img
Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 1.

Tháng Bảy âm lịch, tháng của mùa báo hiếu Vu Lan, cũng là trọng điểm mùa mưa miền Nam liên miên tầm tã. Chiều cuối tuần đầu tiên của tháng, ông trời trút lên Củ Chi trận mưa trắng xóa trời đất, nước như cầm chĩnh mà đổ. Nước ngập lênh láng khắp sân, quất ràn rạt những tán cây cổ thụ của Viện dưỡng lão Bình Mỹ (225/3/1 Hà Duy Phiên, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Trong những căn phòng nhỏ, hơn hai trăm ông bà cụ đắp chăn nằm im lìm. Nếu trời đẹp hửng nắng, ông bà sẽ ra ngồi chơi dọc hành lang. Ai chịu khó thì đẩy khung bảo vệ lập cập đi lại trong khuôn viên cho khỏe chân, hoặc nói chuyện vài câu với nhau. Hôm nay là chiều thứ Bảy, ngày con cháu được nghỉ và tranh thủ đến thăm ông bà cha mẹ. Ai cũng trông đợi. Nhưng trận mưa khủng khiếp suốt vài tiếng ngay giữa trưa đã cắt đứt niềm mong mỏi suốt 7 ngày, nửa tháng, hoặc vài tháng trước đó. Hơn 20 cây số từ Sài Gòn lên đây, con đường ngoằn ngoèo lúc nào cũng đông kìn kịt, đi nhanh cũng mất một tiếng. Mưa to, nghĩa là chiều nay không được gặp cháu con, được tụi nó xoa vuốt chân tay, hỏi thăm đôi ba chuyện. Còn ngày mai Chủ Nhật, cầu trời cho đừng mưa để tụi nó lên thăm, đi đường an toàn không nguy hiểm. Còn ngày mai, ngày mai…

"Thời buổi này sống thọ khổ lắm!"

Góc này một người, bên kia một người, những người cha, người mẹ, ông nội, bà ngoại, ông cố, bà cố... ngồi nhìn thờ thẫn ra màn mưa tua tủa lạnh toát. Những khuôn mặt từng xinh đẹp, hào hoa, tinh anh, tài ba, uy quyền… nay đều vô số nếp nhăn sâu, tóc bạc bơ phờ, làn da đồi mồi chi chít, và trong những chiều như chiều mưa dằng dặc này, chỉ thấy nỗi buồn và cô đơn ngưng đọng.

Trong nhà dưỡng lão, có người là công nhân, có người buôn bán nhỏ, có người từng là giám đốc đầu ngành, là kỹ sư, nhà báo, nghệ sĩ, cán bộ ngoại giao cao cấp… Khi còn trẻ, do nghề nghiệp và phạm vi hoạt động của đời sống, có những người hầu như chẳng có cơ hội nào gặp gỡ người kia. Nhưng bây giờ, tất cả đều như nhau, hầu hết thời gian ngồi trên xe lăn, vây quanh một chiếc bàn, ăn bữa cơm được trộn tất cả thức ăn vào tô inox để không đổ vỡ. Những bàn tay từng nâng chiếc ly pha lê rực rỡ chứa thứ rượu vang đắt tiền, giờ cùng cầm chiếc ca nhựa sản xuất hàng loạt đã khá phai màu, uống chỉ một thứ nước lọc ấm ấm.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 3.
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined

Trong cơn mưa vừa ngớt nhẹ, một chiếc xe hơi chạy vào sân. Ông cụ nhìn vẫn còn vạm vỡ ngồi vào một đầu salon, nhìn đăm đăm về hướng phòng ở. Bên kia con cháu, có cả đứa bé vài tuổi cười khanh khách. Một lát, bà cụ nhỏ bé được nhân viên đẩy ra trên chiếc xe lăn. Đôi mắt sáng lên, ông nhao người về phía bà, lập bập “Chị, chị khỏe không?”.

Hai mái đầu bạc trắng dựa gần nhau. Người chị dáng vóc nhỏ nhắn - ngày xưa hẳn rất đẹp. Em trai thì một bên tai lòng thòng chiếc dây cắm tai nghe, nhưng vẫn nghễnh ngãng. Họ cứ thế ngồi cạnh nhau, chị nói gì thì em phải được vợ ghé sát vào tai nói lại. Hai khuôn mặt bị thời gian tàn phá, nhưng trông vừa ngậm ngùi vừa thỏa nguyện.

Ông tên Đoàn Đình Việt, 87 tuổi, là bác sĩ Nhi khoa học ở Mỹ và Pháp về. Trước 1975, ông đã hoàn thành một nghiên cứu về bệnh lây nhiễm của trẻ từ 0 đến 3 tuổi tại khu vực Tây Nguyên. Bà là Đoàn Thị Ly, 90 tuổi, là dược sĩ, cũng học lâu năm ở Pháp. Ông bà dân Hà Nội gốc, đang học dở Y và Dược ở Hà Nội thì theo gia đình vào Sài Gòn học tiếp. Bà không lập gia đình, trước vẫn sống một mình ở nhà riêng. Khi bà yếu, gia đình em trai chăm sóc. Cho đến mấy năm nay, các cháu bận học bận làm, vợ chồng em trai đều đã yếu, gia đình đưa bà vào đây. Hằng tháng, vợ và con cháu đều đặn đưa ông Việt vào thăm chị. “Hôm nào sắp vào thăm là ông háo hức lắm” - ngồi bên, vợ ông nhìn chồng, âu yếm kể.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 5.
Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 6.
Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 7.

Hôm sau là Chủ Nhật.

Buổi sáng, ông trời không làm mưa mà hào phóng ban cho những người con bầu không khí man mát, thứ thời tiết dễ chịu hiếm hoi ở Sài Gòn. Nhiều chiếc xe lăn được đẩy ra. Khu vực đón tiếp của nhà dưỡng lão ngập tràn sự sum họp ấm cúng.

Trên mặt bàn đá chỗ gia đình cụ Lý Ngân Hoa, một trái sầu riêng sữa thơm lừng vừa được tách ra. Cụ Hoa cầm tay một múi lên ăn bỏm bẻm, cái miệng không còn chiếc răng nào múm mím đến dễ thương.

- Ngon hông, ngọt hông, mẹ?

- Ngon lắm, ngọt lắm.

Chị tóc ngắn quăn, đôi mắt tươi cười vừa gọi cụ là mẹ không phải là con của cụ, cũng chẳng bà con gì. Em gái chị là con dâu cụ, chị chỉ là phía sui gia. Nhưng chị vẫn luôn gọi cụ là mẹ như thế và suốt ba năm cụ ở trong nhà dưỡng lão, cứ khi rảnh chị lại cùng em gái và cháu mang đủ thức ăn cụ thích đến thăm.

Cụ Hoa là một trong những người cao tuổi may mắn: Vợ chồng con trai ly hôn mười mấy năm nay nhưng con trai đều đặn vào thăm tuần hai lần; con dâu, cháu và sui gia thì lúc vài tuần, lúc một tháng, nhưng chưa bao giờ lâu hơn. Ở tuổi 97, cụ vẫn nghe rõ, động tác gọn gàng, gương mặt lúc nào cũng hiền dịu hơi mỉm cười.

“Thương mẹ, vì mẹ là điển hình của người phụ nữ hy sinh cho gia đình hồi trước: Cái gì cũng nghĩ cho chồng cho con, không bao giờ nghĩ tới mình. Chị không sống như mẹ, nhưng lúc nào cũng thương mẹ” - con dâu cũ của cụ kể.

Cách đó mấy bước, hai anh con trai của bà Quỳnh ngồi hai bên mẹ. Người tự hào khoe bức ảnh mẹ hồi trẻ (một mỹ nhân), người cầm bàn tay mẹ cắt móng rồi giũa, nâng niu cẩn trọng. Cả hai anh đều rất đẹp và giống mẹ. Bà Quỳnh 77 tuổi, được nhân viên chăm sóc rất mến và gọi là người dễ thương hạng nhất trong nhà dưỡng lão này.

Đấy là thông tin bất ngờ vì trước đó bà có tiếng khó tính khó nết. Trừ con cháu ra, ai cũng không ưng ý, bạn bè nào cũng chê, dần dần họ mếch lòng không qua lại nữa. Con cái sợ ở nhà quanh quẩn thì buồn nên đưa đến phòng tập dưỡng sinh để gặp gỡ nhiều người, nhưng đụng ai bà cũng mắng. Đành thôi.

Cho đến một hôm bà bị tai biến. Chụp não mới biết bà bị Alzheimer đã nhiều năm. Trên phim chụp, cả bộ não đã lốm đốm những vết xơ cứng.

- Con cháu sốc toàn tập. Hồi trước bà hài hước, thông minh, lanh  lợi bao nhiêu, ai cũng quý mến. Thế rồi cứ dần dần khó tính như thế. Rồi sau một đêm như biến thành con người khác. Ngôn ngữ quên rất nhiều. Không ăn, không ngủ, còn độ ba mươi mấy ký thôi. Nhà ba tầng, bà ở riêng một tầng với người giúp việc, không thiếu thứ gì nhưng cứ leo cầu thang lên xuống hoài không nghỉ. Mở cửa ra thì bà bỏ đi lang thang. Không biết bao nhiêu lần rồi. Bác sĩ nói nếu cứ thế bà chỉ sống được khoảng 6 tháng nữa - con trai bà Quỳnh kể.

Bàn bạc thật kỹ, con cháu quyết định đưa bà vào nhà dưỡng lão. Đến nay cũng đã được ba năm, gần bằng thời gian nhà dưỡng lão thành lập.

Một năm đầu, ba anh em ngày nào cũng chạy xe hai mấy cây số vào thăm mẹ. “Vào thăm bà xong cứ về đến nhà lại nhớ, lại muốn chạy vào ngay, chỉ tội không làm được thế” - anh con thứ mái tóc lốm đốm bạc, vừa trìu mến nhìn mẹ vừa kể.

Bà Quỳnh nay đã ăn được, ngủ được, tăng cân nhiều và đặc biệt trở nên rất hiền hòa.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 8.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 10.

Ngày trẻ, mà không, chỉ ngay trước giờ phút đó thôi, bà Hương luôn muốn mình phải thật đẹp. Đôi lông mày xăm mềm mại, chiếc mũi nâng cao gọn, đôi môi làm đầy và xăm đỏ hồng bầu bậu. Trên hai cổ tay thon nhỏ, bên này một chiếc vòng đá đỏ thẫm, bên kia một chuỗi hạt trắng trong.

Rồi đùng cái, tai biến.

Nó biến khuôn mặt bà thành gần như tượng sáp. Đôi mắt trước kia chắc long lanh, giờ vô hồn. Toàn cơ thể gần như bị liệt. Bà nói rất khó khăn, chỉ còn thỉnh thoảng thốt ra vài từ. Cuối tuần, con cháu vây quanh, chiếc điện thoại luôn luôn livestream cho một chị con gái ở nước ngoài nhìn thấy mẹ, nhận xét từng đổi thay qua từng tuần. Những đổi thay chẳng đáng gọi là thay đổi so với con người mẹ chị khi trước, nhưng giờ quý giá xiết bao: Một nụ cười, đôi mắt có thần, “nói” nhiều hơn với con cháu.

Chị con gái nâng chân bà đặt lên đùi, xoa bóp.

Rồi bà nhắm mắt lại, cũng không thốt lên tiếng nào nữa. Bà biến thành tượng sáp thật sự. Nhân viên nhà dưỡng lão bảo chắc bà mệt rồi, đêm qua bà khó ngủ, thôi để con đưa bà vào ngủ.

Cô bé nhấc chân bà xuống, đặt vào bàn đỡ của chiếc xe lăn.

Ngay lập tức bà duỗi chân ra, đặt lên đùi con.

Mọi người cười ran.

Lại nhấc xuống.

Ngay lập tức lại duỗi ra, đặt lên.

Chiếc xe lăn chuyển nhẹ. Bà vẫn duỗi dài chân, cố với ra tìm lấy điểm tựa như trước. Cứ thế bốn năm lần. Trên khuôn mặt và cơ thể hầu như bất động chỉ còn duy nhất động tác này tỏ bày toàn bộ sự quyến luyến, nắm níu đến xót xa.

Hầu hết các cụ vào nhà dưỡng lão đều có hoàn cảnh lúc cao tuổi giống nhau. Ông Nguyễn Văn Trân 63 tuổi, trước kia sống ở quận Tân Bình. Cách đây 11 năm, ông bị tai nạn giao thông. Người đi đường sốt sắng giúp, nhưng giúp sai: Họ nâng người ông lên nhưng lại để cho đầu ông ngật về phía sau, rồi đưa vào bệnh viện. Bác sĩ kêu trời vì chính động tác này đã làm tổn thương hai đốt sống cổ, khiến 7 năm trời ông nằm liệt trên giường, toàn thân chỉ còn mỗi cái đầu ngúc ngoắc nhẹ.

Ông không có gia đình, ban đầu gia đình anh chị chăm sóc. Rồi anh chị mất. Ông chuyển qua sống với em gái.

Lúc này cơ thể ông tự dần hồi phục, đã có thể ngồi xe lăn. Nhưng em bận đi làm triền miên, một mình ông quanh quẩn trong nhà, đã nhiều lần bà đi làm về thì thấy ông bị ngã từ lúc nào, không tự dậy được.

Anh Lê Đức Tài Nhân 58 tuổi cũng đã ở trong nhà dưỡng lão này 4 năm. Anh Nhân rất đẹp trai, khuôn mặt ánh lên sự thông minh. Trước kia anh tự kinh doanh và dạy Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ. Uống rượu khá nhiều. Năm 2013, anh bị đột quỵ, liệt nửa người. Nằm bệnh viện, thuê hai người chăm mà mỗi lần di chuyển họ phải khiêng anh như khiêng tấm ván vì chân tay cứng đơ không co được.

Rồi về nhà. Con cái đứa bận học, đứa bận làm nuôi cả gia đình, không ai đủ thời gian chăm sóc. Anh vào đây.

Rất không ngờ, tôi gặp một người quen cũ. Chú là nhà báo hơn tôi hai thế hệ, từng phụ trách một tạp chí cấp Chính phủ. Nhớ mồn một những chi tiết nhỏ xíu như địa chỉ cơ quan, văn phòng đại diện, tên người lãnh đạo ngành thời đó, số liệu và căn cứ của những sự kiện chính trị xã hội lớn thời đó… nhưng chú quên tuổi mình, quên mình vào nhà dưỡng lão lúc nào và quên cả mang dép.

Chú bị tai biến lần đầu cách đây 8, 9 năm, bắt đầu nhớ nhớ quên quên. Chân phải yếu dần, teo đi, khoèo khoèo. Chú phải ngồi xe lăn hoặc nếu dựa vào khung đỡ thì đi như đang múa, mỗi phút lập cập tiến được vài mét rồi phải nghỉ.

Đến cách đây hơn một tháng, chú ngã trong nhà. Hai con định cư nước ngoài, chỉ còn mình vợ và con gái út đang học nội trú cấp 3 dưới Sài Gòn. Nhà neo đơn. Cô đỡ chú lên nhưng không nổi, cả hai vợ chồng ngã lần nữa. Nhiều lần như thế, cô hỏi ý chú. Ban đầu chú không đồng ý nhưng cuối cùng tháo chiếc nhẫn cưới ra đưa cô cất đi (nhà dưỡng lão không cho các cụ đeo trang sức để tránh nguy hiểm), chú để cô đưa vào nhà dưỡng lão.

Sáng Chủ Nhật, cô mặc thật đẹp, chiếc khăn ren hoa màu vàng quấn quanh cổ, hai mẹ con mang hẳn một giỏ thức ăn lỉnh kỉnh đến từ sớm.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 12.

Cô thì đầm đìa nước mắt.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 13.

"Bây giờ mẹ đi không vững"

Nhà dưỡng lão có nhiều khu, nơi dành cho người còn khá minh mẫn và tự chăm sóc được một phần. Nơi dành cho các cụ hầu như ngồi xe lăn. Nơi dành cho các cụ hoàn toàn sa sút trí tuệ, nằm liệt, dinh dưỡng qua ống xông… Có một hôm, giữa trưa nắng, tôi nhìn thấy một phụ nữ khoảng trên 50 tuổi cứ cởi trần, lăn lộn trên chiếc ghế đá trong khu đặc biệt. Trông đến thương. Nhân viên nói cô không bao giờ chịu mặc áo, cứ mặc vào là cởi vứt đi.

Một tuần sau, thấy người phụ nữ môi đỏ, mắt sáng ngời đẹp đẽ ngồi bên đứa con gái nói chuyện líu ríu, tôi không nhận ra nổi cô. Hóa ra nhân viên “dọa” không mặc áo sẽ không cho ra gặp con gái, thế là miệng vẫn kêu mặc áo nóng lắm, nhưng cô vẫn ngoan ngoãn nghe lời.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 15.

Tôi nhiều lần sửng sốt ngắm các ông cụ, bà cụ trong nhà dưỡng lão khi quây quần với gia đình, con cháu. Từ vẻ gần như thẫn thờ không cảm xúc trong khu phòng ở, mọi gương mặt đều bừng sáng và sống động gấp bội khi gặp người thân. Tình ruột thịt kỳ diệu quá, giải thích bao nhiêu cũng không đủ.

Có cụ ông sa sút trí tuệ nặng, nhân viên kể cụ rất dữ, gặp ai là đánh đó. Đến nỗi nhân viên dẫn cụ đi từ phòng ra sân, cứ thấy ai trong tầm tay cụ cũng giơ tay ra đánh. Con trai vào thăm, thường anh không chờ ngoài khu đón tiếp mà tự đi vào tận khu phòng ở của cụ. Cụ cũng giơ tay định đánh. Nhưng anh chỉ vừa cất tiếng “Ba, con là thằng Tí nè, con vô thăm ba nè” là ông buông ngay tay xuống rồi lập cập nhào tới.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 16.

Nhưng cũng có những câu chuyện đau lòng, gợi cho người ta những băn khoăn không chỉ về cách sống mà còn là những điều cụ thể hơn rất nhiều, như cách quản lý tài chính cho chính bản thân khi còn khỏe mạnh.

Ở Viện dưỡng lão Bình Mỹ có ba người bị gia đình bỏ rơi hoàn toàn.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 17.

Ông Trần Ngọc L. 60 tuổi, không có gia đình riêng, làm ăn mua được chiếc xe lái thuê cho chị gái. Khi ông bị tai biến liệt nửa người, bà chị bán chiếc xe được hơn trăm triệu đồng đưa cho ông và lo thêm tiền thuê nhà. Được ít lâu, bà đưa ông vào đây, đóng tiền vài tháng rồi thôi luôn. Nhà dưỡng lão đi tìm. Bà nói giờ tôi cũng phải đi làm mướn mới có ăn, tiền đâu mà nộp.

Bà Trần Thị H. 62 tuổi, ở Tiền Giang. Cách đây vài năm, gia đình đưa bà vào, có đủ con trai, con dâu, con gái. Đóng tiền được ba tháng, họ trốn luôn. Hễ số điện thoại nhà dưỡng lão gọi thì họ im lặng hoặc cúp máy. Nhắn tin không trả lời. Tìm đến nhà thì đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác, không biết đi đâu. Bỏ mặc mẹ già không cần biết sống chết, nhưng trên facebook của họ vẫn chụp hình cả nhà đi du lịch đó đây, ăn hải sản, tắm biển hào hứng.

Trường hợp của ông Ngô Văn Ch., 65 tuổi thì ly kỳ hơn nhiều. Ông có vợ, nhưng bỏ đi sống với một phụ nữ khác trong khi chưa ly hôn. Họ cũng đã có một đứa con. Được ba năm, ông bị tai biến liệt nửa người. Người vợ sau đưa ông vào nhà dưỡng lão. Trả tiền được 3 tháng, bà biến mất. Số điện thoại, địa chỉ đăng ký đều liên lạc không được.

Nhà dưỡng lão tiếp tục nuôi ông Ch. Được ít lâu, đột nhiên bà gọi điện về, nói đang bận buôn gỗ ở Trung Quốc, hợp đồng lớn, đến 2 triệu USD nên bà phải tự tay thực hiện. Bà nhờ nhà dưỡng lão nuôi ông tiếp, xong hợp đồng này sẽ về trả đủ tiền.

Hứa xong, lại tiếp tục biến mất.

Ít lâu sau, bà lại gọi điện. Lần này bà nhờ nhà dưỡng lão thống kê số tiền nợ  hẳn hoi (lúc đó khoảng hơn trăm triệu), nói bà vừa về Việt Nam, sẽ bán miếng đất của ông, trả hết.

Rồi vẫn bổn cũ soạn lại.

Cứ ú tim như thế, đến nay ông Ch. bị bỏ rơi đã hơn 3 năm.

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 18.

Tháng Vu Lan này, chúng ta sẽ nói gì về cha mẹ, về những “ông bà già khó chịu, hay cằn nhằn, nói đi nói lại hoài một chuyện cũ”? Khi tất cả chúng ta, không kể bất cứ ai, rồi cũng già đi và trở thành yếu ớt, phụ thuộc, run rẩy, khó chiều y như thế?

Câu chuyện mùa Vu lan: “Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày. Ăn cơm vãi đầy vạt áo. Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm” - Ảnh 19.

* Tên của một số nhân vật đã được thay đổi

Hoàng Xuân
KingPro - Hoàng Long, Trí Nguyễn, Hải Đăng
Trần Hòa
Linh Phương
Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ