CEO Base Phạm Kim Hùng: "Gương mặt vàng làng Toán" một thời và chặng đường đi tìm lời giải tốt hơn cho các bài toán hiện hữu của doanh nghiệp Việt

28/11/2019 09:16 AM | Kinh doanh

Đạt thành tích cao trong lĩnh vực Toán học và có tương lai rộng mở ở Mỹ sau khi tốt nghiệp ĐH Stanford danh giá, nhưng Phạm Kim Hùng lại tìm thấy hướng đi cho riêng mình ở quê nhà: xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp, cung ứng hệ thống phần mềm quản trị hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Đoạt cú đúp huy chương tại 2 kỳ thi Olympic Toán quốc tế, rồi giành suất học bổng toàn phần tại ĐH Stanford danh giá, tác giả cuốn sách "Sáng tạo bất đẳng thức" được xuất bản bằng 4 thứ tiếng trên thế giới, Phạm Kim Hùng được cộng đồng Toán học trong nước thời đó biết đến rộng rãi với danh hiệu "chàng trai vàng trong làng Toán".

Nhưng trái với nhiều du học sinh tài năng khác, sau khi tốt nghiệp Stanford năm 2013, Phạm Kim Hùng từ bỏ tất cả cơ hội tại Mỹ để về nước khởi nghiệp. Năm 2016, Phạm Kim Hùng sáng lập ra Base.vn, đây là nền tảng SaaS đầu tiên trong khu vực được xây dựng để thống nhất quá trình quản trị và điều hành doanh nghiệp từ nhân sự, quản lý công việc, quản trị tài chính cho đến sales-marketing, hiện có 3000 khách hàng doanh nghiệp trong nước.

Giữa năm 2019, Base gọi vốn thành công từ quỹ Nextrans Hàn Quốc, quỹ thứ 5 tham gia đầu tư vào startup công nghệ này sau Beenext, Alpha JWC, VIISA và 500 Startup. Trước đó Base công bố đã nhận được 1,7 triệu USD sau 2 lần gọi vốn đầu tiên và đang dừng lại ở vòng Pre-Serie A.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Nhà sáng lập kiêm CEO Base Phạm Kim Hùng để hiểu rõ hơn về nền tảng SaaS, cách thức vận hành của các phần mềm quản trị doanh nghiệp, cũng như những dự định mà đội ngũ startup này đang ấp ủ trong tương lai.


Đi tìm lời giải tốt hơn cho những bài toán hiện tại

CEO Base Phạm Kim Hùng: Gương mặt vàng làng Toán một thời và chặng đường đi tìm lời giải tốt hơn cho các bài toán hiện hữu của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Anh Phạm Kim Hùng - sáng lập kiêm CEO BASE Enterprise.

* PV: Chào anh Hùng. Base đã trở thành nền tảng SaaS phục vụ 3.000 khách hàng doanh nghiệp, gọi được vốn hàng triệu đô từ 5 quỹ đầu tư đình đám chỉ sau 3 năm thành lập. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về SaaS, cũng như ý tưởng cho nền tảng Base.vn đã đến với anh như thế nào?

- Anh Phạm Kim Hùng: SaaS, viết tắt của Software-as-a-Service - dịch vụ phần mềm, thực ra là một khái niệm đã phổ biến trên thế giới từ nhiều năm nay. Điểm đặc biệt quan trọng của SaaS là tập trung giải quyết những bài toán kinh điển, nhằm tìm ra lời giải tốt hơn cho người dùng thay vì đi tìm một bài toán mới hoặc cố gắng hình thành nên một nhu cầu mới trong xã hội.

Các bài toán mà doanh nghiệp gặp phải cũng tương tự vậy, nó là những "nỗi đau" đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa có một lời giải tối ưu nào. Chúng ta sẽ không quẩn quanh trong câu chuyện khách hàng gặp vấn đề gì, bởi vì vấn đề thì ai cũng thấy rõ, chỉ là liệu có lời giải nào tốt hơn cho những bài toán hiện tại hay không? Chúng ta cần tập trung vào việc làm sao để mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng.

Với B2B SaaS thì càng không phải là những phần mềm đánh vào cảm xúc hoặc khơi gợi sự tò mò thích thú. Chúng ta cần bàn đến câu chuyện: Vậy thì rốt cục nó giải quyết được vấn đề gì, tháo gỡ được khó khăn nào của doanh nghiệp, thậm chí nó giúp họ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, tối đa được bao nhiêu nguồn lực, có giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn không?

Đó là những câu hỏi khởi nguồn cho ý tưởng hình thành nên nền tảng Base, và chúng tôi được quyền nghĩ nhiều hơn về những giá trị mình mang lại.

SaaS tập trung giải quyết những bài toán kinh điển, nhằm tìm ra lời giải tốt hơn cho người dùng, thay vì đi tìm một bài toán mới hoặc hình thành một nhu cầu mới.

* Thú thực với anh là tôi và có lẽ nhiều người vẫn chưa hiểu nhiều về mô hình nền tảng quản trị cho doanh nghiệp. Anh giải thích một cách dễ hiểu hơn về mô hình này được không?

- Nền tảng quản trị chính là việc chúng ta nhìn nhận các bài toán quản trị một cách khoa học và có tính hệ thống, nó không xuất phát từ những vấn đề mang tính tình huống, nảy sinh bất chợt hàng ngày, cũng không đi theo tư duy là gặp đến đâu giải quyết đến đó.

Tư duy nền tảng chính là việc chúng ta cần hoạch định cụ thể những thứ doanh nghiệp gặp phải là gì, những bài toán nào là quan trọng và căn bản, những vấn đề nào là cốt lõi và thứ yếu, sau đó lựa chọn những gì cần "fix" (sửa chữa – PV) một cách có logic ngay từ đầu.

Khi chúng ta hình dung được cả vòng đời của một doanh nghiệp sẽ gặp phải những bài toán gì, thì nền tảng quản trị về công nghệ chính là việc mô hình hóa, cụ thể hóa những bài toán đó thành những sản phẩm tương ứng, để doanh nghiệp có thể áp dụng hiệu quả cho từng giai đoạn tăng trưởng.

* Có nghĩa là chúng ta cần tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn tổng thể, nếu vậy sẽ có một giải pháp All-in-one (tất cả trong một – PV) hay vẫn cần nhiều giải pháp cho từng vấn đề cụ thể, thưa anh?

- Đòi hỏi một giải pháp all-in-one như bạn nói chính là sai lầm của nhiều người, và cũng là "nỗi đau" của nhiều chủ doanh nghiệp. 

Chúng ta tiếp cận dưới góc nhìn tổng thể, nhưng khi giải quyết thì phải thật chuyên sâu. Bởi vì, một doanh nghiệp có cả ngàn vấn đề cần phải giải quyết, bất kỳ lãnh đạo nào cũng mong muốn rằng vấn đề đó một khi đã "fix" thì phải được giải quyết một cách triệt để, để về sau họ không cần phải bận tâm. 

Tôi cho rằng phải có một phương pháp luận đúng, một cách thức đúng ngay từ đầu, thay vì làm theo kinh nghiệm, theo bản năng hoặc những thứ chỉ đúng trong phạm vi mà chúng ta có thể nhìn thấy. Bởi nếu chúng ta làm sai, vừa làm vừa sửa, sửa mãi vẫn không sửa được thì doanh nghiệp sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực và thời gian. 

Khi làm theo một phương pháp luận đúng kết hợp với một công cụ hiệu quả thì mọi thứ sẽ vận hành hiệu quả. Nếu thiếu một trong 2 thì nó đều có thể mang đến rủi ro.

Tất cả chúng ta đều nhận thức được: Để giải quyết vấn đề dưới góc nhìn tổng thể thì chúng ta phải giải quyết triệt để từng bài toán nhỏ một cách chuyên sâu.

Không có thứ gọi là "giải pháp tổng thể" khi bàn đến tính hiệu quả của phần mềm B2B SaaS, một sản phẩm mà có tất cả mọi thứ, thì nó đã sai về mặt phương pháp luận rồi. Còn "nền tảng tổng thể" là gì, là mình xây dựng một hệ sinh thái mà trên đó có tất cả mọi thứ. Chúng ta có thể sử dụng độc lập những ứng dụng trên nền tảng nhưng cũng có thể kết nối chặt chẽ bất cứ lúc nào cần. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa khái niệm: Giải pháp tổng thể và Nền tảng tổng thể.

Chúng tôi không gói gọn Base trong một sản phẩm, chúng tôi đi xây dựng một hệ sinh thái, tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn tổng quan, nhưng chọn cách giải quyết triệt để và chuyên sâu từng bài toán.

Để giải quyết vấn đề dưới góc nhìn tổng thể thì chúng ta phải giải quyết triệt để từng bài toán nhỏ một cách chuyên sâu.

*  Tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn tổng quan, nhưng chọn cách giải quyết triệt để và chuyên sâu từng bài toán - Có phải đó là lý do Base có rất nhiều các ứng dụng khác nhau trên cùng một nền tảng chung? 

- Đúng vậy. Việc tạo ra nhiều ứng dụng là cách tiếp cận rất chủ động của chúng tôi. Bản chất ở đây là khi khách hàng tìm đến một giải pháp công nghệ, họ phải biết được họ đang gặp bài toán nào. Sở dĩ, phát triển sản phẩm theo hướng này xuất phát từ mục đích: Để khách hàng lựa chọn sử dụng công nghệ từ chính những "nỗi đau" của họ, chứ chúng tôi không phát triển một giải pháp tổng thể chung chung.

Mặt khác, mỗi một giai đoạn khác nhau, mỗi một quy mô khác nhau doanh nghiệp đều sẽ gặp phải những bài toán riêng của họ. Có những bài toán mà thời điểm này họ chưa gặp, phải 3 năm hoặc 5 năm sau họ mới gặp thì không có lý gì chúng ta gộp chung tất cả đưa vào một sản phẩm, rồi bán cho khách hàng trong khi họ chưa cần dùng tới. Thực tế cũng chứng minh rằng tất cả những nỗ lực mà chúng ta tiếp cận khách hàng theo hướng là một giải pháp All-in-one thì đều không hiệu quả.

Tôi cho rằng việc tạo ra nhiều ứng dụng có tính chuyên môn hóa cao trên một nền tảng tổng thể có khả năng kết nối vô hạn sẽ giúp khách hàng có thể giải quyết lần lượt từng bài toán, sau đó vẫn có thể tích hợp mọi thứ họ muốn trên một nền tảng chung. Có nghĩa là việc tích hợp không giới hạn trong khả năng của Base mà nằm trong khả năng tưởng tượng của khách hàng.

* Đó là những khách hàng đã xác định được bài toán của họ, vậy còn những doanh nghiệp chưa tự xác định được bài toán của mình hoặc không thực sự hiểu rõ mình nên làm gì ở bước tiếp theo thì sao, bởi công nghệ B2B SaaS mới chỉ phổ biến vài năm gần đây và khái niệm chuyển đổi số còn mơ hồ trong tư duy của rất nhiều người?

- Đây là điều mà chúng tôi cần nỗ lực để làm, giúp khách hàng hiểu được cụ thể bài toán mà họ gặp phải. Tôi biết B2B SaaS còn là thuật ngữ mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng không có nghĩa rằng vì mới, nên chúng ta tiếp cận theo hướng chúng ta được quyền sai. Vì rõ ràng thế giới đã trải qua giai đoạn thử sai, nhiều người đi trước đã rút ra được cách tối ưu nhất. Vậy thì không lý gì chúng ta lại dẫn dắt khách hàng đi vào sai lầm nữa, để rồi sau họ phải "đập đi xây lại", phải chuyển qua một sản phẩm khác. Điều này không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Mong muốn của chúng tôi là dẫn dắt dắt khách hàng lựa chọn được những thứ tốt nhất và phù hợp nhất ngay từ đầu, không chỉ để giải quyết cho những bài toán hiện tại đang gặp phải mà là cho 3 năm 5 năm tiếp theo. Mình phải làm sao để họ trở thành những người "master" trong lĩnh vực của họ, thay vì họ phải tiếp cận một thứ rất chung chung.

Và nó là sự nỗ lực của cả hai phía, bản thân khách hàng họ cũng phải nỗ lực để hiểu họ cần gì và công nghệ nào có thể giúp họ giải quyết những vấn đề đó một cách tốt nhất.


Công nghệ tốt sẽ làm thay đổi thói quen, lối tư duy và phong cách làm việc của cả doanh nghiệp

* Trong thời đại 4.0, công nghệ hẳn nhiên có thể thay đổi cách thức một doanh nghiệp vận hành. Vậy đâu là yếu tố để lựa chọn một công cụ hiệu quả đối với doanh nghiệp?

CEO Base Phạm Kim Hùng: Gương mặt vàng làng Toán một thời và chặng đường đi tìm lời giải tốt hơn cho các bài toán hiện hữu của doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

- Thực ra, bước đầu tiên chúng ta nên đặt ra một kỳ vọng đúng mực rằng công nghệ đơn thuần chỉ là công cụ để hỗ trợ chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Bước thứ hai chúng ta mới kỳ vọng công nghệ có thể thay đổi cách thức vận hành của một doanh nghiệp.

Một công nghệ tốt khi chúng ta sử dụng hiệu quả, thì nó không chỉ là công cụ nữa, mà nó đi vào đời sống hàng ngày của doanh nghiệp, làm thay đổi thói quen, cách nghĩ, lối tư duy, và phong cách làm việc của cả một doanh nghiệp.

Đơn cử như thế này, trước đây khi doanh nghiệp vẫn còn sử dụng bảng tin để dán tất cả các thông báo quan trọng lên đó, việc tiếp cận thông tin trở nên khó khăn chưa kể khả năng lan tỏa thông tin cũng hạn chế. Doanh nghiệp mong muốn sử dụng một kênh giao tiếp nội bộ giống như Base Inside để thông tin được truyền tải nhanh hơn và có thể tiếp cận đến từng người. Nhưng khi sử dụng thành thạo công cụ rồi, chúng ta sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để sản xuất ra một nội dung hấp dẫn trên "bảng tin online", làm thế nào để thông điệp trở nên sinh động và có thể visual hiệu quả dưới dạng hình ảnh… Rõ ràng nó làm thay đổi cách chúng ta tư duy.

Còn làm sao để chúng ta chọn được một công cụ hiệu quả, có 3 lưu ý mà tôi muốn nhấn mạnh:

Thứ nhất là khả năng Usability: tức là tính khả dụng của sản phẩm, nói một cách đơn giản thì nó chính là sự tiện lợi và dễ dàng, mọi người đều có thể áp dụng nó để mang lại hiệu quả cho công việc. Thậm chí yếu tố này còn quan trọng hơn mong muốn của ban lãnh đạo, bởi vì nếu không ai sử dụng được thì sẽ không có gì xảy ra tiếp theo

Thứ hai là tính specialization: tính chuyên môn hóa cao, nó phải đáp ứng một cách rất chuyên sâu và đi vào nghiệp vụ cũng như công việc hàng ngày, nó phải giải quyết trọn vẹn và tối ưu một bài toán cụ thể.

Thứ ba là tính Highly connected: nghĩa là ứng dụng đó phải có khả năng kết nối với các sản phẩm khác, nó cho phép mở rộng và tích hợp khi cần thiết

* Anh có kế hoạch phát triển cho công ty trong khoảng 3 năm tới như thế nào?

- Đây là câu hỏi gắn với tương lai của Base, trong công ty mọi người cũng nói về nó rất nhiều. Tựu trung lại có 5 bài toán chính mà doanh nghiệp cần quan tâm: 

Thứ nhất là quản lý hiệu quả các luồng thông tin;

Thứ hai là đảm bảo dòng chảy công việc được thông suốt;

Thứ ba là giải quyết bài toán về con người; 

Thứ tư là thúc đẩy sự tăng trưởng về mặt khách hàng; 

Cuối cùng là việc làm sao để ban lãnh đạo có thể điều hành hiệu quả. 

Tất cả các sản phẩm mà Base xây dựng đều xoay quanh 5 trụ cột chính này.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại một điều: Công nghệ có thể tạo ra giá trị nằm ngoài tưởng tượng của chúng ta. Để dễ hiểu thì chúng ta hãy hình dung đến câu chuyện của Grab. Cách đây vài năm, khi Grab vào Việt Nam, đơn thuần mọi người chỉ nghĩ nó là một ứng dụng gọi xe. Nhưng bây giờ hãy nhìn xem, nó thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Điều tôi mong muốn là có một thứ tương tự như thế làm thay đổi toàn diện cách thức vận hành và đời sống của doanh nghiệp. Công nghệ quyền lực hơn chúng ta nghĩ, rất nhiều sản phẩm của Base khi khách hàng sử dụng nó mang lại hiệu quả không ngờ, theo một cách thức mà mình cũng không ngờ tới.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM