CEO ANCO chỉ ra điểm “chết người” mà các doanh nghiệp xúc xích đều gặp phải: Người tiêu dùng thấy kiến bò vào sản phẩm, có thể đăng lên mạng nhưng thông tin chưa đầy đủ

05/11/2018 09:17 AM | Kinh doanh

Trong cuộc gặp gần đây với anh Hứa Cao Trí, CEO AnCo, công ty chuyên sản xuất bánh gạo và xúc xích, anh Trí đã trao đổi với chúng tôi nhiều thông tin liên quan đến mảng này.

Nhà hàng thành công ở Nhật, chưa chắc vào Việt Nam đã thành công

CEO ANCO chỉ ra điểm “chết người” mà các doanh nghiệp xúc xích đều gặp phải: Người tiêu dùng thấy kiến bò vào sản phẩm, có thể đăng lên mạng nhưng thông tin chưa đầy đủ - Ảnh 1.

Anh Hứa Cao Trí, CEO Công ty Cổ phần thực phẩm AnCo.

Theo chia sẻ của CEO AnCo Hứa Cao Trí, trong mảng FMCG, các doanh nghiệp dẫn đầu nhóm ngành đồ ăn uống (F&B) vẫn là những doanh nghiệp Việt Nam, nhưng trong ngành hóa mỹ phẩm, điều này lại rất khó.

Theo anh Trí, trước đây, có một doanh nghiệp Việt đã rất thành công với sản phẩm Xmen nhưng sau đó đã bán. Các doanh nghiệp hóa mỹ phẩm lớn như Unilever vào Việt Nam, họ rất mạnh và cạnh tranh rất tốt. Bên cạnh đó, người Việt có thể dùng đồ hóa mỹ phẩm xách tay từ Nhật, Anh, Pháp, Mỹ… về dùng và nhiều người còn rất thích điều đó.

Tuy nhiên, theo anh Trí, đồ ăn lại rất khác. "Ví dụ, bạn mang chiếc bánh từ Indonesia về, chưa chắc người nhà bạn đã thích vì khẩu vị khác Việt Nam. Hay nhà hàng Nhật, không phải sản phẩm đã thành công ở nước ngoài là bán tốt tại Việt Nam. Vì liên quan đến văn hóa, khẩu vị. Đó chính là lợi thế của công ty trong nước. Mình là người Việt, có khẩu vị Việt Nam”, anh Trí chia sẻ.

Khi được tặng đồ mỹ phẩm xách tay từ Mỹ về, người được tặng rất vui. Nhưng tặng đồ ăn từ Indonesia, Malaysia thì chưa chắc người nhận đã hợp với đồ ăn đó.

Đó là lý do khi mới về nước, anh Trí đã quyết định theo đuổi ngành F&B.

“Tôi đã lang thang rất nhiều chợ, nhiều nơi để tìm hiểu thị trường. Và bản thân anh rút ra rằng nguồn dinh dưỡng từ thịt rất cần thiết. Lượng thịt tiêu thụ ở Việt Nam vẫn còn ít hơn thế giới. Khi đó, cách đây 8 năm, còn chưa nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyên nghiệp. Và anh đã quyết định gọi vốn đầu tư và thành lập công ty AnCo ngày nay”, doanh nhân sinh năm 1984 chia sẻ.

Thị trường thực phẩm: 2 điểm “chết người”

Với mức tăng trưởng đều 15 - 20%/năm, bình quân người Việt Nam mới chỉ dùng khoảng 208 gram/người/năm. Thế nên, thị trường xúc xích vẫn là "đấu trường" cạnh tranh "nóng".

Cách đây 5 năm, chưa đến 10 doanh nghiệp sản xuất xúc xích. Hiện nay con số đã vượt qua 50. Các vụ mua bán các doanh nghiệp thực phẩm chế biến, trong đó có mảng xúc xích nổi đình nổi đám gần đây như Masan mua cổ phần Vissan. Daesang Corp. (Hàn Quốc) chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại 99,99% cổ phần Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt (Đức Việt) để củng cố thị phần xúc xích đầy tiềm năng ở Việt Nam. Tập đoàn CJ (CheilJedang Corp) mua lại 64,9% cổ phần của Công ty Thực phẩm Minh Đạt với giá trị thương vụ khoảng 13,4 triệu USD, tương đương 305 tỷ đồng...

Khi được hỏi về những trở ngại trong mảng xúc xích, anh Trí cho rằng, những điểm anh chỉ ra, là rào cản chung của thực phẩm chế biến.

Thứ nhất, thông tin không chính thống có thể lan truyền trên mạng làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ví dụ, nếu sản phẩm đã đóng hộp, hay bao bì bị va vào đâu đó, thủng thì chắc chắn sẽ phát sinh vi trùng. Giống như đồ ăn để trong tủ lạnh sẽ đỡ vi trùng hơn ngoài trời. Thấy bị hư, bị mốc hoặc kiến cắn thì khách hàng cũng chỉ biết là hư, họ đăng lên mạng, dễ tạo những thông tin chưa toàn vẹn, đầy đủ.

Khi đề cập đến yếu tố thứ 2, anh Trí kể câu chuyện rằng ở một thị trấn nọ, có người mở trạm xăng. Ngày mai, ở góc kia, lại có người mở trạm xăng tiếp. Và ngày mốt, lại có một trạm khác mọc lên với biển báo: Giá xăng rẻ nhất. Nếu lấy tiêu chí rẻ làm thước đo thì sẽ có người tiêu dùng so sánh giá.

Ở mảng F&B, nếu so sánh giá, ví dụ người ta có thể thắc mắc, tại sao một tô hủ tiếu ở cửa hàng kia sao đắt gấp 2-3 lần so với quán gần nhà. Đây cũng là câu hỏi khó vì tuy là 2 tô hủ tiếu nhưng thịt, hủ tiếu… đều khác nhau. Thị trường xúc xích cũng như vậy, so sánh giá không phản ánh được sự khác nhau về chất lượng các sản phẩm.

Những chộn rộn trên thị trường cho thấy mảng xúc xích rất hấp dẫn và ngày càng nhiều người chơi nhảy vào hơn, hứa hẹn cuộc chơi có nhiều diễn tiến hấp dẫn trong thời gian tới.

Anh Hứa Cao Trí du học tại Australia và trở về Việt Nam thành lập AnCo được hơn 8 năm. Hiện nay, xúc xích của AnCo được phân phối trên khắp cả nước, với hơn 700 nhân viên bán hàng. Theo chia sẻ của anh Trí, hiện xúc xích Bé Khỏe và XuxiFarm đang chiếm thị phần thứ 2 tại Việt Nam, sản lượng sản xuất hàng tháng là 600 tấn, phân phối chủ yếu ở kênh truyền thống (hơn 90%).

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM