Vì sao người Nhật vẫn mua đĩa CD giữa thời đại nhạc số?

05/10/2014 10:25 AM | Kinh doanh

Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ nhì thế giới vẫn đang "sốt xình xịch" với đĩa CD. Các loại đĩa nhạc chiếm tận 85% doanh số ngành âm nhạc cả nước.

Giữa thời đại số hóa này, doanh số đĩa CD đang đi xuống nhanh chóng, thực tế này ai ai cũng biết. Kể từ khi Internet xuất hiện và đem tới lợi ích vô tận cho cuộc sống, đĩa quang dường như đã phải nhường ngôi cho những công nghệ mới. Thế nhưng, trên thế giới vẫn còn một nơi mà tại đó đĩa CD vẫn ngự trị.

Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ nhì thế giới vẫn đang "sốt xình xịch" với đĩa CD. Các loại đĩa nhạc chiếm tận 85% doanh số ngành âm nhạc cả nước. Năm 2009, doanh số nhạc số tại nước này đạt 1 tỉ USD nhưng ba năm sau thì chỉ còn 400 triệu USD, quả là một sự sụt giảm đáng kể trong thời gian ngắn. Điều này hoàn toàn trái ngược lại với thế giới khi tại nhiều nước âm nhạc kỹ thuật số đang chiếm ưu thế.

Ngày nay nhìn thấy ai đi mua đĩa CD đã là chuyện lạ đời, nay điều đó lại càng lạ hơn khi diễn ra một cách phổ biến tại "xứ công nghệ" Nhật Bản. Nói đến điện thoại, máy tính và các thiết bị đời mới thì đất nước robot này luôn đi trước các nước khác, vậy mà nay lại đứng đầu thế giới về việc bán đĩa CD.

Theo báo New York Times, có hai nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng này, đó là môi trường bảo hộ kinh doanh trong ngành âm nhạc và văn hóa sưu tầm của người Nhật.

Muốn kinh doanh nhạc số ở Nhật đâu dễ!

Công chúng Nhật Bản có vẻ thận trọng với việc bán và tải nhạc số, một phần là do số lượng các công ty nhạc số không nhiều vì bị các công ty âm nhạc lớn khống chế. Việc quản lý tác quyền tại nước này cũng rất phức tạp nên cấp giấy phép là một điều khó khăn. Hơn nữa các công ty cũng chưa quá quan tâm tới việc đầu tư vào không gian số ở thời điểm hiện tại. Chính hai trong số những công ty nhạc số lớn nhất thế giới là Spotify và Rdio cũng vẫn chưa hiện diện tại nước này.

Tại những quốc gia như Hoa Kỳ, chuyển sang kinh doanh nhạc số là điều cần thiết và đây được xem là hy vọng duy nhất cho một ngành công nghiệp đang bị chảy máu lợi nhuận. Ở Nhật, doanh số CD có giảm nhưng không nhiều và vẫn mang lại lợi nhuận lớn. 

Những cái thú chỉ CD mới mang lại được

Thêm vào đó, người Nhật rất ưa thích sưu tầm, chính sở thích này đã làm thúc đẩy doanh số đĩa nhạc. Nhiều cửa hiệu, nghệ sĩ còn kích thích người hâm mộ mua nhiều đĩa CD của cùng một album bằng cách khuyến mãi, ví dụ tặng thêm vé hay một tác phẩm đặc biệt. Trong việc này thì các phiên bản Deluxe và những bài hit hay nhất phát huy công dụng cực mạnh. Còn ở Mỹ thì họa hoằn lắm mới thuyết phục được vài người bỏ thêm ít tiền để mua những tặng phẩm ấy.

Tower Records là một trong những chuỗi cửa hàng CD hùng mạnh vẫn sống và kinh doanh tốt tại Nhật dù nhiều cái tên khác đã phải đóng cửa. Trong một năm toàn bộ hệ thống thu về được 500 triệu USD. Năm 2006, khi Tower Records tại Mỹ đệ đơn phá sản thì có 89 cơ sở dẹp tiệm, nhưng 85 cơ sở ở Nhật Bản vẫn tiếp tục kinh doanh.

Đĩa CD chưa hề "chết" mà vẫn chiếm 41% doanh số ngành thu âm toàn thế giới. Giống như đĩa vinyl vậy, thị trường vẫn còn những người khi thẩm âm là phải được cầm trong tay một hộp nhựa, một đĩa nhạc và một cuốn sách nhỏ, mà những thứ ấy thì chỉ có đĩa CD mới mang lại được!

>> Nhật Bản xây thang máy lên vũ trụ

Thuỳ An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM