Câu lạc bộ của những tay chơi poker tài phiệt: Hậu phương vững chắc của "chúa chổm" bất động sản lớn nhất Trung Quốc!

12/05/2020 15:31 PM | Kinh doanh

Khi tỷ phú Hui Ka Yan điều hành công ty bất động sản vay nợ nhiều nhất Trung Quốc trong thời điểm kinh tế suy thoái sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ, ông đã nhận được sự hỗ trợ từ những "cái tên" quen thuộc. Đó là những người bạn là "ông trùm" bất động sản. Họ là một nhóm có tên "Big 2 Club".

Theo báo cáo của công ty và truyền thông đưa tin, Tập đoàn Evergrande của ông Hui đã củng cố thêm mối liên hệ về tài chính với các đế chế bất động sản do 3 ông trùm khác ở Trung Quốc điều hành. Được biết đến với cái tên "Big Two Club" (đặt theo tên của trò Tiến lên Hồng Kông – Big2, nổi tiếng), nhóm này có các thành viên là Joseph Lau đến từ Chinese Estates, tỷ phú Henry Cheng của New World Development và Cheung Chung Kiu của C C Land.

Báo Sing Tao Daily đưa tin, khi Evergrande bán 6 tỷ USD trái phiếu vào hồi tháng 1 – khi nền kinh tế Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời gian phong toả, Joseph Lau và gia đình đã mua 1 tỷ USD. Thương vụ này là một phần trong ít nhất 16 tỷ USD giao dịch giữa các thành viên của Big Two Club được Bloomberg theo dõi trong thập kỷ qua, trong đó bao gồm tất cả các hình thức đầu tư từ chứng khoán đến hợp đồng bất động sản.

Những thương vụ này cho thấy một lát cắt về cách thức "làm ăn" của mạng lưới kinh doanh ở Trung Quốc – được gọi là "guanxi", giữa những ông trùm bất động sản tại quốc gia này. 

Theo Maggie Hu – giáo sư dự bị ngành tài chính và bất động sản tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, dù các mối quan hệ có thể trở thành "nguồn sức mạnh" trong thời kỳ khó khăn, thì khủng hoảng kinh tế được châm ngòi bởi Covid-19 đang trở thành phép thử đối với Evergrande. Nhà phát triển bất động sản này – được xếp hạng thấp hơn 4 cấp so với cấp đầu tư của Moody’s Investors Service, đang đối mặt với khoản nợ ngắn hạn 372 tỷ CNY (52,6 tỷ USD) đáo hạn trong năm nay.

Câu lạc bộ của những tay chơi poker tài phiệt: Hậu phương vững chắc của chúa chổm bất động sản lớn nhất Trung Quốc! - Ảnh 1.

Hui Ka Yan.

Hu cho hay: "Có thể những ông trùm bất động sản này sẽ hỗ trợ ông Hui vì lợi ích chung của họ. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu họ có thể cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại mà không khiến tất cả cùng lao đao hay không."

Evergrande và các bên bảo lãnh cho thoả thuận mua trái phiếu hồi tháng 1 đều từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, một số chi tiết về người thực hiện thương vụ trên đã xuất hiện trong hồ sơ trao đổi. Tài liệu này cho thấy một công ty niêm yết có em trai của Joseph Lau làm chủ tịch đã mua 150 triệu USD trái phiếu của Evergrande vào tháng 1 và mua thêm 170 triệu USD vào tháng trước tại thị trường thứ cấp. Theo tài liệu trên, đợt mua vào gần đây nhất có quy mô "vừa phải và hợp lý, dựa theo các điều khoản thuơng mại thông thuờng."

Vài ngày sau khi Evergrande phát hành trái phiếu, một hồ sơ trao đổi khác đã tiết lộ về đề xuất cho vợ của Joseph Lau mua các khoản đầu tư trái phiếu từ Chinese Estates, bao gồm 140 triệu USD cổ phiếu Evergrande, đây là một giao dịch được thực hiện độc lập.

Dấu hiệu cho thấy các "đế chế" của Hui và Lau có mối quan hệ mật thiết đó là Chinese Estates cho biết trong báo cáo thường niên năm 2019 rằng lợi nhuận trong năm giảm phần lớn là do công ty này kinh doanh với Evergrande. Cổ phiếu của nhà phát triển này đã mất 34% trong 12 tháng qua, tương đương với 40% tài sản của Chinese Estates.

Hui gần đây cho biết đà lao dốc mạnh của cổ phiếu Evergrande một phần là do đại dịch gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, và một phần là do truyền thông đưa tin "thiếu công bằng" về cảnh báo lợi nhuận gần đây của công ty. Ông cho biết trong cuộc họp hôm 31/3, các phương tiện truyền thông đã đưa tin thiếu đầy đủ về công ty khi lợi nhuận giảm, trong khi lợi nhuận của họ vẫn thuộc top 3 của ngành.

Dù "ôm" khoản nợ lớn trong những năm gần đây, nhưng Hui vẫn không ngừng thực hiện những dự án phát triển đầy tham vọng.

Ông đã bơm hàng tỷ USD vào hoạt động thiết kế và sản xuất ô tô điện, gần đây tuyên bố sẽ "vượt mặt" Elon Musk để trở thành tập đoàn sản xuất ô tô năng lượng mới lớn mạnh nhất thế giới trong 3-5 năm.

Hơn nữa, Hui cũng chi tiền để Guangzhou Evergrande trở thành 1 trong những đội bóng lớn nhất Trung Quốc kể từ khi mua lại vào năm 2010, nhưng năm 2014 đã bán 50% cổ phần trong đó cho tỷ phú Jack Ma. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Hui mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khoa học, tài trợ khoảng 115 triệu USD cho to Harvard Medical Schoolvà các bệnh viện trực thuộc, cùng Viện Hô hấp tỉnh Quảng Châu.

Câu lạc bộ của những tay chơi poker tài phiệt: Hậu phương vững chắc của chúa chổm bất động sản lớn nhất Trung Quốc! - Ảnh 2.

Các thương vụ được thực hiện trong "Big 2 Club", gồm: bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu.

Trên trang web, Evergrande tuyên bố đến cuối năm 2020, công ty này sẽ trở thành 1 trong 100 công ty hàng đầu thế giới vì họ có thể nắm giữ tổng tài sản trị giá 3 nghìn tỷ CNY và 800 tỷ CNY doanh thu hàng năm. Hồi tháng 3, công ty này cho biết lợi nhuận thường niên lần đầu tiên giảm trong 4 năm, Hui tuyên bố Evergrande sẽ cắt giảm khoản nợ 800 tỷ CNY xuống 50% trong 3 năm.

Dù một số nhà phân tích cho rằng đây là cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu Evergrande trượt dốc, thì số khác lại nghi ngại về khả năng sinh lời. Sau những lời hứa hẹn về việc hạ đòn bẩy vào giữa năm 2017, các khoản nợ của nhà phát triển này thậm chí còn tăng lên khi họ hạ hệ số D/E bằng cách tăng phát hành cổ phiếu.

Trong khi đó, tín dụng đen chiếm gần 1/3 tổng khoản nợ của Evergrande trong năm 2019 và công ty này đã cam kết thế chấp khối tài sản kỷ lục 49 tỷ USD để hoàn trả khoản nợ trong năm đó. Nợ ngắn hạn sẽ đáo hạn trong năm nay cũng chiếm tới 47% tổng số khoản đi vay và vượt số tiền mặt mà họ nắm giữ là 229 tỷ CNY.

Các giao dịch giữa Evergrande và Lau đã được bắt đầu từ ít nhất năm 2009, khi "ông trùm" này mua cổ phần trong đợt IPO của công ty. Gia đình của Lau và các công ty liên quan sau đó đã đầu tư hàng tỷ USD vào năm 2017, khi cổ phiếu của Evergrande tăng 48% trong năm đó, nhưng đà tăng này sau đó đã bị "xoá sổ". Edwin Fan– nhà phân tích tại Fitch Ratings, cho biết: "Lau và 1 số ông lớn khác ở Hồng Kông đang rót vốn cho các kênh của Evergrande hoặc Hui cho các dự án phát triển kinh doanh."

Hui và Lau cũng thực hiện các thương vụ bất động sản, khi Evergrande mua một toà nhà ở Hồng Kông từ Chinese Estates vào tháng 11/2015 với mức giá kỷ lục 12,5 tỷ HKD (1,6 tỷ USD). Trước đó, trong cùng năm, công ty này cũng mua lại 2 dự án bất động sản từ Chinese Estates– một trong số đã khiến Moody’s cảnh báo Evergrande về khoản nợ ngắn hạn có thể gia tăng.

Trong 1 trong những giao dịch gần đây, Chinese Estates cùng Evergrande đầu tư vào Shengjing Bank Co. – một nhà băng ở tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc. Chinese Estates sau đó đã bán cổ phần cho vợ của Lau. Các công ty của gia đình Cheung và Cheng cũng nắm giữ cổ phần trong ngân hàng này.

Hiện tại, liệu các khoàn đầu tư của Big Two Club có thu về lợi nhuận hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào đà hồi phục của nền kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc – cả đều đang ở trạng thái bất ổn khi Covid-19 tạo áp lực cho nhu cầu trên toàn cầu.

Theo Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM