Tương lai của Ukraine: Tổng thống vs các ông trùm

06/04/2015 10:42 AM | Kinh doanh

Ngày 25/3, Tổng thống Petro Poroshenko buộc Ihor Kolomoisky phải rời khỏi vị trí thống đốc vùng Dnipropetrovsk – trung tâm công nghiệp của Ukraine. Kolomoisky là người đã từng tài trợ cho các tiểu đoàn ủng hộ Kiev và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xu hướng ly khai.

Nội dung nổi bật:

- Ở Ukraine xuất hiện xung đột ngày càng lớn giữa chính phủ và các ông trùm. Và, có lẽ đây chính là “mặt trận” quan trọng nhất đối với tương lai của Ukraine.

- Các ông trùm Ukraine có nhiều ảnh hưởng đến chính trị. Sở hữu ngành truyền thông cho phép họ làm chủ cuộc chơi. Đồng thời, một hệ thống bỏ phiếu kín có nghĩa là các ông trùm Ukraine dễ dàng “cài cắm” những kẻ thân tín vào bộ máy lãnh đạo.


Năm ngoái, chính phủ Ukraine đã viện đến sự trợ giúp của các ông trùm đầy quyền lực của nước này để chống lại những phần tử ly khai thân Nga. Tuy nhiên, giờ đây một cuộc chiến mới lại đang nổ ra với một bên là chính phủ và bên còn lại là một trong những ông trùm mà họ đã dựa vào.

Ngày 25/3, Tổng thống Petro Poroshenko buộc Ihor Kolomoisky phải rời khỏi vị trí thống đốc vùng Dnipropetrovsk – trung tâm công nghiệp của Ukraine. Kolomoisky là người đã từng tài trợ cho các tiểu đoàn ủng hộ Kiev và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xu hướng ly khai. Dẫu vậy, sau khi doanh nhân này sử dụng quân đội của riêng mình để ngăn chặn chính phủ can thiệp vào những lợi ích kinh doanh của ông, Tổng thống Poroshenko không còn lựa chọn nào khác là phải sa thải Kolomoisky.

Sự việc này là vụ đụng chạm lớn nhất thể hiện xung đột ngày càng lớn giữa chính phủ Ukraine và các ông trùm. Và, có lẽ đây chính là “mặt trận” quan trọng nhất đối với tương lai của Ukraine. Sergii Leshchenko, một cựu nhà báo điều tra và hiện là thành viên trong ban cải cách của quốc hội Ukraine, gọi đây là giai đoạn hai của cuộc cách mạng Maidan. “Những người Maidan đã phế truất cựu Tổng thống Yanukovych, nhưng hệ thống các ông trùm vẫn còn đó”.

Giới tài phiệt Ukraine tích lũy được khối tài sản kếch xù sau những thương vụ tư nhân hóa khổng lồ trong những năm 1990. Kolomoisky có tài sản ở các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng và cả truyền thông. Năm ngoái ông bắt đầu tài trợ cho các nhóm tình nguyện củng cố sức mạnh cho quân đội chính phủ ngày càng suy yếu. Bảo vệ Ukraine cũng là bảo vệ đế chế kinh doanh của Kolomoisky. Ngân hàng PrivatBank của ông treo thưởng 10.000 USD cho những ai bắt được các phần tử ly khai và trang bị cho quân đội những chiếc xe bọc thép. Tháng 3 năm ngoái, Kolomoisky được bổ nhiệm làm thống đốc vùng Dnipropetrovsk.

Các ông trùm khác không có được chức vụ như Kolomoisky. Tuy nhiên, không giống như các ông trùm Nga, họ có nhiều ảnh hưởng đến chính trị Ukraine. Sở hữu ngành truyền thông cho phép họ làm chủ cuộc chơi. Đồng thời, một hệ thống bỏ phiếu kín có nghĩa là các ông trùm Ukraine dễ dàng “cài cắm” những kẻ thân tín vào bộ máy lãnh đạo. Kết quả là, chính phủ và giới doanh nhân ở Ukraine gần như là một.

Kolomoisky hiện đang sở hữu lượng lớn cổ phần ở tập đoàn dầu mỏ trực thuộc nhà nước UkrNafta. Trước đây pháp luật Ukraine yêu cầu 60% cổ phần để có quyền biểu quyết ở các cuộc họp của các tập đoàn nhà nước. Sở hữu 42%, Kolomoisky gần như có quyền kiểm soát tập đoàn này. Kolomoisky đã thu về hàng tỷ hryvnia tiền cổ tức.

Ngày 19/3 vừa qua, các nhà cải cách trong quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật giảm thiểu yêu cầu về số đại biểu cẩn thiết tại các doanh nghiệp nhà nước. Một vài ngày sau, một nhóm người có vũ trang được cho là trung thành với ông Kolomoisky đã tập trung quanh trụ sở của UkrNafta. Trước đó, ông Kolomoisky xuất hiện tại một tập đoàn dầu mỏ khác của nhà nước là UkrTransNafta với một đám vệ sĩ, sau khi chính phủ cố gắng thay thế một giám đốc trung thành với ông.

Kể từ khi phong trào Maidan bùng nổ, các nhà cải cách ở Ukraine đã luôn muốn loại bỏ ảnh hưởng của các ông trùm nhưng đạt được rất ít thành công. Tham nhũng vẫn hoành hành ở Ukraine và tình hình chỉ thực sự tiến triển ở những nơi mà nhóm trí thức mới và các đối tác phương Tây cùng gây áp lực. Năm ngoái, Mỹ đã phát đi tín hiệu bằng cách buộc tội Dmitry Firtash và tỷ phú này bị bắt ở Vienna.

Theo Viktoriya Voytsitska, đại biểu quốc hội đã đấu tranh gay gắt cho đạo luật về cổ đông, cho rằng thay đổi chỉ thực sự đến nếu Ukraine “khởi động lại” cả hệ thống. Nếu không, “chúng ta sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc chiến giữa các ông trùm”. Các ông trùm ở Ukraine vốn đang cạnh tranh khốc liệt để giành “miếng bánh kinh tế”. Pinchuk và Kolomoisky đang kiện nhau ở London. Bản thân Tổng thống Poroshenko cũng bổ nhiệm các đối tác kinh doanh và bạn bè thân cận vào nhiều vị trí trong chính phủ.

>> Ukraine tăng lãi suất lên mức cao nhất thế giới

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM