Trung Quốc vs. Ấn Độ: Cuộc chiến trở thành công xưởng mới của Thế giới

10/11/2014 15:09 PM | Kinh doanh

Khi giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng cao, các quốc gia như Việt Nam hay Indonesia có quy mô không đủ lớn thì Ấn Độ đang nhìn thấy cơ hội vàng của mình.

Liên tục mất điện, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và đường xá tệ hại, Ấn Độ chưa bao giờ là điểm đến trong mắt John Ginascol. Trong vai trò phó chủ tịch của tập đoàn Abbot, Ginascol có trách nhiệm phải đảm bảo hệ thống sản xuất của công ty vận hành trơn tru trên phạm vi toàn cầu. “Với những người như tôi, điều tôi mong chờ là một hệ thống hạ tầng đáng tin cậy”, Ginascol cho biết.

Thế nhưng, tháng 10 vừa qua, Abbot đã bắt đầu sản xuất tại một nhà máy nằm trong khu công nghiệp phía tây bang Gujarat, Ấn Độ. Nhà máy có tổng đầu tư trị giá 75 triệu USD, sẽ sản xuất sữa Similac cho trẻ em và sữa dinh dưỡng PediaSure. Tới năm sau, khi hoạt động tối đa công suất, nhà máy sẽ tạo ra việc làm cho 400 công nhân. Ginsacol cũng không còn phàn nàn gì về cơ sở hạ tầng nơi đây. “Khu công nghiệp có hệ thống cung cấp, hệ thống điện, nước, năng lượng và đường xá rất tốt. Về cơ bản, cơ sở hạ tầng tại đây đã tương đối đầy đủ”, Ginsacol cho biết.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang kỳ vọng những doanh nghiệp khác sẽ làm điều tượng tự như Abbot. Đó là chuyển nhà máy sản xuất của họ tới Ấn Độ. Trước khi trở thành thủ tướng, ông Modi là người đứng đầu bang Gujarat. Sau 13 năm nắm quyền của ông, bang này đã trở thành nơi có nền công nghiệp phát triển hàng đầu Ấn Độ. Hiện tại, sản xuất chiếm khoảng 28% nền kinh tế Gujarat, cao hơn hẳn so với mức trung bình 13%  của quốc gia, và chỉ thấp hơn một chút so với mức 30% của “nhà máy thế giới” Trung Quốc.

Để lôi kéo các nhà đầu tư trên toàn thế giới đến với mình, Modi đang thúc đẩy chiến dịch quảng bá về những thay đổi đang diễn ra tại quốc gia mình. “Chúng ta phải tăng cường sản xuất và đảm bảo những lợi ích của quá trình này là để cho những thế hệ tương lai của đất nước”, Modi viết như vậy sau khi trình bày những kế hoạch của mình trong ngày 25/9 vừa qua. Ông đã tiến hành xóa bỏ những rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia vào các dự án bất động sản và tiến hành cải cách lại hệ thống đường sắt.

Chiến dịch của ngài Thủ tướng đang trên đà thành công, một phần nhờ vào những nỗ lực thay đổi của Ấn Độ, một phần đến từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ, vốn sụt giảm nghiêm trọng trong 2 năm 2012 và 2013 sẽ tăng trưởng trở lại, khoảng 6,3% trong năm nay nhờ vào niềm tin của các nhà đầu tư giành cho ông Modi. Các nhà kinh tế dự báo tới năm 2016, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2%, nghĩa là vượt qua quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Trước khi ông Modi đẩy mạnh chiến dịch thay đổi, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ cũng đã nhắc về điều này. Việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể tạo ra sự khác biết lớn trong thời điểm này. Trung Quốc đã trở thành quốc gia mạnh về xuất khẩu nhờ vào giá nhân công rẻ mạt. Tuy nhiên, hiện tại ưu thế này sắp không còn nữa. Giá thuê nhân công tối thiểu tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, và nhiều công ty bắt đầu tính đến việc đặt nhà máy tại các quốc gia khác. Những quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam hay Indonesia  cũng tỏ ra hấp dẫn, nhưng lại thiếu đi một nguồn nhân lực lớn. “Ấn Độ là quốc gia duy nhất đáp ứng được về quy mô nếu các công ty rời khỏi Trung Quốc”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định.

Còn Việt Nam và Indonesia? Không có cái tên nào đủ lớn. Vì vậy, đây là cơ hội vàng cho Ấn Độ.


Hiện tại, giá nhân công sản xuất tại Ấn Độ trung bình là 92 cent, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,52 USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ấn Độ không thể so với Trung Quốc về cơ sở hạ tẩng, bao gồm  những khoản đầu tư đường sá, cảng biển và một mạng lưới mạnh mẽ. Đây là những yếu tố mà các công ty lớn mong muốn.  Một cơ sở hạ tầng quá yếu kém đang lấn át hết lợi thế giá nhân công của Ấn Độ.

Những lãnh đạo của Ấn Độ đang cố gắng thay đổi điều này. Chính quyền bang Madhya Pradesh hiện đang xây dựng 27 khu công nghiệp cùng với cam kết sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện luật lao động và luật đất đai để thân thiện hơn với các nhà đầu tư. Những điểm mới quan trọng trong luật lao động mới đó là chủ lao động sẽ dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng và sa thải nhân công.

Mặc khác, trên mặt trận ngoại giao, Ấn Độ đang tranh thủ từ xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Sau nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của cả Nhật Bản và Trung Quốc, Ấn Độ hiện đã thu hút được 57 tỉ USD tiền đầu tư. Trung Quốc đầu tư 20 tỉ USD, còn Nhật Bản là 35,5 tỉ USD. Phần lớn số tiền này sẽ được dùng để xây dựng khu công nghiệp khổng lồ nằm giữa Delhi và Mumbai, bao gồm cả hệ thống đường ray và đường bộ cao tốc.  Mục tiêu mà khu công nghiệp này nhắm tới đó là trở thành khu vực tương tự trung tâm công nghiệp đặt tại Quảng Đông của Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế nhận định, những chính trị gia Ấn Độ đang biết cách để “đưa mọi việc đi đúng hướng” theo ý đồ của họ.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch của Ấn Độ. Ford Motor có kế hoạch vào năm 2015 sẽ mở nhà máy thứ hai có giá trị 1 tỷ ở Ấn Độ bên cạnh nhà máy ở Tamil Nadu hiện nay. Công ty Nhật Bản Nidec hồi tháng 6 cũng thông báo kế hoạch đầu tư 10 tỷ yên vào nhà máy ở Rajasthan. Cuối tháng 11, Yamaha Motor dự định mở nhà máy 244 triệu USD sản xuất xe máy.  Ngày 1/10, Panasonic cũng thông báo về công ty liên doanh với Minda Industries với kế hoạch sản xuất 2 triệu pin xe hơi mỗi năm.

Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều lý do để các công ty lo lắng về Ấn Độ. Hiện Trung Quốc đang giữ vị trí số 1 về địa điểm đặt nhà máy sản xuất trên thế giới. TAL Group là một trong những nhà sản xuất quần áo nam lớn nhất thế giới. Vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng đắt đỏ, công ty này đã quyết định chuyển sang Việt Nam. Cách đây một vài năm, TAL cũng đã có ý định chuyển tới Ấn Độ nhưng cuối cùng đã chọn Việt Nam. “Mỗi nhà máy ở Ấn Độ có quá nhiều công đoàn và khiến công việc quản lý khó khăn hơn rất nhiều”, CEO của TAL nói.

Để trấn an các lo lắng của nhà đầu tư, ngày 16/10 vừa qua ông Modi đã thông báo cải cách cho phép chủ sử dụng lao động chỉ cần nộp một bản báo cáo duy nhất về việc tuân thủ 16 luật lệ liên quan đến lao động.

Micromax là hãng điện thoại thông minh nội địa đứng đầu Ấn Độ (thị phần chỉ đứng sau Samsung). Công ty này đã tận dụng lợi thế là công ty nội địa để giành giật khách hàng, nhưng hãng lại đặt nhà máy ở Trung Quốc. Để có thể sản xuất ở trong nước, một công ty như Micromax sẽ phải có rất nhiều nhà cung cấp nhưng họ ở Trung Quốc chứ không phải Ấn Độ.

>> Câu chuyện của Suzuki vào Ấn Độ

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM