Vì sao nghệ thuật vẫn đắt đỏ khi kinh tế thế giới lao đao?

05/08/2013 07:27 AM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

- Thị trường nghệ thuật đi ngược với xu thế kinh tế thế giới đã phần nào phác họa bản chất của sự giàu có trong xã hội hiện nay.
- Vài chục triệu đô chi cho một bức tranh không thấm vào đâu so với tài sản của giới siêu giàu.
- Năm 2007, quy mô của thị trường nghệ thuật vào khoảng 56 tỷ USD. Một lượng khách hàng đông đảo đến từ những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Trung Đông.


Phong cách chịu chơi của những đại gia siêu giàu có đã khiến nhiều sản phẩm nghệ thuật giữ được mức giá trên trời, dù là trong thời điểm hiện nay. Nhiều tác phẩm điêu khắc vẫn được chào bán và săn lùng với mức giá cao ngất ngưởng.

Nhà sưu tầm người Mỹ Steve Cohen đã quyết chí chia tay với 150 triệu đôla của mình để đem về bức Giấc mộng của Picasso, tháng 3 năm 2013.

Bảy năm trước, dân tình đã vô cùng sốc trước việc ông chủ sòng bài Las Vegas, Steve Wynn quyết định bán bức họa Giấc mộng (Le Rêve) của Picasso với mức giá “nổ đom đóm mắt”: 139 triệu đôla Mỹ.

Bức họa nằm trong một serie các bức chân dung phác họa vẻ gợi tình của cô đào Marie Thérèse Walter - nhân tình của Picasso, tất cả đều được vẽ vào năm 1932, khi cả hai đang chìm đắm trong cuộc phiêu lưu tình ái. Giấc mộng cũng nằm trong số những bức tranh được săn lùng nhiều nhất của người nghệ sỹ này.

Giờ đây, sau khi được chỉnh trang lại, giá của bức họa này còn lên cao hơn nữa, ở mức 150 triệu đôla, thiết lập một kỷ lục mới cho giá bán các tác phẩm của Picasso cũng như kỷ lục trả giá của một nhà sưu tầm tư nhân người Mỹ. Mức giá này cũng chính thức phá kỷ lục của bức họa Tiếng Thét, đạt con số đấu giá 120 triệu đôla tại New York vào năm ngoái.

Trong khi bức tranh kinh tế toàn cầu phủ một màu u ám, thị trường kinh doanh nghệ thuật vẫn luôn khởi sắc, với những con số kỷ lục mới liên tục được tạo ra. Giấc mộng chỉ là một ví dụ của giá trị xoáy trôn ốc, thúc đẩy bởi những dòng tiền mới đến từ những nền kinh tế mới nổi, cùng hoạt động đầu cơ và niềm đam mê nghệ thuật trộn lẫn với lối sống ưa chuộng các vật phẩm thời thượng, hào nhoáng. 

Bức họa Tiếng thét của Munch lập kỷ lục đáng gờm tại một nhà đấu giá tại New York vào năm 2012, khi được mua với mức 119,9 triệu đôla Mỹ.

Thị trường nghệ thuật đi ngược với xu thế kinh tế thế giới đã phần nào phác họa bản chất của sự giàu có trong xã hội hiện nay.

Đa số lượng tiền nằm trong bàn tay của 1426 tỉ phú đến từ khắp nơi trên thế giới (theo thống kê gần đây nhất của Forbes), và những cá nhân này đang ngày càng hăng hái trong cuộc đua tranh giành những tác phẩm nghệ thuật thứ thiệt. Nói gì thì nói, đến tỷ phú Nga Roman Abramovich còn sẵn sàng chi tới cả tỷ đô cho chiếc du thuyền Eclipse, thì vài triệu đôla sắm về một tác phẩm nghệ thuật treo tường có là gì?!

Gương mặt người nghệ sỹ. Ba góc độ tự họa chân dung Francis Bacon gây chú ý trong năm nay, khi nó được bán tại nhà đấu giá Sotheby, London với giá 13,8 triệu bảng Anh (tương đương 21 triệu đôla Mỹ).

Thị trường nghệ thuật: Bức tranh nhiều biến động

Biến động, bởi trong vòng 25 năm qua, kích thước của thị trường này đã mở rộng trên quy mô lớn. Theo báo cáo công bố năm 2012 của tiến sỹ kinh tế học Clare McAndrew, hơn 27,2 tỷ đôla tiền bán các tác phẩm đã được thu về từ các nhà đầu giá và nhiều hiệu buôn, riêng trong năm 1990. Cho tới năm 2007, con số này đã vọt lên mức 56 tỷ, dù nó còn thấp hơn một chút so với năm 2006.

Cùng với sự mở rộng thị trường, việc kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật đã có những đổi thay sâu sắc, với sự nhập cuộc của nhiều nền kinh tế mới. Không còn bị thống trị bởi các nghệ sỹ và giới sưu tầm đến từ Mỹ hay châu Âu, thị trường nghệ thuật đã được toàn cầu hóa.

Bức vẽ của Raphael, phác họa mái đầu son trẻ của một tông đồ của Chúa, đã được bán với giá 47,8 triệu đôla Mỹ tại nhà đấu giá Sotheby, London năm 2012 cho một người mua đến từ ngoài nước Anh. Dù vậy, chính phủ Anh đã đưa ra quyết định gây tranh cãi, ra lệnh cấm xuất cảnh tác phẩm này.

Chỉ hai năm về trước, trong những bản báo cáo lạc quan về triển vọng kinh tế và làn sóng vung tiền của người Trung Quốc vào các sản phẩm nghệ thuật, người khổng lồ châu Á đã vươn lên top đầu “chịu chơi” trong lĩnh vực này. Dù hiện nay đã tụt hai bậc trên bảng tổng sắp “yêu nghệ thuật”, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn đóng góp 25% vào tổng doanh thu từ các tác phẩm nghệ thuật, chỉ xếp sau Hoa Kỳ với 33%.

Trước đây, người ta chủ yếu bán tranh và nhiều tác phẩm nổi danh khác cho các nhà sưu tầm phương Tây, nhưng giờ họ nói nhiều tới những nhà sưu tầm Trung Quốc. Một ví dụ là gần đây, tác phẩm thư pháp nổi tiếng của danh họa Huang TingJian có từ thế kỷ 11 đã được bán với mức giá cao bất ngờ: 63,8 triệu đôla Mỹ tại Bắc Kinh.

Ngoài Trung Quốc, Qatar và các tiểu vương quốc Arap thống nhất cũng là những điểm đến mới của các tác phẩm nghệ thuật. Gia đình Hoàng gia Qatar, mà tiêu biểu nhất là Sheikha Mayassa Al Thani - con gái của Hoàng thân Qatar, là một kẻ cuồng tranh đích thực và hiện được xem là người mua tranh nhiều nhất trên thế giới. Cô đã mua những gì? Hầu hết những tác phẩm lọt vào mắt xanh vị công chúa này là các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, và bức tranh đắt giá nhất thế giới hiện nay, bức Những người chơi bài của Cézanne, đã được đưa về Qatar với cái giá 250 triệu đôla Mỹ.

Thú chơi nghệ thuật và sự chênh lệch giàu nghèo

Mua các tác phẩm nghệ thuật, với những người giàu mới nổi ngày nay, được xem là cách thể hiện một phong cách sống đẳng cấp. Những tạp chí thời trang, các công ty kinh doanh xa xỉ phẩm cũng như nhiều ngân hàng đang dần nhìn nhận các tác phẩm nghệ thuật như một dạng thức tài sản sở hữu mới. Ở một số quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, mua tranh là ưu tiên đầu tư hàng đầu, thay vì chỉ đơn thuần là một sở thích hay đam mê.

Mặt trái của thực tế này chính là sự phân cực sâu sắc, với một bên là nhóm nhỏ của những kẻ siêu giàu đẩy nhanh sự nảy nở của thị trường, đội giá trị sản phẩm của một vài nghệ sỹ danh giá và làm giàu nhanh chóng cho một số ít các phòng tranh cũng như các nhà đấu giá. Bên còn lại, sở hữu phần rất nhỏ của thị trường, thuộc về phần đông công chúng và những người nghệ sỹ mới. Bức tranh nghệ thuật tưởng chừng như sôi động kia, thật ra lại diễn biến trong một bộ phận nhỏ của toàn bộ thị trường, và phản ánh sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc.

Đặc biệt, trong phân khúc thị trường bậc trung, một số phòng tranh hiện phải đóng cửa, nhiều phòng tranh khác cũng đang vật lộn qua thời kỳ khó khăn. London gallery Hotel, dẫu là một không gian trưng bày nghệ thuật danh giá, cũng đành chịu cảnh giải thể vào năm ngoái.

Nghệ thuật, buồn thay, đang trở thành trò chơi của những kẻ có tiền. Và khi nhu cầu sưu tầm tranh của những tên tuổi như Picasso và các tác phẩm tầm cỡ Giấc mộng dường như không thể thỏa mãn trong thời điểm hiện nay, giấc mộng nghệ thuật có lẽ vẫn quá gian nan cho những họa sỹ trẻ, còn ít người biết tới.

Mức giá cao nhất trả cho tác phẩm của một nghệ sỹ hiện vẫn còn sống đã được thiết lập vào năm 2012, khi Eric Clapton bán lại bức Abstrakes Bild của họa sỹ Gerhard Richter và thu về 21,3 triệu bảng Anh (tương đương 33 triệu đôla Mỹ).

duchai

Cùng chuyên mục
XEM