Tình tiết ly kỳ về những kiệt tác nghệ thuật bị thất lạc

17/12/2015 20:14 PM | Kinh doanh

Có trường hợp những tác phẩm nghệ thuật vốn mang một giá trị vô cùng to lớn đối với thế giới thì lại không được ghi nhận hoặc bị bỏ quên và vô tình được tìm thấy trên gác mái hay tầng hầm.

Những tác phẩm nghệ thuật rất hay bị thất lạc! Đôi khi chúng bị đánh cắp từ các viện bảo tàng hay từ các bộ sưu tập tư nhân.

Nhưng cũng có trường hợp những tác phẩm nghệ thuật vốn mang một giá trị vô cùng to lớn đối với thế giới thì lại không được ghi nhận hoặc bị bỏ quên và vô tình được tìm thấy trên gác mái hay tầng hầm.

Tác phẩm “người đàn ông trên lưng báo” của nghệ sĩ Michelangelo

Có nhiều khi những kiệt tác được lưu trữ trong những bộ sưu tập tư nhân hay trong những căn hầm ở viện bảo tàng, nhưng thật đáng tiếc là người ta chưa thấy hết được giá trị và ý nghĩa thực sự của nó. Một trong những minh chứng tiêu biểu đó là việc khám phá ra hai bức tượng bằng đồng của nghệ sĩ điêu khắc người Ý, Michelangelo Buonarroti.

Hai người đàn ông cơ bắp lực lưỡng cưỡi trên lưng hai chú báo vốn đã được biết đến từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ thứ 19. Nhưng vì một số nhà chuyên gia cho rằng, đây không phải là tác phẩm do chính Michelangelo tạo ra nên hai bức tượng bằng đồng đen này gần như đã bị lãng quên trong một khoảng thời gian khá dài, gần 1 thế kỷ.

Cho đến đầu năm 2015, một nhóm các chuyên gia đã đưa ra một kết luận táo bạo – tác phẩm của hai bức tượng đồng không ai khác, chính là nghệ sĩ tài ba Michelangelo Buonarroti.

Lí luận được đưa ra khi các chuyên gia khám phá ra những bức tranh của một trong số những người học trò của bậc thầy gốc Ý. Người ta cho rằng, chính học trò của ông đã sao chép lại những bức phác hoạ của thầy, trong số đó có hình ảnh phác hoạ của “người đàn ông trên lưng báo”

Bức hoạ nàng Mona Lisa bị đánh cắp

Có lẽ “La Gioconda” sẽ không được coi như một bức hoạ nổi tiếng nhất thế giới như ngày nay nếu không có sự kiện bức hoạ này bị đánh cắp vào tháng 8 năm 1911.

Sự biến mất không dấu vết của bức hoạ trong bảo tàng Louvre nổi tiếng không chỉ làm chấn động Paris tráng lệ và rung động cả nước Pháp mà còn trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Cảnh sát dốc lực tìm kiếm “nàng Mona Lisa” ở khắp nơi trên đất nước, thậm chí còn đóng cửa biên giới để ngăn không cho bức tranh bị chuyển lậu sang nước ngoài. Vụ trộm còn khiến nhà thơ Guillaume Apollinaire và hoạ sĩ Pablo Picasso cũng bị nghi ngờ và bị triệu lên phỏng vấn. Tuy nhiên, sau đó, hai nghệ sĩ đều được chứng minh là vô tội.

Những tin đồn về việc bức tranh của Leonardo thất lạc bắt đầu được lan truyền trên khắp thế giới. Thậm chí nhiều nhà báo còn đưa sự kiện này thành sự kiện đáng chú ý nhất của năm. Mỗi ngày, đều có một bài được đăng trên mặt báo để cập nhật tình hình của vụ trộm và công tác điều tra của cảnh sát.

Vị trí nơi bức tranh quý đã được treo trước khi bị đánh cắp
Vị trí nơi bức tranh quý đã được treo trước khi bị đánh cắp

Suốt hơn hai năm ròng, cảnh sát đã không tìm được ra manh mối nào về bức tranh quý. Phải đến ngày 13 tháng 12 năm 1913, họ nhận được cuộc gọi từ giám đốc của phòng trưng bày nghệ thuật “Uffizi” tại Florence cho biết rằng có người đang cố bán bức tranh nàng Mona Lisa cho mình.

Cảnh sát lập tức có mặt và bắt giữ kẻ tình nghi là một người gốc Ý tên là Vincenzo Perugia. Người này từng là nhân viên của bảo tàng Louvre. Sau vài cuộc thẩm tra, anh ta đã thừa nhận đã ăn cắp bức tranh, nhưng với mục đích là để mang bức hoạ trở về quê hương mình tại Ý, nơi nó đã được thai nghén và cho ra đời.

Bức tranh sau đó đã được trao trả lại cho viện bảo tàng Louvre và kẻ trộm chỉ bị ngồi tù trong khoảng 8 tháng.

Sự trở lại của những bức hoạ bị đánh cắp của Nazi

Chiến tranh thế giới không chỉ là thảm hoạ của nhân loại mà còn của những tác phẩm nghệ thuật nữa. Trong những tháng năm bom đạn liên miên, không ít các tác phẩm nghệ thuật quý giá hoặc bị tàn phá hoặc đã bị thất lạc.

Một vài trong số chúng được tìm thấy trong các bộ sưu tập tư nhân hay viện bảo tàng trên khắp thế giới. Năm 2012, giới nghệ thuật chứng kiến một phép màu có thực – sự trở lại của 1500 bức hoạ của các tác gia nổi tiếng thế giới tưởng đã bị mất hoặc phả huỷ trong thế chiến thứ II

Bộ sưu tập đáng kinh ngạc ngày đã được phát hiện một cách tình cờ vào năm 2011.

Nghi ngờ ông Cornelius Gurlitt, con trai của một nhà buôn nghệ thuật có tiếng, có hành vi trốn thuế, cảnh sát Đức đã tiến hành cho lục soát và phát hiện một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật bị mất tích dưới triều đại Đức quốc xã.

Trong số các bức hoạ này, có cả những tác phẩm của Picasso, Matisse và Chagall. Tổng giá trị của tất cả những bức tranh được tìm thấy dự tính lên tới một tỉ Euro.

Hành trình 70 năm của cuốn thiểu thuyết “The Taming of Cerberus” – của nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie

Lịch sử cho thấy, công tác kiểm duyệt các tác phẩm nghệ thuật bị lệ thuộc không những ở đất nước duy trì chế độ độc tài hay chủ nghĩa toàn trị, mà ở cả những quốc gia được coi là tương đối tự do. Tác phẩm “The Taming of Cerberus” của tác giả Agatha Christie là một ví dụ điển hình.

“The Taming of Cerberus” là một trong những cuốn sách trong loạt tác phẩm trinh thám Hercule Poirot (xin bạn đọc đừng nhầm lẫn với cuốn “The Labours of Hercules”- Mười hai kỳ công của Hercules) mà Agatha Christie viết vào giữa những năm 30.

Chính vì một trong những nhân vật trong tiểu thuyết dù được hư cấu là phục vụ cho một kẻ độc tài tên August Gerttslyayn, dễ dàng liên tưởng đến Adolf Hitler, nên nhà xuất bản đã từ chối xuất bản tác phẩm của bà vào năm 1939. Thất vọng với sự chối từ vô lí của nhà xuất bản, bà đã ném bản viết tay tác phẩm đó lên gác mái và cuối cùng nó đã bị lãng quên theo thời gian.

Nhưng sự hồi sinh của tác phẩm “The Taming of Cerberus” bắt đầu trỗi dậy 70 năm sau đó. Khi bản viết tay ấy được ông John Curran, một chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Agatha Christie, tình cờ phát hiện trên gác mái trong ngôi nhà của cố nhà văn vào năm 2005.

Phải mất gần 3 năm ông Currant mới tìm và thu thập lại được tất cả các phần của cuốn tiểu thuyết và phục chế lại thành một bản hoàn thiện. Do vậy, cho đến năm 2009, “The Taming of Cerberus” mới chính thức được ra mắt độc giả sau 70 năm hoàn thành tác phẩm của “Nữ hoàng truyện trinh thám”.

Bức “Hoàng hôn ở Montmajour” của danh hoạ Van Gogh

Vincent Van Gogh là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử hội hoạ thế giới. Mỗi bức tranh ông vẽ có giá lên đến mười triệu đô la. Đó là lí do tại sao bất kỳ một phát hiện mới nào về những tác phẩm của ông đều mang lại nguồn cảm hứng cho giới nghệ thuật.

Sự kiện gần đây nhất là vào năm 2013, khi bức hoạ mang tên “Sunset at Montmajour” của ông được phát hiện và được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Van Gogh, Amsterdam.

Bức hoạ được vẽ vào năm 1888 tại Arles trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của danh hoạ nước Hà Lan. Nó được mua bởi một nhà tư bản Na Uy tên là Christian Nicolas Mastad vào năm 1908, sau khi ông này nghe một người bạn là nhà sử học nghệ thuật tư vấn.

Tuy nhiên “ông chủ mới” nhanh chóng mất “hứng thú” vào bức tranh sau khi một người bạn là Đại sứ Pháp cho ông biết bức tranh vừa mua là đồ giả. Thế nên, ông đã bỏ mặc bức tranh trên gác xép trong ngôi nhà của mình ở Na Uy.

Con cháu của Christian Nicolas Mastada đã hai lần thử xác minh chữ ký trong bức hoạ có phải là của Van Gogh hay không. Họ đã nhờ đến nhiều chuyên gia, trong đó có cả những chuyên gia của bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, vào năm 1991.

Rồi họ vô cùng thất vọng vì ngay cả đến những chuyên gia đầu ngành cũng từ chối xác nhận đó là dấu ấn của bậc thầy hội hoạ trường phái hậu ấn tượng.

Vài năm trước đây, bào tàng Van Gogh Museum Amsterdam đã mua lại bức “Sunset at Montmajour” để một lần nữa thử xác minh lại dấu ấn của tác giả.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về phong cách, kỹ thuật, lối miêu tả và so sánh với các thành phần màu mà Van Gogh đã sử dụng để vẽ các bức tranh của ông tại Arles. Các chuyên gia đã đi tới kết luận bức hoạ đó chính là của nhà hoạ sĩ đại tài Van Gogh.

Và đây là trường hợp đầu tiên kể từ năm 1928, khi giới nghệ thuật phát hiện thêm một bức hoạ do chính hoạ sĩ Van Gogh vẽ, mà trước đó chúng không được xác minh hay công nhận.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM