Trường Hải "khó khăn đặc biệt" gì mà phải xin hoãn nộp thuế?

18/06/2013 12:42 PM | Kinh doanh

Năm 2012, Trường Hải mạnh dạn rót hơn 2.600 tỷ đồng góp vốn, cho vay và mua các dự án bất động sản, bằng 2/3 tổng mức đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất động cơ ô tô Chu Lai-Trường Hải.

Đề xuất gia hạn nộp hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu của Trường Hải đã nhận được sự đồng thuận từ các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ hết lòng còn Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này “thuận cả tình và lý”.

CTCP Ô tô Trường Hải là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thị phần lớn nhất Việt Nam. Công ty đang tiến hành đầu tư dự án nhà máy sản xuất động cơ ô tô đầu tiên tại Việt Nam với tổng số vốn 190 triệu USD tại khu kinh tế Chu Lai.

Trong hai năm 2011-2012, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, Trường Hải đã đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Năm 2012, Trường Hải và cá nhân ông Trần Bá Dương đã được trao Huân chương Lao động Hạng II. Bên cạnh đó, công ty còn dành một số giải thưởng khác như Nhà phân phối xuất sắc toàn cầu 2011 của Kia Mortos; Top 10 Sao vàng Đất Việt 2011; Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp...

Trường Hải mạnh dạn đưa ra kiến nghị kể trên là dựa theo quy định nếu “gặp khó khăn đặc biệt” thì doanh nghiệp được quyền xin gia hạn nộp thuế tối đa một năm.

Luật thuế hiện hành không định nghĩa thế nào là “khó khăn đặc biệt”, nhưng phía Trường Hải cho rằng tình hình kinh tế xấu đi khiến doanh số thị trường ô tô trong nước giảm mạnh, thậm chí triển vọng thị trường phía trước cũng không có gì sáng sủa, đó gọi là “khó khăn đặc biệt”.

Năm ngoái, doanh số bán xe của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) giảm 33% so với năm 2011.

Dù triển vọng thị trường ô tô Việt Nam không mấy sáng sủa, nhưng năm 2012 Trường Hải vẫn tiếp tục đầu tư một nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ, được coi là bước đi chiến lược và đột phá của Trường Hải trong ngành ô tô Việt Nam. Theo BCTC của Trường Hải, năm ngoái công ty này đã chi 750 tỷ mua sắm tài sản cố định mới. Trong quý I năm nay, công ty lại chi thêm 185 tỷ cho mục đích này.

UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định cần phải gia hạn nộp thuế để Trường Hải đầu tư cho sản xuất, sau này mới có sức cạnh tranh với xe nhập khẩu một khi hàng rào thuế quan không còn.

Phối cảnh dự án khu dân cư Đại Quang Minh tại Thủ Thiêm, Tp. HCM

Mạnh dạn đầu tư hơn 2.600 tỷ vào bất động sản

Năm 2012 là thời điểm Trường Hải mạnh mẽ dấn thân vào ngành bất động sản.

Trường Hải đã chi 908 tỷ đồng để sở hữu 30% Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Đại Quang Minh đang có dự án khu dân cư rộng 37,15 ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.HCM.

Theo tin từ Trường Hải, tới cuối tháng 4/2013, các cổ đông của Đại Quang Minh đã góp đủ 3.500 tỷ vốn điều lệ, cũng có nghĩa, nếu muốn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, Trường Hải phải bỏ vào Đại Quang Minh thêm gần 150 tỷ trong mấy tháng đầu năm nay.

Nhà sáng lập Trường Hải, ông Trần Bá Dương, vừa từ chức Tổng giám đốc để sang lãnh đạo Đại Quang Minh. Ông Dương vẫn giữ ghế Chủ tịch tại Trường Hải. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án Đại Quang Minh là khoảng 10-12.000 tỷ đồng, đây sẽ là áp lực tài chính không nhỏ cho công ty trong thời gian từ nay tới khi hoàn thành dự án vào nửa cuối năm 2016.

Lớn không kém khoản đầu tư vào Đại Quang Minh là số tiền 1.102 tỷ mà Trường Hải đã ứng trước cho CTCP Đầu tư Mai Linh (chủ đầu tư dự án Golden Palace trên đường Mễ Trì, Hà Nội) để mua cổ phần “của một công ty kinh doanh bất động sản”.

Đại Quang Minh và Đầu tư Mai Linh được Trường Hải cho vay 356 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh tạm thời.

Bên cạnh đó, Trường Hải còn tạm ứng 100 tỷ cho ông Bùi Ngọc Thành mua đất tại dự án 145 Phan Đăng Lưu, Tp.HCM và 62 tỷ cho Công ty TNHH Thăng Long mua dự án 541 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Các khoản tạm ứng để mua đất của Trường Hải còn có 20 tỷ cho CTCP Khoáng sản và năng lượng An Phú, gần 10 tỷ cho ông Phùng Bá Thanh và bà Nguyễn Thị Chất, cùng 78,5 tỷ “cho nhân viên”.

Tính tổng cộng, trong năm 2012, Trường Hải đã rót hơn 2.636 tỷ vào bất động sản, trong đó 356 tỷ là tiền cho vay.

Một số nhà đầu tư có tầm nhìn xa sẽ khen ngợi Trường Hải “bắt đáy” đúng thời điểm khi địa ốc đóng băng, giá thấp, và một số đối tác như Mai Linh đang cần thanh lý tài sản để “cứu” hoạt động kinh doanh chính.

Vì sao thiếu tiền?

Hoạt động kinh doanh chính của Trường Hải không tệ, nếu xét đến bối cảnh khó khăn hiện nay, còn phải coi là đáng khen ngợi.

Năm ngoái, doanh thu thuần của Trường Hải đạt gần 10.400 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.655 tỷ đồng (chỉ giảm có 13% so với năm 2011). Tuy vậy, do chi phí lãi vay tăng gần 450 tỷ nên lợi nhuận trước thuế của công ty giảm từ gần 700 tỷ đồng về chỉ còn 260 tỷ.

Bù lại, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Trường Hải dương 590 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ tồn kho giảm 595 tỷ. Nếu không vì chi phí lãi vay quá lớn, hẳn Trường Hải còn có dòng tiền hoạt động ấn tượng hơn nữa.

Quý I/2013, lợi nhuận trước thuế tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền hoạt động dương 628 tỷ đồng.

Vậy vì sao Trường Hải phải xin gia hạn nộp thuế? 

Nguyên nhân có lẽ nằm ở việc Trường Hải phải cân đối dòng tiền. 

Đầu tiên là do công ty đã rót gần 2.100 tỷ tiền mặt vào góp vốn/mua cổ phần tại các công ty bất động sản (chưa kể số tiền “tạm ứng mua đất” và “cho vay” cùng với mục đích này).

Bên cạnh đó, một nửa tài sản của Trường Hải được tài trợ bằng nợ vay có tính lãi, trong đó gần 90% là nợ ngắn hạn. Trong năm 2012, chênh lệch tăng đầu tư dài hạn và ứng trước ở phía tài sản lại tương ứng với chênh lệch tăng của vay nợ ngắn hạn ở phía công nợ.

Năm 2012, số dư vay nợ ngắn hạn của Trường Hải tăng 2.000 tỷ, từ gần 3.700 tỷ lên gần 5.700 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 2.800 tỷ được bù đắp nhờ dòng tiền từ hoạt động tài chính dương hơn 2.300 tỷ.

Do thời hạn vay ngắn, nên áp lực trả nợ rất lớn, trong quý cuối cùng của năm 2012 và quý đầu tiên của năm 2013, Trường Hải đã trả nợ (ròng) cho các ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.

Cũng không thể không nhắc đến hơn 3.000 tỷ tồn kho của Trường Hải vào cuối quý I/2013, dù đã giảm gần 1.000 tỷ so với cuối năm 2011, nhưng vẫn chiếm gần một phần tư tài sản công ty. Phía Trường Hải cho rằng tồn kho cao là do kinh tế suy giảm, nhu cầu ô tô thấp nên tiêu thụ khó khăn.

“Khó khăn đặc biệt”

Quý đầu tiên năm 2013, tồn kho của Trường Hải giảm gần 350 tỷ, doanh thu thuần tăng hơn 350 tỷ, còn lợi nhuận tăng gấp bốn. 

Kinh doanh đang tương đối xuôi chèo mát mái như vậy, nếu được gia hạn 1.200 tỷ tiền thuế, e không khỏi khiến các doanh nghiệp đang vật lộn để tồn tại phải chạnh lòng. Tuy nhiên, với 1 DN lớn, mũi nhọn, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thì việc Ngân sách cân nhắc cho Trường Hải được giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cũng có thể là 1 quyết định khôn ngoan, có tính chiến lược.

Tất nhiên hoãn chưa thu thuế của Trường Hải, thì ngân sách chịu thiệt về lãi suất. Với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm ở mức xấp xỉ 6% hiện nay, ngân sách đã trợ cấp cho Trường Hải cỡ 72 tỷ đồng.

Về phía Trường Hải, lãi suất vay trung bình của công ty này là 11,4%. Nếu được gia hạn 1.200 tỷ tiền thuế, công ty coi như “lãi” thêm được gần 140 tỷ. Tất nhiên, với cơ cấu tài sản rủi ro hơn, có thể các NHTM sẽ chào lãi suất vay cao hơn.

Theo quy định của ngành thuế, trong trường hợp xấu nhất, nếu không được gia hạn nộp thuế mà cũng không vay được tiền ngân hàng nào, Trường Hải sẽ bị phạt chậm nộp 0,05%/ngày trong 90 ngày đầu tiên và 0,07%/ngày trong thời gian tiếp theo. Tính ra, sau một năm, công ty ô tô có thị phần lớn nhất Việt Nam mất đứt 285 tỷ đồng tiền phạt, lớn hơn cả lợi nhuận trước thuế năm ngoái.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho các DN là chủ trương, chính sách chủ đạo của Chính phủ. Việc Trường Hải đã nhận được sự ủng hộ của UBND Tỉnh và Bộ Tài chính thì có lẽ cũng không còn xa tới quyết định cuối cùng được giãn thuế 1.200 tỷ.

Minh Tuấn - Kiều Thuật

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM