Vì sao khách nói tiếng Trung thích mua đất ven biển Đà Nẵng?

02/10/2015 09:42 AM | Kinh doanh

“Tấm thảm đỏ” mà các doanh nghiệp bất động sản TPHCM trải ra để mời gọi khách nước ngoài, Việt Kiều dường như không hấp dẫn các vị khách nói tiếng Trung Quốc – những người đang tích cực tìm kiếm cho mình một lô đất “view biển” tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam là Đà Nẵng.

Thảm đỏ TPHCM đã trải

Một doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM là Hưng Thịnh Land cho biết công ty đang triển khai dự án đáp ứng tốt các tiêu chí cho người nước ngoài là Vung Tau Melody tại TP Vũng Tàu.  Dự án gồm 26 tầng phù hợp với những ai thích sở hữu căn hộ thứ 2, hoặc những chuyên gia gia nước ngoài đang làm việc tại Vũng Tàu. Với giá trị đầu tư vừa phải, chủ nhân của Vung Tau Melody còn có thể kinh doanh hiệu quả khi cho khách du lịch thuê lại.

Ông Nguyễn Đình Bảo – Phó Tổng giám đốc công ty Nhà Khang Điền (KHD) cho biết:  “Qua các khảo sát lấy ý kiến khách hàng của công ty cho thấy, những người nước ngoài sống ở Việt Nam hoặc Việt Kiều về nước có nhu cầu mua nhà ở đều rất quan tâm đến vấn đề cảnh quan môi trường. Đây dường như được coi là “cánh cổng” đầu tiên để chào đón đối tượng này. Quan trọng nhất là phải thỏa mãn nhu cầu khá khắt khe của đối tượng này, họ đã quen sống trong môi trường trong lành, an ninh, với tiêu chí “nhà rộng, có sân vườn, tiện ích nội khu, an ninh tuyệt đối, tất cả trong một”.

Ông Phan Thành Huy – Tổng Giám đốc Novaland, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại TPHCM chia sẻ:  “Nhóm khách ngoại và Việt kiều đa số có nguồn tài chính ổn định và mức sống cao, vì vậy, họ đòi hỏi những tiêu chuẩn quốc tế về quy hoạch, thiết kế và tiện ích của các dự án bất động sản tại Việt Nam. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản như Novaland nỗ lực vươn lên, sáng tạo những căn hộ đẹp, chất lượng tốt, đẳng cấp quốc tế, xóa đi sự cách biệt giữa các sản phẩm trong và ngoài nước”.

Ông Nguyễn Dư Lực - Tổng Giám đốc công ty Hưng Lộc Phát là chủ đầu tư dự án căn hộ Hưng Phát Silver Star ở huyện Nhà Bè TPHCM thì cho rằng đối với người nước ngoài, Việt Kiều khi mua nhà tại Việt Nam, ngoài việc quan tâm về mức giá thì yếu tố quyết định mà họ yêu cầu là an ninh an toàn, các dịch vụ tiện ích, đặc biệt trường học và môi trường sống cho con cái được đặt lên hàng đầu.

Ông Lực cho biết từ nay đến năm 2018 công ty sẽ triển khai thêm 4 dự án tại Nam Sài Gòn, với tổng số khoảng 4.000 căn hộ cao cấp và tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. Những căn hộ này hướng đến đối tượng khách hàng trung cao cấp, người nước ngoài và Việt kiều.

Công ty Đất Xanh Miền Nam cũng cho biết sẽ có thêm nhiều dự án ở trung tâm TPHCM với hơn 5.000 căn hộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường nói chung và khách nước ngoài, Việt kiều nói riêng. Như vậy, có thể thấy rằng thị trường hiện nay không thiếu những dự án bất động sản dành cho người nước ngoài nói chung và khách Trung Quốc nói riêng.

Khách Trung Quốc thích đất Đà Nẵng

Tuy nhiên, dường như “tấm thảm đỏ” mà  các doanh nghiệp bất động sản TPHCM trải ra để mời gọi khách nước ngoài, Việt Kiều không hấp dẫn các vị khách nói tiếng Trung Quốc. Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng vừa lên tiếng cảnh báo hiện tượng người nước ngoài núp bóng người Việt mua lại nhiều lô đất ven biển trên địa bàn thành phố này. Những vụ chuyển nhượng này thông qua rất nhiều cấp, thực hiện thỏa thuận với nhà đầu tư, các chủ nhà đất của dân, các chủ khách sạn...  Đó là hoạt động chuyển nhượng đất đai cho người nước ngoài, chủ yếu là người nói tiếng Trung Quốc .

Dưới góc độ pháp lý, tham luận của luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM tại hội thảo "Gỡ nút thắt cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam" có thể lý giải phần nào thực trạng này.

Thứ nhất, mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 với những quy định thông thoáng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết. Do đó, khách hàng ngoại vẫn đang trong trạng thái tâm lý chờ đợi những quy định dưới luật được hướng dẫn như thế nào rồi mới quyết định.

Theo luật sư Hậu, nhiều khách hàng nước ngoài còn e ngại về thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam hoặc phương thức thanh toán khi mua nhà, vay ngân hàng… Ví dụ một người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam, sử dụng được 20 năm, sau đó họ muốn bán đi cho một người nước ngoài khác, khi đó thời hạn sở hữu còn lại của người mua lại chỉ còn 30 năm, dẫn đến giá trị căn nhà bị giảm đáng kể.

Chắc chắn với tâm lý của người Á Đông, khách Trung Quốc khi có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam sẽ cân nhắc lựa chọn giữa việc mua quyền sở hữu trong 50 năm và tìm cách được sở hữu vĩnh viễn căn nhà mảnh đất của riêng mình. Ví dụ họ có thể mua quyền sở hữu thông qua hình thức góp vốn, ủy thác, cho vay đầu tư hoặc mua trái phiếu, cổ phần chi phối các doanh nghiệp bất động sản.

Cùng với đó, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam với cung cách làm ăn đặt “chữ tín lên hàng đầu” cũng sẽ làm yên lòng những người khách phương xa khi cần tìm người “đóng thế vai” trên giấy tờ nhà đất. Với những quy định còn nhiều bất cập chồng chéo hiện nay của pháp luật đầu tư và thuế, việc xác định chủ sở hữu thực sự của một căn nhà hay mảnh đất sẽ rất khó khăn và tốn nhiều công sức.

Một kiến giải nữa về môi trường sống, với các vị khách vừa mới thoát khỏi những thành phố công nghiệp chật chội và ô nhiễm của Trung Quốc, họ sẽ mong muốn có được không gian sống trong lành, gần núi sát biển và không phải chịu cảnh kẹt xe triền miên như các thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, xét trên bình diện an ninh trật tự cả “trong nhà ngoài ngõ” và trải nghiệm sống thì có lẽ hiện nay không có thành phố nào vượt qua Đà Nẵng.

Còn xét về yếu tố phong thủy cũng được đa số khách hàng Trung Quốc quan tâm, nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo trong bài biết “Đà Nẵng với tầm nhìn phong thủy” cho biết trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam, khi mang quân đi đánh Chiêm Thành vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân trên đèo Hải Vân. Đêm khuya thanh vắng, phong cảnh hữu tình, nhà vua ngắm trăng trên đỉnh Hải Vân Sơn, rồi nhìn xuống vịnh Sơn Trà và làm hai câu thơ: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt - Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Đêm khuya trăng rọi Đồng Long -  Thuyền buôn Lộ Hạc  gió ròng canh thâu).

Ý nghĩa 2 câu thơ trên của nhà vua theo ông Lê Văn Hảo là do sông Cu Đê và sông Hàn tựa như hai con rồng chầu vào Đà Nẵng tạo thành hình thế: “Song long nhiễu nguyệt” (Hai con rồng chầu vào mặt trăng).  Do vậy mà vua Lê Thánh Tông đã gọi vịnh Đà Nẵng là Đồng Long. Ngoài ra, về địa hình, thành phố Đà Nẵng Tay có tay mặt “bạch hổ” là Ngũ Hành Sơn, tay trái “thanh long” có Hải Vân Sơn cao vút.

Theo như sách Địa lý Tả Ao diễn tả: “Muốn cho con cháu sống lâu - Tìm nơi huyền vũ đằng sau cao dày - Muốn cho con cháu phát giàu - Dưới chân Minh đường nước tụ quanh năm”. Thành phố Đà Nẵng có “huyền vũ” ở phía sau lưng do nhiều núi non từ thấp lên cao để tựa thế: từ Đại La, Phước Tường, cho đến Bà Nà - Núi Chúa và cuối cùng là dãy Trường Sơn hùng vĩ; còn minh đường ở phía trước mặt chính là Vũng Thùng.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM