Trò chuyện đầu năm với chàng trai dùng tiền tỷ để làm 'Đồ bỏ đi'

10/02/2016 10:16 AM | Kinh doanh

Dobody là một ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên Internet. Ứng dụng này đã có hàng nghìn lượt tải trên cả Web và Mobile nhưng ít ai biết được, đằng sau mỗi nhịp lệnh khớp nhau là câu chuyện về một chàng trai có tình thương yêu đặc biệt với đồng bào dân tộc Rục…

Dobody là gì và đang hoạt động như thế nào? Dưới đây là cuộc trò chuyện đầu năm của Cafebiz với anh Phan Bá Mạnh - CEO của Dobody:

PV: Chào Phan Bá Mạnh, đầu tiên, hãy giới thiệu đôi nét về bản thân anh và Dobody?

Tôi là một người con của xứ Thanh. Năm 2005, tôi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, vào làm việc tại một công ty phần mềm chuyên về giải pháp bán hàng với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung.

Còn Dobody là ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa, được hoàn thiện với 4 chức năng cơ bản: Bán đồ thừa, Tìm đồ thiếu, Đổi đồ giao lưu và Làm từ thiện.

PV: Nguồn cảm hứng từ đâu đã thúc đẩy anh làm Dobody?

Thực ra, chưa bao giờ tôi có ý định Startup Dobody cho đến cuối năm 2014. Khi đó, tôi cùng đoàn vào làm từ thiện ở đồng bào người Rục, Quảng Bình.

Cả đồng bào Rục chỉ có hơn 80 hộ dân, đường vào khó khăn, chật vật, phải đi bằng thuyền. Mặc dù được nhà nước hỗ trợ rất nhiều song cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn về mọi mặt, cả vật chất lẫn tinh thần.

Chẳng hạn như một cậu bé người Rục, khi tôi đưa xúc xích, bẽn lẽn nhận với ánh mắt sợ sệt. Tôi vừa quay mặt đi, cậu bé ăn nó một cách ngấu nghiến. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc tâm trí tôi phải làm gì đó để hỗ trợ đồng bào nơi đây.

Trở về Hà Nội. Lúc đó, tôi cũng vừa mua một căn hộ chung cư. Tình cờ thấy nhà hàng xóm đem bỏ bộ bàn ghế dù khá là mới.

Quan sát rộng hơn thì thấy, không chỉ hàng xóm của mình mà hầu như tất cả người dân ở Hà Nội, có những thứ không muốn dùng nữa nhưng không biết bỏ đâu, thậm chí mang đi vứt cũng phải lén lút. Những thứ mình không muốn sử dụng nữa thì ở đâu đó có người đang cần.

Hay các sinh viên tỉnh lẻ khi mới lên thành phố có rất nhiều nhu cầu và khó khăn phải đối mặt: Tìm phòng trọ, mua sách giáo trình, sách vở, sắm đồ dùng,... Trong khi còn đó rất nhiều hội nhóm, tổ chức sẵn sàng giúp đỡ - thì họ lại không tìm thấy nhau.

Dù khá bận rộn nhưng tôi vẫn đau đáu ý tưởng làm ra sản phẩm gì đó để giải quyết được nhu cầu "thừa bù thiếu". Phải làm thế nào để mọi người có thể chia sẻ được cho nhau, những điều mình thừa cho người nghèo.

Và Dobody với ý nghĩa “đồ bỏ đi” chính là ý tưởng, nơi khớp lệnh nhu cầu của những con người cần trao đổi, cho tặng những đồ vật, dịch vụ mà đối với mình không còn giá trị sử dụng nhưng đối với người khác thì đó là món đồ quý.


Anh Phan Bá Mạnh - CEO của DOBODY

Anh Phan Bá Mạnh - CEO của DOBODY

PV: Sau khi có ý tưởng, anh bắt tay vào làm Dobody như thế nào?

Tôi tìm đến bạn bè, đồng nghiệp, người thân chia sẻ để chắc chắn về tính khả thi của ý tưởng.

Sau nhiều phản hồi, hầu hết đều cho rằng đây ý tưởng rất hay và đơn giản, nhưng điều tôi thấy mừng nhất là mọi người đánh giá cao tính thiết thực của sản phẩm với cuộc sống nếu được vận hành chính thức.

Một số thì băn khoăn bày tỏ không biết tôi sẽ bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ đâu và như thế nào. Vậy là tôi bắt tay vào triển khai luôn ngay sau đó.

Việc tiếp theo là tôi quyết định rút khỏi vị trí lãnh đạo tại công ty cũ để chuyên tâm thực hiện dự án.

Tháng 6/2015, tôi viết dự án về việc xây dựng một phần mềm có chức năng kết nối những nhu cầu đổi đồ vật dành cho người thừa và người cần.

Sau nhiều nỗ lực, đến cuối tháng 9 năm 2015, tức là sau gần 4 tháng, dự án mang tên Dobody bắt đầu được triển khai vận hành thử.

PV: Dobody đang vận hành như thế nào?

Dobody thực chất là nền tảng khớp lệnh giữa cung cầu dựa trên nền tảng công nghệ của Google hoặc Facebook.

Thông qua định vị và nhu cầu thừa - thiếu của mỗi người dùng, phần mềm cung cấp cho người dùng những gợi ý tiện dùng và hiệu quả trong khớp lệnh. Phần mềm chạy trên cả trình duyệt web lẫn apps điện thoại thông minh.

Đặc biệt giải pháp này còn giúp mọi người có thể chia sẻ những khó khăn với đồng bào nghèo bằng cách quyên góp từ thiện. Ứng dụng Dobody cho phép người dùng có thể đăng tải những món đồ từ thiện. Người dùng cũng có thể lựa chọn tổ chức từ thiện hay cá nhân có hoàn cảnh khó khăn mà mình muốn gửi tặng, giúp đỡ.

PV: Có khó khăn để kiểm định chất lượng hàng trao đổi trên Dobody không, thưa anh?

Dobody sẽ chỉ tập trung vào lý tưởng ban đầu: là xây dựng một cầu nối giữa người thừa cái bạn cần, và người đang cần những cái bạn thừa.

Do đó, hình thức mua bán, trao đổi trên Dobody dựa trên giá trị của đồ đạc.Còn hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm vẫn có nhưng sẽ không thuộc trọng tâm, mà chủ yếu dựa vào sự tự giác, cũng như thông qua tự liên lạc giữa bên thừa và bên thiếu.

PV: Startup ở Việt Nam được đánh giá là thị trường mới đầy tiềm năng, tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những khó khăn mà một công ty khởi nghiệp nào cũng gặp phải. Với Dobody thì sao?

Với nhiều người khởi nghiệp thì vốn là một trong những khó khăn đầu tiên. May mắn là trước đó tôi đã tích lũy được một khoản vốn, cộng thêm tiền vay mượn. Đến lúc này sau gần 6 tháng triển khai, dự án "đồ bỏ đi" đã ngốn tiền tỷ của tôi.

Hiện vẫn còn rất nhiều khoản để chi tiêu để nuôi sống dự án, nên tôi không chắc số tiền đầu tư chỉ dừng lại ở hơn một tỷ đồng này.

PV: Quan điểm của anh thế nào về việc lựa chọn người cộng sự?

Việc tuyển nhân sự với một start-up là điều không dễ dàng, nhất là tuyển mộ được các bạn trẻ tâm huyết và có năng lực. Triết lý nhân sự của tôi là: “Muốn đi nhanh thì cần người tài và muốn đi dài thì cần người tốt”.

Ngoài một một số cộng sự cũ, tôi tuyển thêm các kỹ sư phần mềm.

Tôi đã đưa ra hai lựa chọn cho các đồng nghiệp, hoặc lĩnh lương cao hàng tháng hoặc nhận cổ phần nếu dự án thành công.

Với nhân sự không nhận lương, họ không có thu nhập nên tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt. Và thực tế là hầu hết các nhân sự tham gia dự án đều chọn hình thức thứ 2 đó là nhận cổ phần khi dự án thành công.

Điều này khiến tôi khá hài lòng và cảm thấy có thêm động lực về cộng sự của mình. Bởi thực tế không phải dễ dàng tìm được người cùng chí hướng và dám chấp nhận thử thách "hoặc sống hoặc chết" với một start-up như tôi.

PV: Đến nay, Dobody đã đi vào vận hành và nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều người tải về dùng. Anh đã tính đến mức lợi nhuận của Dobody trong thời gian tới?

Thời gian đầu vận hành, chúng tôi miễn phí hoàn toàn cho người dùng, đồng thời liên tục cải tiến nhằm đưa ra các công cụ hữu ích hơn.

Hiện dự án vẫn đang trong quá trình thử nghiệm soát lỗi thông qua sự tham gia của hơn 4.000 sinh viên Đại học công nghiệp Hà Nội.

PV: Thành công của Dobody ở thời điểm này là gì?

Cuối tháng 11 vừa qua, nhóm chúng tôi tham dự chương trình Startup Insider HackFair do Google Devoloper Group tại Việt Nam tổ chức, và Dobody đã vượt qua hơn 50 dự án khởi nghiệp khác để nhận giải Đột phá sáng tạo - một trong 4 giải thưởng cao nhất tại sự kiện.

Hiện, tôi đã nhận được lời mời của một số nhà đầu tư Nhật sang nước họ để thuyết trình về sản phẩm trước khi tung ra thị trường vào đầu năm sau. Tôi thấy khá hứng khởi.

Dù vậy, lúc này, tôi chưa dám khẳng định dự án sẽ thành công trên thị trường. Song, tôi luôn làm việc với tâm thức: "Nếu thành công thì nó là Dobody.vn, còn nếu thất bại thì dự án chỉ là đồ bỏ đi như bao start-up Việt Nam khác".

Xin cảm ơn anh!

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM