Việt Nam chưa kịp tiếp thu công nghệ, Nhật Bản đã giảm đầu tư vào công nghiệp chế tạo, đổ tiền sang bán lẻ

29/02/2016 11:22 AM | Kinh doanh

Đang có một số thay đổi trong xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro công bố về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Báo cáo cho thấy, đầu tư từ Nhật Bản vẫn duy trì với số lượng dự án nhiều nhưng vốn đầu tư giảm đi.

Trong khi số vốn và dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo giảm dần theo thời gian thì số vốn và dự án vào dịch vụ, tiêu dùng lại tăng dần.

Số liệu sau cho thấy:

- Ở ngành công nghiệp chế tạo: Năm 2014 là 122 dự án giảm xuống còn 102 năm 2015. Số vốn giảm tương ứng từ 883 triệu USD xuống còn 655 triệu USD năm 2015, giảm 15%.

- Ở ngành dịch vụ, tiêu dùng: Năm 2014 là 50 dự án lên 52 dự án năm 2015, tăng từ 14% lên 17%.

Đang có một số thay đổi trong xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

"Tỷ lệ khối chế tạo tiếp tục giảm so với năm trước, trong khi tỷ lệ ngành phân phối bán lẻ, IT, tư vấn tăng nhẹ. Số dự án đầu tư cho ngành khách sạn, ăn uống tăng do ảnh hưởng của việc nới lỏng quy chế đầu tư nước ngoài đối với ngành này từ năm 2015", báo cáo nhận định.

Mặc dù xu hướng đầu tư vào dịch vụ, tiêu dùng vẫn chiếm nhỏ so với tổng số vốn đầu tư các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam song ông Kawada Atsusuke, trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Nguyên nhân do quy mô thị trường và nhu cầu tiêu dùng với tỷ lệ dân số trẻ chiếm phần lớn là yếu tố khuyến khích sự dịch chuyển xu hướng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

"Việt Nam không chỉ được coi là một địa điểm sản xuất nữa, mà còn là một thị trường hứa hẹn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa", vị này nhấn mạnh.

Thực tế, trong những năm gần đây đã có rất nhiều hãng bán lẻ của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Aeon là một ví dụ. Sau khi mở ba trung tâm thương mại và siêu thị tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, mới đây, Aeon đã bắt tay vào xây dựng một trung tâm mới tại TPHCM.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, mới đây Aeon tiết lộ sẽ xây dựng trung tâm thứ hai tại thủ đô có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Họ dự kiến tới 2020 sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam. Trong đó, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác.

Trước đó, bán lẻ Việt Nam cũng căng thẳng với thông tin nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven sẽ mở chuỗi cửa hàng đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, VN vào tháng 4/ 2017.

Sau đó, nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật này sẽ mở 100 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Việt Nam vào đặt mục tiêu 1.000 cái trong vòng 10 năm

Trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, một doanh nghiệp lớn Tokyo Inn cũng từng tuyên bố sẽ xây dựng chuỗi 100 khách sạn 3 sao ở khắp Việt Nam...

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM