Xem lại mục đích của cửa hàng chỉ đón khách Trung Quốc

25/12/2015 10:00 AM | Kinh doanh

Cửa hàng tại VN nhưng không chào đón khách hàng là người VN, các biển tên, thông báo không có tiếng Việt… khiến nhiều bạn đọc đặt nghi vấn về mục đích của việc làm này.

Như TTO đã đưa tin, sáng 23-12, lực lượng quản lý thị trường của TP Đà Nẵng đã đến một showroom của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tuệ Dân (trụ sở trên đường Xuân Thủy, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) sau khi có thông tin tại đây chỉ đón khách Trung Quốc, cấm cửa đối với khách Việt.

Theo ghi nhận của phóng viên, cửa hàng chủ yếu bán các sản phẩm chăn, drap, gối nệm… có ghi tiếng Trung Quốc. Tại nhiều khu vực còn có các bảng hiệu toàn tiếng Trung, không có chú thích bằng tiếng Việt.

Không phải là trường hợp duy nhất

Người dân Đà Nẵng còn cho biết không riêng gì showroom của Công ty Tuệ Dân, cửa hàng tên Jj-Sao Đại Hàn (đường Võ Nguyên Giáp, Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ bán cho khách hàng là người Hàn Quốc, người Việt khi vào mua hàng đều bị bảo vệ chặn lại.

Vào năm 2013, nhà hàng Cát Vàng (Golden Sand) nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, Bình Thuận) cũng không chào đón khách hàng là người VN. Nhân viên bảo vệ chặn lại và lấy nhiều lý do để “cấm cửa” các khách hàng người VN có ý định vào quầy bán đồ lưu niệm.

Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, chủ nhà hàng Cát Vàng cho biết chuyện này đã diễn ra từ 2-3 năm trước, vì người Việt xấu tính (?!) nên nhà hàng không tiếp.

Cũng trong năm 2003, dư luận xôn xao trước bức xúc của một nữ khách hàng khi bị cửa hàng ở phố Hàng Bè (Hà Nội) từ chối mình trong khi đang vui vẻ tiếp các vị khách nước ngoài. Theo chủ cửa hàng này, việc không tiếp khách Việt đã diễn ra từ lâu, vì nhiều lý do như sợ khách lấy trộm đồ.

Trước đó, nhà cổ Út Kiệt và nhà cổ Ba Đức (Cái Bè, Tiền Giang) cũng từng từ chối tiếp du khách VN với lý do: ý thức khách Việt chưa tốt làm cây trong vườn xơ xác, hái trái non và vứt rác bừa bãi. Người VN thường đòi ăn rùa, rắn (không quan tâm bảo vệ sinh thái), khi ăn rất ồn ào.

Sao lại “chọn lọc” khách hàng?

Chị Tuyết Dung (Q.9, TP.HCM) bức xúc cho biết: “Khách hàng là thượng đế, vậy tại sao lại không tiếp khách hàng là người VN?”.

Anh Hùng Dũng (du học sinh tại Nga) cho rằng tại nước ngoài cũng có những cửa hàng chuyên bán các sản phẩm có nguồn gốc từ cùng một quốc gia hoặc những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho một đối tượng cụ thể (như quy định về giới tính, độ tuổi...) nhưng điểm chung là ai cũng có thể vào mua, tùy theo nhu cầu của mình.

Chị Hoàng Thụy (hướng dẫn viên du lịch) cho biết đây sẽ là một “điểm xấu” trong mắt khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. Quan trọng hơn là chúng ta có thể bị mất dần khách nội địa đến du lịch.

Chính quyền địa phương cần xử lý thật nghiêm và công bố lên phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người được biết.

“Cần phân biệt hai trường hợp: bán cho tất cả nhưng có đối tượng phục vụ chủ yếu và chỉ phục vụ một đối tượng mà từ chối các đối tượng khác”, anh Dũng nói.

Ở một góc nhìn khác, chị Kim Huyền (Q.6, TP.HCM) thắc mắc: “Chẳng lẽ du khách sang VN du lịch lại mua về sản phẩm có nguồn gốc từ chính nước họ?”.

Bạn đọc Ngọc Minh chia sẻ: “Nếu không có biện pháp mạnh, sẽ có thêm những khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác làm theo, lúc đó người Việt cấm người Việt mua hàng trên đất Việt”.

Xem lại mục đích “cấm cửa”

Ông Lữ Bằng - phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng kiêm chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng - cho biết đoàn kiểm tra đã xử phạt 15,5 triệu đồng đối với showroom của Công ty Tuệ Dân vì hai vi phạm là: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng mức xử phạt này là chưa tương xứng.

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: “Không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cho phép một cửa hàng - theo luật gọi là hộ kinh doanh cá thể - có hành vi phân biệt đối xử giữa người nước ngoài và người trong nước. Hộ kinh doanh cá thể chỉ có một khái niệm duy nhất là khách hàng. Khách hàng có thể là người nước ngoài hoặc là người trong nước”.

Giải thích thêm về điều này, ông Hải nói: “Đối với hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp, công ty thực hiện các mua bán, giao dịch, dịch vụ… phải dựa trên những điều luật cho phép chứ không phải điều luật không cấm.

Nếu là cá nhân, họ có quyền làm những gì pháp luật không cấm nhưng đối với hộ kinh doanh cá thể, công ty… hành vi thương mại phải phù hợp với nội dung giấy phép đăng ký kinh doanh, vì trong giấy phép không bao giờ ghi “cho phép chỉ bán cho đối tượng khách hàng là người nước ngoài”. Vì vậy việc tự ra quy định không bán cho người VN, chỉ phục vụ người nước ngoài không có giá trị pháp lý”.

Luật sư Hà Hải cho biết thêm xét về lý, việc làm này đã không đúng, về tình càng không được người dân đồng tình. Trách nhiệm của người kinh doanh là cung cấp sản phẩm, quyền của người tiêu dùng là được mua sản phẩm. Người tiêu dùng đến mua mà bị từ chối, ở góc độ nào đó, là xâm phạm đến quyền của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng có thể vận dụng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý trường hợp này.

Bổ sung thêm, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ mục đích của việc “cấm cửa”. Vì với cách thức kinh doanh thế này thì cơ sở đã khác hơn so với những cửa hàng còn lại về hoạt động và cách đối xử với khách hàng tất yếu mục đích kinh doanh cũng khác. Phải xem xét thật kỹ để tránh trường hợp mục đích xấu có cơ hội nhân rộng”.

Quảng cáo phải có tiếng Việt

Theo luật sư Hà Hải, pháp luật quy định trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam, mọi giao dịch đều được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Luật không cấm sử dụng thêm tiếng nước ngoài để giao dịch nhanh hơn, tuy nhiên, Luật quảng cáo quy định mọi hình thức niêm yết, quảng cáo bằng tiếng nước ngoài phải có tiếng Việt kèm theo và kích thước tiếng nước ngoài chỉ bằng ba phần tư kích thước chữ tiếng Việt.

Theo MẠNH KHANG - TÀI PHONG - ĐẶNG TƯƠI - NGỌC MINH

Cùng chuyên mục
XEM