về tiểu thuyết trong và ngoài nước, tiểu thuyết dịch. Mỗi cuốn sách ra đời là cả một sự kiện, in ấn mất cả tháng trời, nhưng mỗi lần xuất bản từ 50-70 ngàn bản, người phát hành chực chờ trước cổng, đăng ký sẵn hết rồi, vui lắm. Mỗi đầu sách số lượng in rất cao, nên số tiền đầu tư tính ra mấy cây vàng.

Tôi nhớ mãi những ngày đầu tiên bỏ dạy học ở Quảng Ngãi theo anh Hòa vào Sài Gòn, hai vợ chồng chở sách trên chiếc xe đạp cà tàng phát hành tới các kiot. Thời gian đầu bỏ dạy nhớ trường, nhớ học trò lắm.

Kết hợp giữa thị trường đang cần lượng sách lớn, ngay từ đầu anh Hòa quan niệm không chạy theo thị hiếu chung chung. Khi đã nổi tiếng về mảng sách tiểu thuyết, mọi người lại chen chân vào, anh rút vào hậu trường, tìm con đường khác ít ai khai thác là sách triết học, từ đó nhiều người gọi anh là “Hòa triết học”, dù có cuốn bán 10 năm chưa hết, mỗi lần in chỉ 500-1.000 cuốn. Bây giờ Văn Lang lại tập trung khai thác mảng sách nghiên cứu, tôn giáo, tâm linh, thiền học… Có lẽ vì thế mà nhiều người nhìn nhận Văn Lang toàn sách cho… ông già!

Và chính bà lại đảm nhận vai trò bổ sung cho ông xã, để trẻ hóa Văn Lang?

Tôi luôn góp ý với anh ấy phải theo thị hiếu cung cầu của thị trường. Nếu thuần túy sách triết học sẽ rất hạn chế trong kinh doanh. Song song mảnh sách tâm linh, Văn Lang hiện có rất nhiều sách về kỹ năng sống, sách chuyên môn như hội họa, nấu ăn…

Để có được những đầu sách nền tảng về triết học, tâm linh, ông bà đã nhiều lần hy sinh mục tiêu trước mắt?

Có sách làm lỗ, không phải cuốn nào cũng lời. Quan niệm làm 10 cuốn trong đó huề hoặc lỗ 30%, giải quyết dòng tiền trước mắt bằng vòng tròn khép kín từ xuất bản, mua bản thảo trong ngoài nước, mời dịch giả đủ tầm dịch, về biên tập, dàn trang, có đội ngũ thiết kế phù hợp với cuốn sách… Để đi được đoạn đường từ A-Z, từ xuất bản đến khâu in ấn, phát hành… thuận lợi mình có hệ thống phát hành từ Bắc chí Nam đã quen mấy chục năm nay.

Hồi xưa hệ thống phát hành sách của các tỉnh thành rất mạnh, tất cả đều bán sách của Văn Lang. Giờ các hệ thống phát hành sách Nhà nước chỉ cón Fahasa sống được, còn ngoài Bắc … chết hết rồi. Nhưng may mắn mình có hệ thống nhà sách riêng nên bảo đảm lượng tiền mặt hàng ngày. Văn Lang cũng là nhà sách bán lẻ đầu tiên có máy lạnh từ 1997, trước cả Fahasa, đó là hệ thống an toàn thu hồi vốn.

Nhưng bây giờ mọi thứ thay đổi hết rồi, thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt giữa thế hệ già và thế hệ trẻ trong ngành sách. Lớp trẻ cập nhật nhanh lắm, từ cách làm sách, PR, tổ chức sự kiện, chăm sóc khách hàng, và quan trọng là theo kịp thị hiếu bạn đọc trẻ rất phức tạp. Văn Lang phải vừa cố gắng duy trì hệ thống khép kín của mình, vừa bán sách qua mạng để theo kịp xu thế xã hội, nếu không sẽ chững lại hoặc bị đẩy lùi. Nhiều cuốn ngôn tình mình đọc không cảm hứng gì cả mà người trẻ lại thích, toàn ngôn ngữ mạng, không còn tư duy kiểu truyền thống nữa…

Tôi cũng đang nghiên cứu thị trường kỹ, vẫn giữ mảng sách mình đang mạnh là kỹ năng sống, kinh doanh, không dành thị phần cho người khác. Tre già măng mọc, mình cũng phải dựa trên sự phát triển xã hội để gầy dựng ê kíp năng động, trẻ trung, thời thượng hơn… Ngày xưa người chọn sách chủ yếu là anh Hòa và tôi, may mắn có đội ngũ biên tập tốt, anh Phan Đan là “từ điển sống” của công ty, cái gì không biết hỏi anh là ra ngay.

Trong thời buổi mà người người dịch sách, nạn dịch ẩu, dịch sai tràn lan… ông bà đã tốn nhiều công sức để tìm người dịch, biên soạn, hiệu đính rất cẩn trọng những cuốn sách giá trị?

Đó là “bệnh nghề nghiệp” của người làm sách. Trong ngành xuất bản, không ai có thể nói mình hoàn hảo 100%, nhưng cuốn Từ điển y học Dorland Anh- Việt chỉ riêng việc mua bản quyền cũng mất mấy năm trời, rồi phải quy tụ đội ngũ bác sĩ đầu ngành để dịch thuật, dò morat cũng mất mấy năm trời. NXB nước ngoài còn đòi hỏi phải có đối chiếu hai bản dịch, họ OK mới được in. Cuốn này đã mang về cho Văn Lang Giải vàng Sách hay. Năm vừa rồi bộ Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki cũng được Giải vàng Sách hay.

Cuốn Triết học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục 10 năm nay mới in lại, thời đó đâu có dễ, ông Nguyễn Đang Thục là người miền Nam nên rất khó xin giấy phép. Đây là bộ sách dẫn luận rất gai góc, “chua cay” lắm mới tìm ra dịch giả để dịch cuốn này, nhờ anh Phan Đan biên tập tốt nên hiệu ứng rất khả quan.

Vợ chồng tôi dồn tất cả tâm huyết để theo đuổi dòng sách triết học, bởi sách xưa là làm gốc cho con người, còn sách nay phần lớn chỉ là để giải trí, không xây dựng được tư chất con người. Tất nhiên sách giấy sẽ bị cạnh tranh, chiếm thị phần, nhưng tôi tin sách mạng không đánh gục được sách giấy, vì sách giấy mang lại sự nghiền ngẫm, suy nghĩ thú vị.

Văn Lang cũng đã từng phải đối diện với nạn in lậu, vi phạm bản quyền kéo dài làm tổn hại không nhỏ đến doanh thu?

Đã từng bị rất nhiều, cũng đã từng cùng các nhà sách tư nhân khác theo dõi tận nơi, bắt quả tang người in lậu, nhưng cuối cùng cũng… không được gì! Nguyên nhân sâu xa chính là cơ chế quản lý pháp luật quá lỏng lẻo. Thời làm sách tin học, sách chứng khoán, Văn Lang bị in lậu hoài, anh Hòa từng phải “ra chiêu”, chống lại in lậu bằng cách cho giá bìa… dưới giá thành luôn, họ thấy giá đó không thể in lậu được nữa. Nhưng chỉ lâu lâu “đánh” từng cuốn hot thôi, làm hoài sập tiệm còn gì. Còn về lâu về dài, chống sách lậu, sách độc hại là trách nhiệm của người quản lý văn hóa, còn mình đứng ra không làm nổi.

Bên cạnh đó, ngành phát hành chưa đồng tâm hiệp lực để đẩy thị trường lên, càng nhiều người làm, giá sách càng cạnh tranh, vì yêu nên theo nghề thôi, còn để làm giàu bằng nghề này thì xa vời quá. Cũng là cái nghiệp nữa, chỉ cần ở nhà hai, ba ngày thôi lại thấy buồn, đến công ty đọc sách, duyệt bìa, tự nhiên thấy khỏe.

Bà Kiều Minh Phụng và chồng - ông Vũ Đình Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Văn Lang.
Bà Kiều Minh Phụng và chồng - ông Vũ Đình Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Văn Lang.

Ông Hòa từng nói “Tặng sách là tặng văn hóa”?

Tôi thấy mình giàu có nhất là gieo được ánh sáng mở tâm hồn mọi người qua những trang sách thôi. Nghề nào cũng vậy, thiên thời địa lợi nhân hòa, biết hài hòa giữa cung và cầu thì thành công vẫn mỉm cười với mình.

Tôi nhớ mãi một người bạn gái đang thất vọng vì ông chồng “ngoài luồng”, suy nghĩ rất tiêu cực, chỉ muốn đi tu và tự tử vì bị phụ tình. Tôi tặng cô ấy cuốn sách nói về khủng hoảng gia đình. Đọc xong, cô ấy như thấy một con đường sáng, biết cái gì có thể tha thứ, bỏ qua nhẹ nhàng như lật bàn tay, thì cuộc sống sẽ hạnh phúc cho gia đình và cho chính mình. Một cuốn sách hay có thể cứu một người ở tận cùng bóng tối mà chưa chắc bác sĩ tâm lý nào có thể khơi dậy được. Sau đó gia đình cô hòa thuận trở lại. Làm thế nào để khơi dậy ham mê đọc sách trong thế hệ trẻ bây giờ là điều tôi theo đuổi, để giúp họ vượt qua những khủng hoảng cá nhân.

Trong một công ty mà chồng làm Chủ tịch HĐQT, vợ làm Tổng giám đốc, làm thế nào để “trong ấm, ngoài êm”, dù hai người tính cách đều rất mạnh mẽ?

Trong quản trị tất nhiên có sự khác biệt, mỗi người phải tự suy nghĩ, xem cái gì đem lại ích lợi chung. Anh Hòa luôn khai thác mảng sách nặng ký, còn tôi khai thác mảng sách nhẹ nhàng hơn, vốn ít hơn. Những lúc anh phiêu lưu quá, mình cũng sốt ruột, “nổ ầm ầm”, nhưng sau đó cả hai ngồi lại với nhau, chia sẻ nhẹ nhàng hơn. Người nào cũng phải thấy cái sai cái đúng của mình, để lắng nghe nhau…

Về dòng tiền, hầu hết tôi giao cho anh Hòa, vì tôi nghĩ phụ nữ hay buộc chặt, nhưng “có phúc làm quan có gan làm giàu”, tôi nhường phần đó cho anh Hòa, chỉ biết trên con số thôi. Thế cho nhẹ nhàng. Vả lại tôi thấy anh ấy… cũng đáng tin cậy nên mới giao.

Điều gì bà thích nhất, và… ghét nhất ở chồng mình?

Anh Hòa tính hơi gia trưởng, độc đoán, nhưng tôi bị… đánh gục bởi đức tính khác tốt đẹp hơn. Anh thường đánh giá mọi việc rất tinh tế, trên 90% hiệu quả. Trong cuộc sống hàng ngày, anh chăm sóc cha mẹ của cả hai bên như cha mẹ ruột, con lớn có gia đình rồi mà ngày cha gọi cho con một lần là ít nhất. Thực phẩm chức năng anh chia kỹ cho từng người, chăm sóc từng người. Anh thích chăm sóc cho người khác chứ không thích người khác chăm sóc cho mình.

Điều anh coi trọng nhất là uy tín và tình cảm. Nói tới Văn Lang là nói đến sự tin cậy. Bố mẹ anh mất sớm lúc anh 14 tuổi, anh phải tự học để dạy kèm cho người ta lấy tiền sinh sống, rồi phải vào Sài Gòn học triết học văn chương, đói khổ tạo sức vươn lên cho một con người.

Trong cuộc sống vợ chồng, nên chọn cái hay của người khác làm cái phao gắn kết, cái dở nên tha thứ, bao dung. Anh ấy vừa là sếp, vừa là ông xã, là sợi chỉ hồng để gắn kết với nhau, phải loại trừ cái không vừa ý để kết hợp, tạo sự ôn hòa với nhau. Sống vui với gia đình tứ đại đồng đường, tính anh Hòa thương vợ thương con, luôn bao bọc, gần gũi ba đứa con gái, đó là điều tuyệt vời nhất.

Niềm vui của ông bà ngoài kinh doanh là gì?

Là một doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa, tôi luôn ý thức về các giá trị đạo đức và tinh thần, luôn gìn giữ bổn phận và trách nhiệm công dân gắn với cộng đồng, với đất nước. Tham gia tích cực vào hoạt động của Hội doanh nghiệp Bình Thạnh, Hội Khuyến học Bình Thạnh, Hội Đồng hương Quảng Ngãi, Câu lạc bộ “Về với quê mình” Quảng Ngãi…

Làm từ thiện không những là niềm tự hào về lẽ sống tốt đẹp mà còn là nét truyền thống văn hóa của Văn Lang kể từ khi khởi nghiệp. Tham gia, tổ chức thiện nguyện cho người nghèo trong dịp Tết, cho bò người nghèo ở quê hương và tặng quà cho hàng ngàn người nghèo nơi mình kinh doanh là quận Bình Thạnh suốt nhiều năm qua. Về quê, hay gặp dân Bình Thạnh, nói tới anh Hòa người dân thương lắm.

Theo Kim Yến

Cùng chuyên mục
XEM