CBRE Việt Nam: 3 tháng đầu năm thị trường bán lẻ Tp.HCM không có nguồn cung mới

10/04/2021 16:14 PM | Kinh doanh

Theo báo cáo quý 1/2021 của CBRE Việt Nam, từ nay đến hết năm 2025, thị trường kỳ vọng đón thêm hơn 550.000m2 diện tích bán lẻ mới, tuy nhiên, kế hoạch khai trương của hầu hết các TTTM bị ảnh hưởng rất nhiều do nhu cầu thuê mặt bằng chưa hồi phục toàn diện.

Báo cáo quý 1 của đón vị này chỉ ra, thị trường bán lẻ Tp.HCM không có nguồn cung mới trong quý 1/2021. Tính đến cuối quý, tổng nguồn cung giữ nguyên ở mức 1.049.023m2 diện tích thực thuê.

Theo Cục thống kê Việt Nam và các địa phương, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý 1 đang trên đà hồi phục rất tốt so với năm ngoài, mặc dù chưa quay lại mức tăng trưởng tích cực của năm 2019. Tại Tp.HCM, tổng doanh thu tăng 6,2% theo quý, cao hơn mức tăng trưởng âm 1,3% của năm 2020. Lưu lượng khách mua sắm tại các trung tâm thương mại và khu vực giải trí, theo số liệu của Google Mobility Index, gần như đã phục hồi so với giai đoạn trước dịch, tại hai địa phương lớn là Tp.HCM và Hà Nội, trong khi tại các thị trường du lịch như Tp.Đà Nẵng, hoặc Khánh Hòa vẫn còn khá xa so với giai đoạn trước dịch.

Theo đơn vị này, giá chào thuê khu trung tâm giữ ổn định trong khi đó giá chào thuê ngoài Khu trung tâm tăng nhẹ 0,7% so với quý trước. Trung bình toàn thị trường, giá chào thuê đã trở lại giai đoạn trước dịch Covid-19 và đa số các chủ đầu tư sẽ chờ thị trường phục hồi thêm trước khi có quyết định tăng giá trở lại. Xét về tỷ lệ trống, khu vực trung tâm tăng nhẹ 0,45 đpt, tuy nhiên, do nguồn cung hạn hẹn nên các diện tích trống mới sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong 1-2 quý sau. Tại khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tiếp tục được cải thiện 0,16 đpt so với quý trước, tuy vẫn thấp hơn 5 đpt so với giai đoạn trước dịch.

Thị trường bán lẻ Tp.HCM vẫn ghi nhận việc mở mới của các thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng Thời trang và Phụ kiện, Ăn uống. Uniqlo vừa khai trương thêm cửa hàng thứ tư rộng 2.000 m2 tại Vạn Hạnh Mall và Decathlon sẽ sớm mở thêm cửa hàng thứ hai tại Mega Mall Thảo Điền. Xu hướng khách thuê chủ chốt là Thời trang & Phụ kiện sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới ở Khu vực Ngoài trung tâm và xu hướng này sẽ tác động lớn đến những khách thuê nhỏ lẻ bên trong TTTM, nhất là những TTTM có tổng diện tích thuê nhỏ.

Ngoài ra, nhóm ngành hàng ăn uống, cà phê, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng thêm theo hướng phát triển dân cư tại các khu vực đông dân cư của thành phố. Nhiều chủ đầu tư lớn đang có động thái tái cơ cấu sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Central Retail có kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ USD vào Việt Nam và trước mắt họ đã cho ra đời nhiều mô hình bán lẻ mới phù hợp với từng địa phương, đánh mạnh vào thị trường tỉnh. Tập đoàn Aeon ra thông tin phát triển TTTM mới tại TP. Huế và Tỉnh Bình Dương trước khi khai trương thêm 1 dự án tại khu vực Phía Bắc.

CBRE dự báo, từ nay đến hết năm 2025, thị trường kỳ vọng đón thêm hơn 550.000 m2 diện tích bán lẻ mới, tuy nhiên, kế hoạch khai trương của hầu hết các TTTM bị ảnh hưởng rất nhiều do nhu cầu thuê mặt bằng chưa hồi phục toàn diện.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, số lượng thương hiệu mới gia nhập vào thị trường Việt Nam dự đoán sẽ không cao, lý do vì ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn trên thế giới và đa số các thương hiệu chú trọng đến việc cải thiện kinh doanh trước khi có kế hoạch mở rộng thêm tại các thị trường mới. Giá thuê được dự đoán sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ chỉ tại một vài dự án tốt trong khi tỷ lệ trống sẽ tiếp tục được cải thiện từ nay cho đến cuối năm.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM