Ván bài của Bầu Long

12/06/2015 17:20 PM | Kinh doanh

Lúc cổ đông nhận được thông tin Bầu Long quyết định đầu tư lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi, cũng là lúc Cổ phiếu Hòa Phát bước vào chu kỳ giảm giá...

Trong 10 tháng qua, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) liên tục đi xuống, từ vùng giá 40.000 đồng/cp đã giảm khoảng 40% theo giá thấp nhất 25.300 đồng/cp của ngày 5/6/2015.

Nguyên nhân nào đã khiến cho giá cổ phiếu Hòa Phát sụt giảm nhiều như vậy

 

Biến động giá cổ phiếu HPG trong 12 tháng qua

Thứ nhất, trong con mắt của một số nhà đầu tư, có lẽ lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi mà Hòa Phát muốn nhảy vào đã bão hòa và đang phải gặp áp lực cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp lớn trong ngành. Thêm nữa, các nhà đầu tư cũng cảm nhận rằng HPG đang rời xa ngành kinh doanh cốt lõi, khó khăn và rủi ro trong tương lai là không tránh khỏi.

Thứ hai, Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, đi kèm đó tiến trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập sẽ làm cho ngành thép trong nước càng gặp khó khăn.

Thứ ba, giá dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014 đã làm cho giá cả nhiều mặt hàng giảm theo, trong đó có giá các loại thép và các nhà đầu tư cho rằng yếu tố này sẽ khiến cho lợi nhuận Hòa Phát giảm mạnh trong năm nay.

Thứ tư, việc các cổ đông nước ngoài liên tục thoái vốn tại Hòa Phát trong nhiều tháng qua cũng là một nguyên nhân góp phần đẩy giá HPG giảm sâu. Phải chăng đã xuất hiện sự không đồng thuận của nhóm cổ đông ngoại khi HPG quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực nông nghiệp?

Cách đây vài ngày, Chủ tịch HĐQT - Trần Đình Long đã quyết định bỏ ra 270 tỷ mua vào 10 triệu cổ phiếu HPG.

Trước động thái này của ông Long, đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Hòa Phát đang phải chịu áp lực với nợ xấu, và đăng ký mua vào cổ phiếu là để "đỡ giá". Nhưng cũng có thể giá cổ phiếu HPG giảm nhanh như vậy chỉ đơn thuần là do kỳ vọng của một số cổ đông đối với Hòa Phát thấp hơn so với thực tế.

Phân tích kỹ hơn, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI đã chỉ ra một góc nhìn khác về Hòa Phát:

- Trong năm 2014 và Quí I/2015, dễ nhận thấy rằng đa số doanh nghiệp ngành thép kinh doanh ở tình trạng thua lỗ, hòa vốn hoặc nếu có lãi thì ở mức rất thấp, lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1%/doanh thu .

Hòa Phát cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, trong những năm khó khăn vừa qua, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép của HPG vẫn tăng trưởng .

- Khoản nợ khoảng 5.000 tỷ đồng Hòa Phát đang phải "gánh" chỉ là khoản vay ngắn hạn tài trợ cho nguồn vốn lưu động. Số nợ này chỉ bằng 1,5 năm của lợi nhuận và khấu hao cơ bản.

- Ảnh hưởng từ giá dầu giảm mạnh làm cho giá nhiều nguyên liệu cũng giảm mạnh, kéo theo giá bán thép sụt giảm, sự kiện này chỉ ảnh hưởng trong Quí 4 của Hòa Phát.

- Một số hiệp định thương mại đã và sẽ được ký kết, song hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam không phải dễ bởi các nhân tố như thuế, phí, chi phí vận chuyển, hệ thống phân phối… các khoản này làm tăng giá thành lên 15% - 20%.

Như vậy, có thể tạm coi động thái mua vào 10 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Hòa Phát đơn thuần là để đẩy mức giá HPG lên mức hợp lý hơn, đồng thời cũng thể hiện một điều rằng Hòa Phát vẫn đang kinh doanh hiệu quả.

Vậy, Hòa Phát được gì và mất gì khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Theo nhận xét của những chuyên gia trong ngành sản xuất thức ăn gia súc, áp lực cạnh tranh trong ngành này sẽ ngày càng tăng, biên lợi nhuận thu được ngày càng thấp. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của những doanh nghiệp hiệu quả chỉ đạt 5%.

Hòa Phát chọn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp

Hòa Phát chọn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp

Biết người biết ta, Hòa Phát cũng "chỉ" bỏ ra 300 tỷ đầu tư cho tài sản dài hạn, số tiền này bằng 10% so với lợi nhuận hàng năm. Có lẽ ban lãnh đạo Hòa Phát đã rút được những kinh nghiệm sau những "cú ngã" trong quá khứ như xây dựng nhà máy xi-măng, hay mua lại công ty sản xuất cửa.

Dễ nhận thấy cách thức triển khai của Hòa Phát có nét tương đồng với cách của công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã làm: Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc làm bàn đạp, sau đó làm trang trại và cuối cùng là xây dựng mạng lưới khắp cả nước.

Tất nhiên, chưa thể so sánh với CP được vì so với CP, Hòa Phát chỉ được coi là một "lính mới" chưa có kinh nghiệm gì trong ngành.

Như vậy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có thể coi như một "ván bài" đối với Hòa Phát và bầu Long. Nếu có thất bại thì "chỉ" mất 300 tỷ, nếu thành công thì được rất nhiều.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM