Vụ cháy chợ Đồng Xuân 1994 qua lời kể của một người gốc Hà Nội

27/11/2015 11:13 AM | Kinh doanh

Vụ cháy đã đi qua hơn 2 thập kỷ nhưng với nhiều người, nó mới chỉ như ngày hôm qua bởi ký ức vẫn vẹn nguyên. Vụ cháy lấy đi cuộc sống của nhiều người nhưng cũng mang đến cơ hội cho nhiều người khác.

Bà Mến sinh năm 1955, bố mẹ bà và ông bà cũng được sinh ra ở phố hàng Khoai. Như vậy có thể coi như một gia đình gốc Hà Nội. Sinh ra, lớn lên, lấy chồng và sinh con rồi hưởng tuổi già ở khu phố cổ, bà đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc sống xung quanh mình.

Ở thời của bà, khi Thủ đô mới được giải phóng chưa lâu, chỉ những con phố chính trong khu phố cổ được lát đường, còn lại khu Hàng Khoai của bà vẫn chỉ là đường đất, đến mùa mưa lầy lội bẩn thỉu kinh khủng. Đèn đường không có và nhà bà lại nằm cuối phố Hàng Khoai khu vực gần Nguyễn Thiệp nên cứ chiều tối đến khi những người kinh doanh về hết, khu vực nhà bà trở nên vắng vẻ chẳng còn ai muốn lui đến. Nó từng được coi là một nơi phức tạp của khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân.

Những người kinh doanh chủ yếu vào chợ Đồng Xuân chứ gánh rau của nhà bà ven chợ lại cuối phố nên cũng không nhiều người để ý đến. Chính vì vậy thường xuyên bà phải bê rau ra ngồi cạnh chợ mong kiếm được người mua, chỉ trừ khi nào trời quá nắng hoặc quá mưa bà mới ngồi bán tại nhà.

Bố mẹ bà bán rau lặt vặt ở chợ và đến thế hệ bà bà và em trai mình cũng làm tiếp nghề đó cho đến tận bây giờ. Khi nhắc lại, bà cũng có phần nhiều tiếc nuối vì mình cũng không được học hành, một số ít người cùng thời với bà được gia đình tạo điều kiện cho ăn học lúc đó đến sau này nhiều người trong số họ đã trở thành Thứ trưởng, Bộ trưởng.

Khi đó gia đình bà quá nghèo, hơn nữa cuộc sống không ổn định, thường xuyên phải sơ tán vì bom đạn khiến công việc học hành không thể tiếp tục. Phần đông người sống ở khu phố cổ xunh quanh bà đều như vậy. Số người có thể kinh doanh kiếm ra nhiều tiền để giàu có không nhiều. Những người không có học như bà thì cuộc sống vẫn chỉ luôn ở ngưỡng chật vật mới đủ ăn.

Thập niên 1970 với những trận ném bom và sự kiện thống nhất đất nước trọng đại

Bà vẫn còn nhớ như in những ngày Mỹ đánh bom, bố mẹ bà chạy xuống Hưng Yên để lại hai chị em bà mới chỉ hơn 10 tuổi lang thang bán rau hàng tháng trời mới được gặp lại bố mẹ. Có nhiều khi chạy xuống hầm trú bom, nhưng hầm đã bị sũng nước mưa, đứng trú bom mà nước ngập ngang đùi, rét quá hai chị em phải ôm nhau thật chặt. Cuối cùng rồi bố mẹ cũng trở lại và gia đình lại tiếp tục mang rau ra chợ Đồng Xuân cũng như các khu phố lân cận bán.

Đến thập niên 1970, quân đội Mỹ leo thang đánh bom miền Bắc. Khi liên tục phải chạy bom, cuộc sống kinh doanh của gia đình vì thế còn khó khăn hơn nữa. Cầu Long Biên khi đó trở thành một mục tiêu đánh bom bởi đó là một tuyến giao thông huyết mạch quan trọng. Ở khu vực cách cầu Long Biên khá xa nhưng bà Mến vẫn còn nhớ nhà cửa ở khu phố cổ xung quanh chợ Đồng Xuân bị sức ảnh hưởng của bom đánh bay hết cả nóc mái nhà chỉ sau một đêm.

Cuộc sống vì vậy lại thêm cùng cực bởi bỗng chốc rất nhiều người trước đó có nhà rồi lại trở thành cảnh không nhà không cửa khi nhà đã mất nóc. Họ lại cùng động viên nhau tiếp tục sống và cố gắng.

Năm 1975, đất nước thống nhất và bắt đầu khôi phục lại kinh tế. Bà vẫn còn nhớ như in ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, mà cả khu chợ kinh doanh nhận được tin đất nước thống nhất. Có một người làm trong phường chạy ào ra chợ hô với tất cả tiểu thương: Chiến thắng rồi, đất nước độc lập thống nhất rồi.

Thế là tất cả tiểu thương hôm đó cùng ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc, mọi người vội vàng mua bán cho nhanh về để còn nghe tin của chính phủ thông báo qua đài cát sét. Cả phố Hàng Khoai khi ấy cũng không có nhiều nhà có đài, chính vì vậy một người nghe đài sẽ chịu trách nhiệm nhắc lại những thông tin đó cho toàn bộ tiểu thương xung quanh.

Những người kinh doanh nhỏ như bà Mến cũng cảm thấy rõ ràng sự “thay da đổi thịt” dần dần. Đường sá bắt đầu được lát nhiều hơn, rồi cuộc sống kinh doanh được mở rộng hơn, người kinh doanh không phải sợ hãi trốn tránh bom đạn nữa. Sống qua những khoảnh khắc sinh tử, sợ hãi, ly tán vì bom đạn bà càng thấy quý giá hơn những giây phút hòa bình.

Thập niên 1990 và sự kiện cháy chợ Đồng Xuân

Từ sau năm 1990, cuộc sống thực sự thay đổi khi bà thấy xe máy xe đạp trên đường phố ngày một nhiều. Rồi kinh doanh thực sự trở thành một nghề có chỗ đứng trong xã hội và được xã hội tôn trọng. Nhưng xã hội nào cũng có quy luật đào thải của nó.

Rất nhiều người dân phố cổ không có vốn lớn để làm ăn to như bà đã phải bán nhà cho những người mới ở tỉnh khác đến để kiếm chút tiền sống và tiết kiệm, bởi nếu cố bám trụ, họ cũng chẳng thể sinh nhai được mà mãi sống trong điều kiện bẩn thỉu chật hẹp. Vậy nên theo lời bà, xung quanh khu vực Đồng Xuân, rất nhiều nhà to đẹp lại không phải nhà của những người gốc Hà Nội như bà.

Một sự kiện của thập niên 1990 mà bà cho biết bà chưa bao giờ quên một giây phút nào trong cuộc đời của mình đó là vụ cháy chợ Đồng Xuân. Theo trí nhớ của bà thì một vụ chập điện đã thiêu rụi toàn bộ khu chợ chỉ sau một đêm và nhiều ngày tiếp theo sau đó, xung quanh chợ bà luôn nhìn thấy lũ lượt tiểu thương đến gào khóc như nhà có đám ma.

Không ít người ngất lên ngất xuống trong vòng tay của những người xung quanh. Nhiều người còn cố gắng xông vào khu chợ đã cháy đen mong hòng bới móc được cái gì đó còn sót lại trong sạp của mình. Cảnh tượng xung quanh vô cùng buồn thảm.

Có nhiều tiểu thương thường có thói quen để toàn bộ tiền kinh doanh được cùng với hàng trong chợ suốt nhiều ngày. Thời ấy, dù cuộc sống của nhiều người còn khó khăn nhưng chuyện trộm cắp là rất ít xảy ra.

Chính vì vậy, những nhà kinh doanh chợ Đồng Xuân đã có cách giữ tiền như vậy suốt năm này sang năm khác. Có nhiều người thậm chí còn cất cả vài chục cây vàng trong sạp chợ. Họ đã mất tất cả, chính vì vậy, dù không có đám ma nhưng đối với nhiều nhà năm đó và nhiều năm sau nữa họ coi như mất Tết. Có những người mà bà biết, cho đến tận hơn 10 năm sau đó, kinh tế gia đình vẫn chưa thể hồi phục vì vụ cháy chợ Đồng Xuân.

Không ít người phải vay rất nhiều tiền để đi chợ và họ cũng để cả hàng mua được kèm với tiền vay trong chợ. Chính vì vậy sau vụ cháy chợ, nhiều người mất tất cả nhà đất vì phải bán cả nhà đi trả nợ. Những khoản vay nóng thường có lãi suất rất cao chính vì vậy tiểu thương phải cố gắng trả thật nhanh nếu không muốn ngập sâu hơn trong nợ.

Như đã đề cập ở trên, trước đây công việc kinh doanh chủ yếu tập trung trong chợ Đồng Xuân chứ không nhiều người ra khu vực bên ngoài chợ khu vực nhà bà Mến. Vụ cháy chợ lấy đi cơ hội kinh doanh của nhiều người trong chợ nhưng lại mang đến cho người ngoài chợ như bà Mến một cuộc sống mới.

Bởi để xây dựng được chợ mới cần đến vài năm còn tiểu thương thì cần kinh doanh càng sớm càng tốt để phục hồi tài chính gia đình. Chính vì vậy nhiều tiểu thương xưa kinh doanh trong chợ thì sau đó đã ra khu vực xung quanh chợ để bán hàng và nhờ vậy khu vực bà Mến ở cũng trở nên sầm uất hơn.

Người đến mua hàng chợ Đồng Xuân trước đây thì nay ra ngoài chợ nhiều hơn, ghé qua của hàng trên khu phố nhà bà đông hơn rất nhiều, công việc kinh doanh của gia đình bà cũng như nhiều gia đình xung quanh nhờ vậy cũng được mở rộng và phát đạt hơn.

Người có điều kiện kinh tế thì thuê quầy, người ít có tiền thì buôn đi bán lại ít rau quả, gạo để kiếm sống. Cuộc sống qua đi, nỗi đau cháy chợ cũng nguôi dần, rồi chợ cũng được xây lại nhưng nhiều tiểu thương đã kinh doanh quen bên ngoài thì không quay vào chợ nữa. Theo bà, khu vực kinh doanh quanh chợ Đồng Xuân đã được hình thành theo cách đó.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM